Bóng Đá Plus trên MXH

Sven-Goran Eriksson khó thành công ở AFF Cup 2018
13:59 ngày 30/10/2018
Khi Philippines bổ nhiệm Sven Goran Eriksson, mục tiêu ngắn hạn của quốc gia này là có được thành công ở AFF Suzuki Cup 2018.
    Với kinh nghiệm của mình, ông thầy người Thụy Điển đương nhiên phù hợp nhưng nhìn lại quá khứ, không dễ để 1 HLV nổi tiếng trên thế giới giành được thành tích cao tại giải đấu lớn nhất Đông Nam Á.

    Ngày 27/10, Sven-Goran Eriksson đã ký hợp đồng 6 tháng để dẫn dắt ĐT Philippines thi đấu ở AFF Suzuki Cup 2018 và Asian Cup 2019. Ngay lập tức, báo chí Philippines bày tỏ niềm hạnh phúc khi đội nhà mời được một trong những HLV nổi tiếng nhất thế giới về cầm quân.

    Eriksson từng dẫn dắt Degerfors IF, IFK Göteborg, Benfica, Roma, Sampdoria, Lazio và đặc biệt là ĐT Anh. Đi cùng với đó là những danh hiệu VĐQG Bồ Đào Nha, chức vô địch Serie A, Siêu cúp châu Âu, cúp C2 châu Âu... Với những chiến tích hiển hách, Eriksson đã được mời làm HLV M.U vào năm 2002. Khi đó, Eriksson từng đặt bút ký thỏa thuận với Man United nhưng rồi mọi thứ đổ bể trong im lặng. Lý do đến từ việc Sir Alex Ferguson chưa muốn nghỉ hưu.

    Kể từ sau Siêu cúp Italia 2000 cùng Lazio, ông thầy 70 tuổi chưa có thêm bất kỳ danh hiệu nào, dù trải qua nhiều năm tháng dẫn dắt Man City, Mexico, ĐT Bờ Biển Ngà, Leicester, Guangzhou R&F, Shanghai SIPG. Theo đánh giá từ các nhà chuyên môn, phong cách huấn luyện của Eriksson đã lỗi thời. Chưa hết, ông cũng thiếu sáng tạo và kỹ năng đọc trận đấu cũng không còn thính nhạy như xưa.

    Lúc mới công bố hợp đồng với Eriksson, chủ tịch Liên đoàn bóng đá Philippines Dan Palami hồ hởi cho biết: “HLV Eriksson sẽ đưa chúng tôi đến trình độ mới, có rất nhiều CLB và đội tuyển trên thế giới muốn có HLV Eriksson, nhưng chúng tôi đã vượt qua tất cả để có được chữ ký của ông ấy”.


    Nhưng xem ra ông Palami đang lạc quan quá mức. Kể từ lúc bổ nhiệm tới khi giải AFF Suzuki Cup 2018 diễn ra, Eriksson chỉ có khoảng 2 tuần để làm quen, huấn luyện và truyền thụ bài vở cho các học trò.

    Philippines từng 3 lần lọt vào bán kết AFF Cup các năm 2010, 2012 và 2014. 2 năm trước dù bị loại từ vòng bảng, Philippines vẫn khiến 2 đội sau đó vào chung kết là Indonesia và Thái Lan phải trầy trật. Ở giải đấu sắp tới, Philippines sẽ lại chạm trán với ĐKVĐ Thái Lan, Indonesia và cả Singapore. Do đó, mục tiêu đi tiếp là không đơn giản. Với quãng thời gian ngắn ngủi còn lại, thật khó tin Eriksson sẽ giúp Philippines "lột xác".

    Nhìn lại quá khứ, không phải HLV nước ngoài nào cũng thành công ở giải đấu số 1 Đông Nam Á cấp ĐTQG. Có nhiều trường hợp lên tới đỉnh vinh quang như Henrique Calisto (đưa ĐT Việt Nam vô địch năm 2008), Radojko Avramovic (Singapore vô địch các năm 2004, 2007, 2012) hay Peter White (Thái Lan vô địch 2000, 2002). Còn lại là vô số những tấm gương không thành công như Alfred Riedl (ĐT Việt Nam), Peter White (Indonesia) hay cặp HLV nổi tiếng Bryan Robson và Peter Reid (ĐT Thái Lan).

    Dưới đây là số phận 3 HLV nổi tiếng từng cầm quân ở AFF Suzuki Cup:

    Peter White: White là thành viên CLB Aston Villa vô địch cúp C1/Champions League 1981/82, Siêu cúp châu Âu 1982, nhưng sự nghiệp huấn luyện tại Anh của ông lại không có gì nổi bật. Chỉ tới khi sang Thái Lan, ông mới thực sự giành được tất cả. Trong quãng thời gian dẫn dắt Thái Lan, White đã giành được 2 chức vô địch AFF Suzuki Cup 2000 và 2002.


    Nhưng mọi thành công với White có lẽ đã ở lại với mảnh đất Thái Lan. Trong 3 năm gắn bó với ĐT Indonesia, White chỉ có 1 danh hiệu Á quân AFF Suzuki Cup 2004 và bị coi là một trong những HLV thất bại của đội bóng này. Lý do bởi Indonesia luôn khát khao chiếc cúp vô địch Đông Nam Á nhưng họ lại sở hữu thành tích đáng buồn với 5 lần Á quân.

    Peter Reid: Reid nổi tiếng trong sự nghiệp huấn luyện khi từng dẫn dắt ĐT Anh, CLB Man City, Sunderland, Leeds United hay Coventry City. Nhưng đến tháng 9/2008, Reid bất ngờ đồng ý dẫn dắt ĐT Thái Lan. Khi đó, Reid được hưởng mức lương lên tới gần 1 triệu bảng/năm theo bản hợp đồng 4 năm. Tuy nhiên, mối lương duyên giữa đôi bên chỉ kéo dài có 1 năm. Trong quãng thời gian đó, Reid khiến LĐBĐ Thái Lan thất vọng khi thất bại với tổng tỷ số 2-3 trước Việt Nam ở AFF Suzuki Cup 2008.


    Bryan Robson: Chia tay Reid, Thái Lan lập tức bổ nhiệm cựu thủ quân M.U Bryan Robson ngồi vào ghế nóng theo bản hợp đồng 4 năm. So với người tiền nhiệm, Thái Lan dưới thời Robson chẳng giành được thành tích nào nổi bật từ năm 2009-2011.


    Khi đó, Thái Lan đã không giành được vé dự VCK Asian Cup 2011, U23 Thái Lan sớm bị loại tại SEA Games năm 2009 trên đất Lào. Đáng chú ý, ĐT Thái Lan phải dừng chân tại vòng bảng AFF Suzuki Cup 2010 với vỏn vẹn 2 điểm/3 trận.
    Hồng Duy • 13:59 ngày 30/10/2018

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay