Nguồn cơn từ đâu?
Tháng 10/2023, giải Hanoi Open Pool Championship được tổ chức. Hai công ty đứng ra đăng cai giải là Matchroom (Anh) và Vietcontent (Việt Nam). Giải đấu do Liên đoàn Billiards và Snooker Hà Nội xin Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cấp phép. Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam không được thông qua. Cần nói thêm, giải đấu kể trên không nằm trong hệ thống của Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á cũng như thế giới.
3 tháng trước khi giải đấu được tổ chức, Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á cảnh báo với Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam về việc giải đấu tại Hà Nội vi phạm quy định, khi tên giải có từ Asian và có vận động viên từ trên 2 nước tham dự. Giải cũng không được sự chấp thuận của Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á. 1 tháng sau, Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam gửi công văn đến Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, đề nghị xem xét lại việc cấp phép giải đấu.
Một cuộc họp giữa Cục Thể dục thể thao, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam cùng các đơn vị liên quan đã được tổ chức. Tuy nhiên sau cuộc họp, phía Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, đơn vị tổ chức vẫn quyết định giữ tên cũ và tổ chức giải đấu!
Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam tiếp tục gửi công văn đến nhiều tổ chức, đơn vị nhưng Asian Open Pool Championship 2023 vẫn diễn ra như cũ. Đến năm nay, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội lại tiếp tục cấp phép tổ chức, lần này cho giải đấu với tên gọi Hanoi Open Pool Championship. Lúc này, Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á tuyên bố phạt nặng với… Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam, nếu không giải quyết được vụ việc trước 23/5.
Sau cùng, mọi chuyện vẫn không thể thay đổi. Liên đoàn Billiards và Snooker châu Á quyết định đình chỉ mọi hoạt động của billiards Việt Nam trong 6 tháng, gây ảnh hưởng rất lớn đến quyền lợi của các VĐV, nhất là các VĐV đội tuyển quốc gia.
Các cơ thủ của đội tuyển billiards Việt Nam, thuộc quyền quản lý của VBSF không được tham dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 6 (AIMAG 6) vào tháng 11 tới tại Thái Lan. Đồng thời, Việt Nam có thể cũng không được đăng cai tổ chức Giải vô địch billiards carom 3 băng thế giới World Championship 2024 tại Bình Thuận vào tháng 9 và nhiều khả năng vắng mặt ở World Cup 2024 tại Hàn Quốc. Các cơ thủ carom 3 băng hàng đầu Việt Nam hiện nay như Trần Quyết Chiến, Bao Phương Vinh sẽ bị ảnh hưởng lớn.
Họ sẽ không được tham dự Đại hội thể thao trong nhà và võ thuật châu Á 2024 diễn ra tại Thái Lan vào tháng 11.
Liên đoàn Billiards và Snooker Hà Nội nói gì?
Ngày 30/7, Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội gửi công văn tới Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội. Công văn nêu rõ tính pháp lý của giải PBA Hanoi Open diễn ra vào tháng 8/2024.
Đây là giải carom 3 băng quốc tế chuyên nghiệp được Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội cấp phép tổ chức. Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội là đơn vị xin phép tổ chức. Đối tác tổ chức là một hiệp hội billiards chuyên nghiệp của Hàn Quốc, không là thành viên của Liên đoàn billards carom thế giới (UMB).
Căn cứ theo Điều 9, Thông tư số 09/2012/TT-BVHTTDL của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội khẳng định "PBA Hanoi Open là một giải thể thao nhà nghề môn billiards không có yếu tố của giải thể thao thành tích cao".
Bên cạnh đó, căn cứ theo Luật thể dục thể thao sửa đổi 2018 thì PBA Hanoi Open thuộc thẩm quyền quyết định tổ chức của UBND thành phố Hà Nội. Bản thân Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội nhấn mạnh đơn vị này không phải thành viên của ACBS. Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội được thành lập từ năm 2018, trước thời điểm liên đoàn cấp quốc gia ra đời và 2 đơn vị hoạt động độc lập.
Phía Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, chưa lên tiếng về những điều đã xảy ra.
Liên đoàn Billiards và Snooker Việt Nam cần được tôn trọng
Theo Luật Thể dục Thể thao số 77/2006/QH11, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 26/2018/QH14, Liên đoàn thể thao quốc gia là tổ chức xã hội - nghề nghiệp về một môn hoặc một số môn thể thao và được gia nhập liên đoàn thể thao quốc tế tương ứng. Tuy nhiên, Liên đoàn thể thao quốc gia chỉ là tổ chức xã hội - nghề nghiệp, không có thẩm quyền yêu cầu với cơ quan quản lý nhà nước.
Câu chuyện của Billiards và Snooker những ngày qua chỉ ra một lỗ hổng. Nếu Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội xin phép tổ chức các giải đấu quốc tế (có sự tham dự của VĐV 2 quốc gia trở lên) và nhận được sự đồng ý của Sở Văn hoá Thể thao Hà Nội thì sự hiện diện và quyền hạn của Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam liệu có giá trị? Sự tôn trọng dành cho tổ chức này ở đâu, khi vốn dĩ Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam rơi vào cảnh giữa dòng? Bên cạnh đó, quyền hạn của Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam tới đâu, trong việc quản lý HLV, VĐV tham dự các giải đấu được và không được phép từ phía Liên đoàn billiards & snooker châu Á?
Một điều nữa, mối quan hệ giữa Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam và Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội như thế nào? Ở nhiều môn thể thao khác của Việt Nam, trong đó có bóng đá, Liên đoàn địa phương nằm trong hệ thống thành viên của liên đoàn quốc gia. Vậy liệu điều đó có khác ở billiards & snooker? Nếu không, Liên đoàn billiards & snooker Hà Nội nên có sự tôn trọng hơn đối với Liên đoàn billiards & snooker Việt Nam.