Đó là một buổi tối thứ Bảy nóng bức ở Seville chứng kiến 6 bàn thắng, pha sút phạt luân lưu kịch tính và những giọt nước mắt. Có lẽ những cảm xúc đó thật sự đã đưa Pháp lên đỉnh cao của bóng đá thế giới, nhưng bất kỳ ai đã xem trận bán kết World Cup 1982 sẽ nhớ nhất về 10 phút trong hiệp 2 khi Patrick Battiston nằm bất tỉnh nhân sự trên sân sau cú vào bóng kiểu kung-fu của Harald Schumacher.
Battiston đổ ập xuống sân, giãy lên một chút, rồi nằm yên. Michel Platini, người đã chuyền đường bóng 50-50 về buộc Battiston phải đuổi theo, lộ rõ vẻ kinh hoàng trên nét mặt. Ông nghĩ người đồng đội của mình đã chết. “Anh ấy không cử động chút nào, mặt tái ngắt”, Platini nhớ lại sau này.
Khi 2 đội Pháp và Đức gặp lại nhau ở World Cup, như thứ Sáu này tại Rio de Janeiro, những ký ức đó luôn hiện về. Platini cầm tay Battiston khi các nhân viên y tế đặt ông này lên cáng, hôn vào tay đồng đội rồi đặt nó lên lại ngực Battiston trước khi trở lại đá nốt trận đấu.
Khoảnh khắc trước thời điểm va chạm
May mắn là câu chuyện kết thúc có hậu. Battiston giờ làm giám đốc bóng đá trẻ ở Bordeaux và hiểu vị trí của mình trong những câu chuyện về World Cup: nạn nhân vô tội của sự tàn ác từ Schumacher. “Những ký ức đó sống mãi”, Battiston, giờ đã 57 tuổi, nói. “Mọi người luôn nhắc với tôi về World Cup 1982, nhưng câu chuyện không chỉ là về tôi”.
Anh bị gẫy 2 răng, rạn 3 xương sườn và một đốt sống bị thương nhẹ, nhưng không nguy hiểm tính mạng. Battiston sau này nói thủ thành của tuyển Đức khi đó Schumacher là “một người bất chấp tất cả, muốn chiến thắng bằng mọi giá”. Battiston khi đó vừa vào sân từ ghế dự bị và từ ngoài sân, ông nói mình nhớ thủ thành Đức trận đó chơi dữ tợn ra sao.
22 năm sau, sẽ không có ai đòi báo thù khi 2 đội gặp nhau ở Maracana. “Tôi đã tha thứ”, Battiston nói. “Chúng ta sẽ không bao giờ biết đó là một tình huống cố ý hay không. Tôi dần nhận ra anh ấy cũng bị người ta gắn chặt với pha vào bóng đó”.
Sau thời điểm va chạm
Trở về Đức sau thất bại trong trận chung kết năm 1982 dưới tay Italia, Schumacher mãi sau này mới hiểu được ông đã gây ra chuyện gì, không chỉ với cơ thể Battiston, mà với cả hình ảnh ông trong mắt dư luận. Thủ thành của Cologne đã nói lời xin lỗi. “Có lẽ anh ấy thật sự thấy có lỗi”, Battiston nói. Schumacher sau này giải thích ông không ngờ chấn thương lại nghiêm trọng đến thế.
Trọng tài người Hà Lan Charles Corver thậm chí không hề thổi phạt, chứ đừng nói là rút ra thẻ vàng. Houllier, hiện là thành viên ban nghiên cứu kỹ thuật của FIFA, đồng ý rằng một pha vào bóng như thế chắc chắn phải nhận thẻ đỏ ở thời hiện đại. Manuel Neuer sẽ phải sống trong địa ngục cả đời nếu vào bóng kiểu đó vào tối nay. Thậm chí từ năm 1982, dư luận đã rất giận dữ với sự ác ý của thủ thành người Đức Schumacher.
Sau này trong cuốn sách của mình, Schumacher giải thích: “Tôi cảm thấy rất đáng hổ thẹn, tôi đứng trước khung thành và giữ bóng lâu. Đó là sự hèn nhát. Có lẽ đó là lần đầu tiên trong đời tôi thấy mình là một kẻ hèn nhát thật sự”. Trận đấu tiếp diễn với hiệp phụ khi 2 đội ghi tới 4 bàn thắng trong chỉ hơn nửa giờ đồng hồ. Một cú vô-lê của Marius Tresor và một pha sút xa từ ngoài vòng cấm của Alain Giresse giúp Pháp dẫn 3-1. Karl-Heinz Rummenigge, không thể đá chính vì chấn thương, vào sân từ ghế dự bị gỡ lại một bàn trước khi Klaus Fischer gỡ hòa cho Tây Đức.
Schumacher (trái) và Battiston hiện tại
Đó chính xác là kiểu các trận đấu vừa kết thúc ở World Cup Brazil 2014. Uli Stielike của Tây Đức là người đầu tiên đá hỏng phạt đền, bị Jean-Luc Ettori đẩy ra, nhưng Schumacher đã có các pha cứu 11 mét xuất sắc từ Didier Six và Maxime Bossis giúp Tây Đức vào chung kết.
“Người hùng” của Tây Đức vẫy cao đôi tay chiến thắng khi Horst Hrubesch sút thành công quả quyết định và đám đông CĐV ở TBN huýt sáo la ó dữ dội. Tây Đức ở giải đó vốn đã bị căm ghét vì trận diễn kịch với Áo ở vòng bảng để loại Algeria. Pháp hiển nhiên là rất thất vọng. Sau nhiều thế kỷ là những kẻ thù đẫm máu, hai cường quốc châu Âu giờ sống hòa bình cạnh nhau và sân bóng đá là nơi hiếm hoi mà họ lại thể hiện sự thù địch. Không lâu sau World Cup, một tờ báo Pháp công bố kết quả thăm dò dư luận nói Schumacher là người Đức bị căm ghét nhất ở Pháp, xếp trên Hitler! Ở Pháp, ông bị gọi là “Tên đồ tể ở Seville”.
2 năm sau, Platini đưa Pháp tới vinh quang ở châu Âu và họ gặp lại Đức ở bán kết World Cup Mexico 1986 tại Guadalajara. Một lần nữa Pháp thua trận, lần này với tỉ số 0-2, và không có nhiều kịch tính. Tối nay, họ sẽ gặp lại nhau lần đầu tiên ở World Cup kể từ đó.
Giờ họ đang làm gì?
Patrick Battiston: Hồi phục chấn thương và có một sự nghiệp thành công. Giành 3 chức vô địch Pháp với Bordeaux và 1 với Monaco. Lại chơi cho ĐT Pháp ở một trận giao hữu gặp Đức mà Schumacher bắt chính tại Strasbourg năm 1983 và là thành viên ĐT Pháp vô địch châu Âu 1984. Tham dự World Cup 1986 và có tổng cộng 56 trận chơi cho ĐTQG. Kết thúc sự nghiệp ở Bordeaux và là giám đốc đào tạo trẻ của CLB.
Harald Schumacher: 76 lần khoác áo ĐT Tây Đức, thua 2 trận chung kết World Cup. Trải qua hầu hết sự nghiệp bắt cho Cologne và hiện là phó chủ tịch CLB. Từng làm HLV cho Bayer Leverkusen và Fortuna Cologne một thời gian ngắn trước khi thành lập công ty tiếp thị Sportsfirst.