PV: Trong hai tháng rảnh rỗi vừa qua, cuộc sống hàng ngày diễn ra như thế nào?
Gael Monfils: Có thể với nhiều người, lệnh cách ly xã hội do dịch Covid-19 mang tới cảm giác khó chịu bí bách nhưng với tôi, đấy là khoảng thời gian quý báu để tập trung vào sự nghiệp eSport.
Anh là tín đồ của trò chơi điện tử?
Tôi lớn lên với những trò chơi điện tử, từ game trên máy tính tới điện tử tay cầm. Nó giúp tôi kìm nén và triệt tiêu những cảm xúc tiêu cực, kích thích suy nghĩ và tăng cường tính tập trung. Đấy là điều thú vị vì mọi người hay bảo tôi không tập trung cao độ trên sân tennis, nhưng đó là biểu hiện bên ngoài chứ tự tôi hiểu rằng, mình cần làm gì. Bạn biết đấy, để thành công trong eSport, game thủ luôn căng mắt ra nhìn, tay bấm liên tục và gần như quên mất thế giới bên ngoài.
Vậy anh có phải là một game thủ thành công?
Tất nhiên rồi (cười). Hai năm trước, tôi vô địch trò Lords Mobile và trở thành đại sứ thương hiệu của tựa game này luôn. Bây giờ, tài khoản trực tuyến của tôi xếp hạng 1 trên toàn nước Pháp.
Trong giới tennis, còn tay vợt nào chia sẻ chung sở thích này với anh không?
Gilles Simon là một ví dụ điển hình. Cậu ấy còn nghiện game hơn cả tôi. Nhớ nhất một kỷ niệm tại Davis Cup 2014, đêm trước ngày đánh chung kết với ĐT Thụy Sỹ, tôi và Simon phá đảo trò God of War. Chúng tôi ngủ lúc 3h sáng, thức dậy lúc 10h, ăn uống, khởi động nhẹ nhàng và thấy vô cùng phấn chấn. Hôm đó, ĐT Pháp giành chiến thắng 3-1.
Ngoài ra, tôi còn biết đông đảo anh em trong giới thường xuyên chơi game xả stress như Nick Kyrgios, Wilfred Tsonga và thậm chí là Novak Djokovic.
Mỗi khi đi thi đấu, anh mang theo bao nhiêu thiết bị chơi game?
15 năm qua chứng kiến sự thay đổi của công nghệ. Ngày xưa khi đi thi đấu, tôi thường phải đóng riêng một vali ký gửi chứa tay cầm, máy móc, dây diện. Nhưng bây giờ, tất cả tích hợp trong một chiếc điện thoại và với không gian mạng, chúng ta có thể dễ dàng kết nối với hàng triệu người chơi trên toàn cầu. Thậm chí, còn có một mạng xã hội riêng được thành lập cho cộng đồng game thủ. Về cơ bản là tiện lắm.
Có người cho rằng, mải mê chơi game sẽ khiến các VĐV lơ là luyện tập, bỏ quên nghề nghiệp chính. Anh có đồng tình với quan điểm này?
Suy nghĩ như thế là cực đoan và không còn đúng với thời đại. Tôi chỉ nói trong khuôn khổ tennis, game và tennis thực ra có rất nhiều điểm chung. Hai môn đều là thể thao nặng tính chiến lược, đòi hỏi nhiều sự tập trung, phản xạ nhanh và khả năng ra quyết định đúng thời điểm. Nếu tôi chơi game mà không thể đánh tennis, không kiếm được tiền giải thưởng thì mọi người mới có thể phán xét tôi.
Nhưng tại thời điểm này, anh quan tâm tới tennis hay eSport hơn? ...
Tôi vẫn đam mê tennis và coi nó là nghề nghiệp toàn thời gian. Nhưng mặt khác, tôi đã có tuổi và phải chuẩn bị cho tương lai hậu giải nghệ. eSport bây giờ không phải là trò chơi của mấy đứa con nít mà phát triển thành ngành công nghiệp. Thực ra, tôi đã bắt tay vào làm một dự án eSport từ 2 năm nay nhưng khi nào thành hình, tôi mới công bố rộng rãi.
Xét cho cùng ở góc độ kinh doanh, tennis hay eSport đều là thể thao, là kênh quảng bá và kiếm tiền. Người chơi ở hai bộ môn là VĐV, cần được đào tạo bài bản, rèn luyện thể lực, nâng cao kỹ thuật và nên có đội ngũ hậu cần phía sau hỗ trợ. Mỗi khi chơi game, tôi thường nhớ tới những trận đấu lớn ở Grand Slam và cảm thấy “rùng mình” một chút. Ở nhiều khoảnh khắc, tình huống bạn gặp phải ở tennis sẽ giống hệt trải nghiệm eSport.
Ngoài eSport, anh còn có sở thích đặc biệt nào nữa không?
Tôi có nhiều thú vui cá nhân, chẳng hạn như khi ở nhà một mình vào cuối tuần, tôi thường vẽ tranh. Đó cũng là một cách để tôi thể hiện và bộc lộ bản thân. Tôi hiểu rằng các bạn luôn nhìn tôi dưới tư cách một tay vợt chuyên nghiệp, nhưng cuộc sống đâu chỉ quần vợt. Tôi là một người bình thường, có mưu cầu hạnh phúc và sống với đam mê.
Fan cuồng truyện tranh Mê nấu ăn |
XEM THÊM
Lewis Hamilton giàu nhất giới thể thao tại Anh