DI CHUYỂN NỘI ĐỊA LO HƠN… QUỐC TẾ
Ông Nguyễn Văn Bình, Vụ trưởng Vụ tài chính của Tổng cục TDTT, đồng thời là người phụ trách hậu cần của Đoàn TTVN , cho biết: “Có 2 nhiệm vụ cần phải hoàn thành. Một là di chuyển quốc tế. Nếu ở Yangon, mọi thứ sẽ dễ chịu hơn nhưng ở đây chỉ có 6 bộ môn thi đấu, trong khi đại quân của chúng ta sẽ đổ bộ vào Nay Pyi Taw. Nước chủ nhà gặp những khó khăn vì đây là thủ đô mới. Tổng công ty hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) sẽ hỗ trợ tích cực và bố trí đưa đại quân xuống thẳng Nay Pyi Taw. Bằng cách di chuyển đó, chúng ta tiết kiệm được sức lực cho VĐV và đảm bảo được hành lý, trang thiết bị không bị thất lạc”.
Sân bay quốc tế Nay Pyi Taw được khởi công xây dựng năm 2007 nhằm phục vụ SEA Games 2013 và hội nghị thượng đỉnh ASEAN 2014. Từ tháng 11, sân bay quốc tế Nay Pyi Taw mở thêm đường bay tới các nước trong khu vực đồng thời tiếp nhận những chuyến bay thẳng từ các quốc gia. Thế nên, vấn đề di chuyển quốc tế được Đoàn TTVN giải quyết.
Tuy nhiên, vấn đề di chuyển nội địa cho khoảng 500 VĐV, quan chức, cán bộ Đoàn TTVN đang là dấu hỏi cực lớn. Dù có tới 30 năm kinh nghiệm tham gia, tổ chức, điều hành các kỳ SEA Games cho đoàn thể thao Việt Nam nhưng Vụ trưởng Nguyễn Văn Bình vẫn thấy đấy là vấn đề nan giải. Ông Bình nhấn mạnh: “Chúng ta phải tính toán thật kỹ. Tôi đang làm việc với BTC SEA Games về hoạt động di chuyển ở Nay Pyi Taw. Đầu tiên, đoàn của chúng ta phải được đón đúng giờ. Từ đó, chúng ta cũng lên lịch cụ thể cho vấn đề di chuyển để đưa các VĐV đi tập luyện, thi đấu… Đó là việc không đơn giản”.
CÁN BỘ AN NINH, BỆNH VIỆN LƯU ĐỘNG
Tất cả các đoàn thể thao dự SEA Games đều rất quan tâm đến vấn đề an toàn thực phẩm. Đoàn Việt Nam cũng vậy bởi VĐV của chúng ta đã từng có những lần bị ngộ độc thức ăn hoặc không ăn được thực phẩm của nước chủ nhà. “An toàn thực phẩm được chúng tôi quan tâm hàng đầu. Ngoài sự thích nghi của các VĐV với các bữa ăn theo thực đơn của BTC, từng VĐV, mỗi bộ môn thi đấu đều chủ động mang thêm lương thực”, Vụ trưởng Bình cho biết.
Đoàn thể thao Việt Nam cũng thành lập 3 tiểu ban lưu động song hành cùng các VĐV trong suốt kỳ SEA Games. Đội ngũ y tế, với trang thiết bị được mang từ Việt Nam sang sẽ hoạt động như một bệnh viện lưu động nhằm giải quyết tất cả những sự cố phát sinh. Bên cạnh đó, Tiểu ban doping luôn sẵn sàng tư vấn cho các bộ môn về những đồ ăn thức uống, những loại thuốc nào được sử dụng để tránh tình trạng chúng ta vô thức nhập vào người những chất bị cấm. Ngoài ra, lực lượng an ninh từ Việt Nam cũng sẽ đi theo, bảo vệ đoàn, bên cạnh lực lượng an ninh của BTC.
Ở Myanmar, viễn thông rất nghèo nàn. Gần như với những người nước ngoài, chúng ta không thể mua SIM điện thoại bởi chủ nhân của chiếc SIM phải đăng ký với nhà cung cấp dịch vụ và có sự đảm bảo của chính quyền địa phương. Trong khi đó, internet (trừ ở các địa điểm thi đấu) rất hiếm, rất chậm và chưa có công nghệ 3G.
Hôm nay (9/11), lãnh đạo Đoàn thể thao Việt Nam sẽ họp phiên quan trọng tại Hà Nội để đưa ra các quyết sách cho mọi vấn đề. Những quyết sách sau buổi họp này sẽ được phổ biến tới từng bộ môn, từng nội dung và từng VĐV để công tác chuẩn bị được thuận lợi nhất.
Cửa vào Làng VĐV
Ngày 24/11, mở cổng Làng VĐV
Theo thông tin từ BTC SEA Games, Làng VĐV sẽ làm lễ mở cổng vào ngày 24/11 để đón những vị khách đầu tiên. Tới nay, cơ sở vật chất đã sẵn sàng và sau thời điểm mở cổng là các bộ phận sẽ chính thức hoạt động.