GIƯỜNG BỆNH, SÂN TẬP VÀ BỤC VINH QUANG
Sau thời gian dài vật lộn với chấn thương, Vũ Thị Hương chuẩn bị trở lại tập luyện thì nghe tin sét đánh từ bác sĩ: “Cô bị u nang buồng trứng và phải phẫu thuật gấp, tránh biến chứng!”. Vậy là Nữ hoàng điền kinh cự ly ngắn của thể thao Việt Nam quyết định lên bàn mổ và xác định tư tưởng là sẽ vắng mặt tại SEA Games 27 (thời điểm đó tới ngày tranh tài chỉ còn lại chưa đầy 4 tháng). “Tôi rất lo lắng và thậm chí trước khi gây mê để lên bàn mổ, tôi còn hỏi: Thầy ơi, liệu có kịp không? Cả năm không thi đấu mà giờ vắng mặt ở SEA Games nữa thì còn gì nữa”, Hương kể với đôi mắt ngấn lệ.
Nhưng điều kỳ diệu đã xuất hiện! Không hổ danh là nữ hoàng tốc độ, cô gái vàng của chúng ta bình phục nhanh đến mức các bác sĩ phải mô tả bằng từ “thần kỳ”. “Cũng may, tôi là VĐV nên nền tảng thể lực tốt, chứ người thường thì không thể đi lại hoặc chẳng ăn uống được gì. Chiều hôm trước mổ, sáng hôm sau tôi đã đứng lên đi lại và ăn hết 2 bát cháo. Một tháng sau, tôi tập lại và thấy cơ thể hoàn toàn bình thường. Từ ngày lên bàn mổ tới ngày 26 này mới đủ 4 tháng. Vậy mà vẫn thi đấu tốt, giành HCV ở 2 nội dung. Đó đúng là điều kỳ diệu và chắc là trời thương”, Vũ Thị Hương vui vẻ nói.
Thành tích của Vũ Thị Hương thật thuyết phục và ngoạn mục nhưng điều đáng ngưỡng mộ hơn là cái cách nữ hoàng tốc độ bỏ lại phía sau những khó khăn, dễ dàng như cắt đuôi các đối thủ trên đường đua. Để có nụ cười lúc về đích, Vũ Thị Hương đã phải nuốt rất nhiều nước mắt, đổ rất nhiều mồ hôi và cả máu trong lúc tập luyện.
SỨC MẠNH TỪ “NGƯỜI ĐÀN ÔNG BÍ ẨN”
“Đời tôi có 2 người đàn ông quan trọng: Một là thầy Nguyễn Đình Minh và hai là anh. Thầy giúp tôi trong lúc tập luyện, anh bên tôi trong cuộc sống đời thường và cả 2 đều mang lại sức mạnh cho tôi”, Vũ Thị Hương bật mí người đàn ông bí mật. “Anh ấy không phải là VĐV mà là một nhiếp ảnh gia. Hồi tháng 9/2011, tôi từ Đức về và nhờ anh chụp ảnh hộ. Sau đó, anh em chia sẻ với nhau nhiều chuyện rồi yêu nhau lúc nào không hay. Anh ấy là người cá tính, bướng bỉnh nhưng rất tình cảm, thật thà, tốt bụng. Lúc tôi bị chấn thương, đặc biệt là sau ca mổ vừa rồi, anh chăm sóc tôi, tận tuỵ lo từng bữa ăn, giấc ngủ, cả khi ở trong viện lẫn khi đã trở về nhà”.
Không tiết lộ danh tính người đàn ông bí ẩn của mình nhưng Vũ Thị Hương rất hạnh phúc và tự hào khi nhắc đến người yêu: “Điều tuyệt vời nhất mà anh mang lại cho cuộc sống của tôi là tiếng cười. Nhiều lúc, anh cũng làm tôi tức phát điên nhưng cứ thiếu là nhớ ngay. Tôi là dân thể thao, tập điền kinh ở cự ly ngắn nên cá tính rất mạnh. Tập mệt mỏi, áp lực nên tôi cũng hay cáu kỉnh lắm. Cũng có lúc 2 đứa xung đột, thậm chí rất nặng nề nhưng anh biết chịu đựng, kìm nén. Tấm huy chương vàng ở nội dung 100m, tôi tặng thầy Nguyễn Đình Minh, còn tấm huy chương vàng ở nội dung 200m hôm nay, tôi dành cho anh”.
HLV Nguyễn Đình Minh vui mừng trả lời phỏng vấn báo chí
Ở tuổi 27, Vũ Thị Hương đang ở đỉnh cao phong độ nhưng ngày chia tay cũng không còn xa nữa. Nữ hoàng tốc độ cũng đã nghĩ tới “ngôi nhà và những đứa trẻ”. “Về đám cưới, tôi cũng không biết nữa nhưng chắc là cũng sớm thôi. Tôi cũng đâu còn trẻ nữa”, cô gái vàng Vũ Thị Hương cười giòn tan trước khi tạm biệt chúng tôi để tiến đến bục nhận HCV .
Điền kinh là môn thể thao nữ hoàng và cự ly ngắn là nội dung quan trọng nhất, Vũ Thị Hương đã giành 2 HCV danh giá nhất ở bộ môn này. Thành công tuyệt vời, hạnh phúc viên mãn. Ngày hôm qua, Vũ Thị Hương là người Việt Nam hạnh phúc nhất!
Hình mẫu cho các VĐV trẻ
Nguyễn Thị Oanh giành HCĐ ở nội dung 200m nữ và là người được kỳ vọng sẽ thay thế đàn chị Vũ Thị Hương. Khi về đích, Oanh cho biết: “Chị Hương là một VĐV tài năng và cực kỳ ý chí. Các VĐV trẻ bọn em rất ngưỡng mộ chị ấy. Chị ấy đã bỏ lại tất cả khó khăn và đối thủ phía sau để đi tới thành công. Chị Hương là hình mẫu để bọn em noi theo”.
Đối thủ cũng thán phục
Ngay cả các đối thủ cũng dành lời chúc mừng và tôn vinh Vũ Thị Hương. Sau khi về đích và bỏ lại đối thủ khá xa, cô gái vàng của thể thao Việt Nam nhận được rất nhiều cái bắt tay chúc mừng của các đối thủ. Thậm chí, HLV trưởng đội bơi của Thái Lan còn tiến tới để nói: “Chúc mừng bạn. Bạn thi đấu rất xuất sắc hôm nay. Bạn xứng đáng là Nữ hoàng!”. Nhiều CĐV Myanmar đã tới xin chụp ảnh lưu niệm với Vũ Thị Hương.
Học trò là thần tượng của thầy
HLV Nguyễn Đình Minh không giấu sự khâm phục với cô học trò Vũ Thị Hương. “Về tài năng, mọi người đều công nhận! Nhưng Vũ Thị Hương có những yếu tố khác để tài năng thăng hoa. Tôi khâm phục tài của Hương một thì khâm phục ý chí, sự khổ luyện của Hương mười. Nếu không có ý chí và sự bền bỉ, Hương không thể tạo ra điều kỳ diệu như vừa qua được”, HLV Nguyễn Đình Minh chia sẻ.
3 lần đoạt cú đúp
Với 2 chiếc HCV đoạt được ở cự ly chạy 100m và 200m nữ, Vũ Thị Hương đã 3 lần đoạt cú đúp ở các kỳ SEA Games (24-2007, 25-2009 và 27-2013). Trước đó, Vũ Thị Hương đã đoạt HCV cự ly 100m ở SEA Games 23-2005, nhưng chỉ giành HCB ở cự ly 200m. Tuy nhiên, tại SEA Games 26-2011 ở Indonesia, Vũ Thị Hương chỉ đoạt HCĐ nội dung 100m, và mất luôn ngôi đầu ở cự ly 200m.
Nữ tuyển thủ đầu tiên đoạt huy chương Asian Games
Tại Asian Games 2010 diễn ra ở Quảng Châu Trung Quốc, Vũ Thị Hương đã trở thành nữ tuyển thủ điền kinh Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương ở đại hội. Theo đó, ngày 22/11/2010 đã trở thành một cột mốc không thể nào quên của Vũ Thị Hương khi cô về đích thứ 3 cự ly 100m. Sau đó, Vũ Thị Hương tiếp tục đoạt HCB nội dung 200m. Ngoài Hương, còn có Trương Thanh Hằng cũng đoạt 2 HCB ở đại hội năm ấy.
SEA Games 27 là… giải đầu mùa
Chấn thương liên miên và vừa trải qua đợt phẫu thuật hồi đầu năm 2013, vì thế Vũ Thị Hương gần như không xuất hiện ở các giải đấu suốt thời gian qua, và SEA Games 27 chính là giải đầu tiên của “nữ hoàng tốc độ” trong năm 2013. Lúc về đích cự ly 100m, Vũ Thị Hương đã dí dỏm: “SEA Games này chính là giải đầu mùa của tôi trong năm 2013”.