Sau 16 năm vắng bóng tại đại hội thể thao khu vực Đông Nam Á, kể từ sau năm 1973, đoàn thể thao Việt Nam đã tái xuất tại SEA Games 15-1989 ở Kuala Lumpur (Malaysia).
Thời điểm ấy, đất nước vẫn còn muôn vàn khó khăn, sự đầu tư cho thể thao vẫn rất hạn chế. Vì thế, việc 42 tuyển thủ của 8 môn điền kinh, bơi lội, bắn súng, bóng bàn, quyền Anh, TDDC, quần vợt và bóng chuyền nữ có mặt tranh tài tại SEA Games 15-1989 ở Kuala Lumpur (Malaysia) đã là một nỗ lực rất lớn của thể thao Việt Nam. Tuy nhiên, dù tham dự, nhưng thực tế hầu như chẳng ai dám nghĩ đến việc đoàn thể thao Việt Nam sẽ có HCV tại đại hội khi nhìn sang sự chuẩn bị chu đáo đến “choáng ngợp” của các đoàn bạn, như lời một số tuyển thủ kể lại sau đó khi về nước. Vậy nhưng, các tuyển thủ Việt Nam đã khiến người hâm mộ và cả các đối thủ tham dự đại hội năm ấy phải bất ngờ khi đoạt đến 19 huy chương (3 HCV, 11 HCB, 5 HCĐ, xếp thứ 7/9 đoàn tham dự ở SEA Games lần ấy.
Lập công đầu cho đoàn Việt Nam chính là môn bắn súng. Các xạ thủ của chúng ta đoạt 14/19 huy chương của đoàn Việt Nam, trong đó có 3 chiếc HCV. Xuất sắc nhất ở đại hội ấy phải kể đến nữ xạ thủ Ngô Ngân Hà, là tuyển thủ duy nhất đoạt HCV cá nhân ở nội dung súng trường tiêu chuẩn, ngoài ra còn góp công lớn trong chiếc HCV đồng đội nữ cũng ở nội dung súng trường tiêu chuẩn. HCV thứ 3 của đoàn Việt Nam là ở nội dung súng ngắn bắn nhanh đồng đội nam.
SEA Games 16-1991 tại Philippines là kỳ đại hội thứ 2 đoàn thể thao Việt Nam góp mặt sau ngày đất nước thống nhất. Rút kinh nghiệm của lần đầu cách đấy 2 năm, lần này sự chuẩn bị đã cao hơn hẳn. Khi ấy, đoàn Việt Nam tham dự với 150 người, trong đó có 100 tuyển thủ tranh tài ở 15/27 môn.
Thực tế, trong 7 chiếc HCV mà đoàn thể thao Việt Nam đoạt được lần ấy, bắn súng vẫn thể hiện sự vượt trội khi đoạt 4/7 HCV, nhưng với giới chuyên môn, chiếc HCV đồng đội nữ môn bóng bàn lại được đánh giá cao nhất và nó gần như là một kỳ tích của các cô gái bóng bàn Việt Nam tại đại hội.
Vòng loại, đội bóng bàn nữ Việt Nam với hai tay vợt Nhan Vị Quân và Trần Thu Hà đã thắng tuyệt đối cả 3 đối thủ Singapore, Malaysia và Myanmar cùng tỷ số 3-0. Trận bán kết, họ tiếp tục thắng đậm đối thủ Thái Lan 3-0 để lọt vào chung kết gặp đội Indonesia đang là đương kim vô địch SEA Games và từng thắng Việt Nam 3-0 ở trận chung kết đồng đội nữ tại SEA Games 15 cách đấy 2 năm.
Ở trận chung kết đầy nghẹt thở trước hai tay vợt rất mạnh Lieng Lieng – Rosy Paratiwi của Indonesia, Thu Hà và Vị Quân đã thi đấu rất xuất sắc, giành chiến thắng chung cuộc 3-1 để bước lên bục nhận huy chương vàng trong khúc “Tiến quân ca” và lá cờ đỏ sao vàng bay phấp phới trên đỉnh cao nhất vào lúc 16 giờ 35 phút ngày 27/11/1991. Một thời khắc lịch sử khó quên!
CON SỐ BIẾT NÓI
595Đó là số điểm mà xạ thủ Đặng Thị Đông ghi được ở nội dung súng trường nằm bắn tiêu chuẩn 60 viên ở SEA Games 16 năm 1991. Thành tích này đã giúp chị đoạt HCV ở đại hội lần ấy, đồng thời điểm số ấy cũng đã phá khá sâu kỷ lục SEA Games (585 điểm).
Ngoài ra, thành tích trên của Đặng Thị Đông cũng phá luôn kỷ lục châu Á 594 điểm của xạ thủ Jin Dong Xiang (Trung Quốc) lập năm 1982. Tuy nhiên, kỷ lục châu Á của chị lại đã không được công nhận do không có sự kiểm tra của hội đồng kỹ thuật Liên đoàn bắn súng châu Á. Đó quả là một điều rất đáng tiếc!
Cũng đại hội năm ấy, Đặng Thị Đông còn cùng các xạ thủ nữ Việt Nam đoạt HCV nội dung đồng đội nằm bắn 60 viên.
Chuyên trang SEA Games 27 của Bongdaplus