KHẲNG ĐỊNH VỊ THẾ Ở ĐNÁ!
Hai năm trước ở Myanmar, đấu kiếm không nằm trong SEA Games khiến Đoàn TTVN mất một số huy chương đáng kể. Vì vậy, khi nước chủ nhà Singapore của kỳ đại hội lần này đưa môn đấu kiếm trở lại thi đấu, các kiếm thủ và lãnh đạo ngành thể thao Việt Nam rất phấn khởi. Sở dĩ thế, bởi ở SEA Games diễn ra tại Indonesia năm 2011, đội tuyển kiếm Việt Nam đã giành được 5 HCV và đứng đầu khu vực. Thành tích ấy là một bất ngờ bởi những nước như Singapore, Thái Lan, Indonesia, Malaysia… đều đầu tư khá nhiều cho đấu kiếm, nhưng lại không đạt thứ hạng cao như Việt Nam.
Đặc biệt, tại Asian Games 17 diễn ra hồi năm ngoái tại Hàn Quốc, đội kiếm ba cạnh nam làm nên lịch sử với việc đoạt HCĐ cá nhân của Nguyễn Tiến Nhật và HCĐ đồng đội nam. Đấy là thành quả quốc tế sáng giá nhất của đấu kiếm Việt Nam đến thời điểm này.
Ông Phùng Lê Quang - Trưởng bộ môn đấu kiếm Tổng cục TDTT, phân tích: “Đấu kiếm Việt Nam hiện có vị thế riêng ở Đông Nam Á, nhưng tại SEA Games lần này có thể cuộc cạnh tranh sẽ rất gắt gao. Nói thế, vì tại đại hội năm 2011, các nước đưa VĐV trẻ vào thi đấu. Nay sau 4 năm, VĐV của Singapore, Malaysia, Thái Lan đã trui rèn nhiều kinh nghiệm nên sẽ là những đối thủ rất đáng gờm với Việt Nam”.
Chuẩn bị cho SEA Games 28, đội tuyển đấu kiếm lấy việc thi đấu quốc tế ở các giải thuộc hệ thống Grand Prix để cọ xát và kiểm tra thực lực. Ngoài ra, các tuyển thủ cũng đã chia ra 2 nhóm đi tập huấn ở Hàn Quốc và Trung Quốc. Ông Phùng Lê Quang khẳng định: “Mục tiêu của ĐT đấu kiếm Việt Nam tại SEA Games 28 là phấn đấu có từ 4 đến 5 HCV và nằm trong tốp đầu giải”.
CÁC KIẾM THỦ NAM SẼ LÀ CHỦ LỰC
Tại SEA Games 28, các tuyển thủ nam sẽ là chủ lực của đội tuyển đấu kiếm Việt Nam, đấy là khẳng định của các thành viên trong BHL đội tuyển.
Đây là một bước dịch chuyển khá mới mẻ và nhiều bất ngờ, dù chỉ cách đây 4 năm tại SEA Games 26 trên đất Indonesia, 5 chiếc HCV của đấu kiếm Việt Nam đều thuộc về các nữ tuyển thủ, trong lúc đội nam chỉ giành được 2 HCB, 2 HCĐ. Giờ đây, dù vẫn còn những kiếm thủ nữ kỳ cựu như Nguyễn Lệ Dung, Nguyễn Thị Thanh Loan (kiếm chém), Trần Thị Len (kiếm ba cạnh), nhưng đội nữ đang có sự trẻ hóa nên sức mạnh và phong độ của các cựu binh không được như xưa. Trong khi đó, các tay kiếm nam đang ngày càng khẳng định sức mạnh, và thành tích 2 chiếc HCĐ lần đầu tiên đoạt được ở đấu trường Asiad 17-2014 là minh chứng cụ thể.
“Những kỳ SEA Games trước, chúng ta có lợi thế nhờ VĐV nữ rất tốt. Nay thành tích của đấu kiếm Việt Nam phụ thuộc nhiều vào các gương mặt nam với những kiếm thủ thuộc diện tốt nhất khu vực như Nguyễn Tiến Nhật, Nguyễn Phước Đến, Vũ Thành An…”, ông Phùng Lê Quang cho biết.
Trong các tuyển thủ nam, Tiến Nhật và Phước Đến đang được xem là niềm hy vọng vàng ở nội dung kiếm 3 cạnh, còn Thành An ở nội dung kiếm chém. Trong khi ở phía nữ, Nguyễn Lệ Dung vẫn đang là “độc cô cầu bại” ở nội dung kiếm chém.
Môn đấu kiếm sẽ thi đấu tranh 12 bộ huy chương tại SEA Games 28.
Dự đoán đấu kiếm sẽ đoạt HCV đầu tiên cho Việt Nam
Theo lịch thi đấu, môn đấu kiếm sẽ tranh tài từ 3 đến 7/6. Đặc biệt, trong ngày thi đấu đầu tiên (3/6), các nội dung thế mạnh của Việt Nam sẽ ra quân như kiếm 3 cạnh, kiếm chém (nam) và kiếm liễu (nữ). Vì thế, khả năng Việt Nam sẽ có HCV đầu tiên trong ngày này.