Ngay từ SEA Games đầu tiên (SEAP Games) 1959, thể thao Việt Nam đã đoạt được 2 chiếc HCV môn bơi lội, thế nhưng phải đến 52 năm sau ở SEA Games 26 năm 2011, tức hơn nửa thế kỷ, bơi lội Việt Nam mới tái lập lại thành tích trên.
DẬY SÓNG ĐƯỜNG ĐUA XANH
Cách đây 2 năm, tại SEA Games 26-2011 ở Palembang (Indonesia), kình ngư Hoàng Quý Phước đã khiến giới chuyên môn và người hâm mộ thể thao nước nhà nức lòng khi trở thành tay bơi đầu tiên trong lịch sử thể thao Việt Nam đoạt 2 HCV cá nhân (100m tự do và 100m bướm) ở 1 kỳ SEA Games. Đồng thời, cũng tại đại hội ấy, bơi lội Việt Nam đã lần đầu giành được 2 HCV kể từ ngày tái hội nhập đấu trường SEA Games vào năm 1989. Ngoài Hoàng Quý Phước, tiểu kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên (khi ấy mới 15 tuổi) cũng khiến giới chuyên môn sửng sốt khi đoạt 2 HCB nội dung 200m và 400m hỗn hợp.
Với những bước tiến ở kỳ đại hội cách đây 2 năm, năm nay bơi lội Việt Nam đang ấp ủ giấc mơ “hóa rồng” trên đất Myanmar và đăng ký mục tiêu sẽ đoạt từ 4 đến 5 HCV, một con số mà nếu cách đây khoảng 6 năm dễ bị cho là… hoang tưởng. Tuy nhiên, với những sự tập trung đầu tư mạnh mẽ trong thời gian qua cùng các chuyến đi tập huấn dài hạn ở nước ngoài và sự tiến bộ không ngừng của các tay bơi trẻ, các nhà chuyên môn hoàn toàn tin vào mục tiêu này, dù thực tế con số ấy vẫn còn khá nhỏ bé so với cái “mỏ vàng” 38 bộ huy chương của môn bơi.
Với mục tiêu trên, những cái tên như Quý Phước, Ánh Viên, Duy Khôi, Tâm Nguyện, Ngọc Quỳnh… đang được kỳ vọng sẽ làm dậy sóng đường đua xanh của khu liên hợp thể thao Wunna Thekdi ở thủ đô Nay Pyi Taw, trong đó Quý Phước và Ánh Viên là 2 ứng viên sáng giá nhất
BỎ TỴ HIỀM ĐỂ HÓA RỒNG
Truyền thuyết kể rằng, một ngày nọ có chú chép bơi đến gặp đức Phật và hỏi tại sao tu luyện nhiều năm mà vẫn chưa hóa rồng. Đức Phật mới bảo: “Vì ngươi vẫn còn tham tiếc viên ngọc đang ngậm trong người, cứ nhả ngọc ra, khắc sẽ toại nguyện”. Nghe lời, chú cá chép nhả viên ngọc quý đang ngậm trong miệng và tức khắc lột xác hóa thành rồng bay lên trời.
Lấy truyền thuyết để nói về đội tuyển bơi Việt Nam, vì bao lâu nay làng bơi lội của chúng ta luôn có những bất hòa. Đặc biệt, các địa phương mạnh thường rất hiếm khi muốn cho VĐV của họ lên đội tuyển, và viện lý do sợ đội tuyển làm hư quân của họ (?!). Trong lúc ở đội tuyển lại thường xảy ra nạn “quân anh, quân tôi”, khiến nội bộ chia năm xẻ bảy. Chẳng nói đâu xa, cách đây 2 năm đã xảy ra mâu thuẫn giữa HLV trưởng Đặng Anh Tuấn của đội tuyển và đơn vị Đà Nẵng trong việc đăng ký thi đấu nội dung 100m tự do của tay bơi Hoàng Quý Phước ở SEA Games 26-2011. Mâu thuẫn ấy tiếp tục dẫn đến việc lùm xùm trong chuyến tập huấn của đội tuyển bơi ở Mỹ hồi năm ngoái. Kết quả, Quý Phước đã phải về nước và chuyển sang tập luyện tại Trung Quốc nhằm chuẩn bị cho các đại hội thể thao lớn hơn.
Nhắc lại câu chuyện trên, bởi những bất hòa trong nội tình của đội tuyển bơi vẫn như “sóng ở đáy hồ”. Tuy nhiên, giới chuyên môn và người hâm mộ mong muốn tất cả những bất hòa phải được những người có trách nhiệm gạt qua một bên để tập trung vào một mục đích cao nhất: biến bơi lội nước nhà thành một chú rồng thực sự ở đấu trường khu vực lẫn châu lục. Nếu được vậy, điều lâu nay những người làm thể thao Việt Nam luôn khao khát sẽ thành hiện thực?!.
Bơi lội Việt Nam sẽ hóa rồng, nếu tất cả biết cùng nhìn về cái chung!
13 tay bơi Việt Nam sẽ tranh tài ở Myanmar
Đội tuyển bơi Việt Nam sẽ sang Myanmar với 20 thành viên, trong đó có 13 tay bơi (8 nam, 5 nữ). Hiện tại, Ánh Viên, Tâm Nguyện và Ngọc Quỳnh dưới sự dẫn dắt của HLV trưởng Đặng Ngọc Tuấn vẫn đang tập huấn tại Mỹ, còn Quý Phước tập tại Trung Quốc. Các VĐV kể trên sẽ về nước vào cuối tháng 11.
3 ứng viên nổi trội
Hoàng Quý Phước
Tại SEA Games 27, kình ngư sinh năm 1993 này dự kiến sẽ tranh tài ở các nội dung 50m, 100m, 200m, 400m tự do; 100m và 200m bướm. Tâm điểm hy vọng của Quý Phước sẽ là 100m tự do và 100m bướm.
Nguyễn Thị Ánh Viên
Dự kiến, Ánh Viên sẽ tranh tài ở các nội dung 100m, 200m, 400m tự do; 100m, 200m ngửa; 200m và 400m hỗn hợp. Tâm điểm hy vọng của cô gái sinh năm 1996 này sẽ là 100m, 200m ngửa; 200m, 400m hỗn hợp.
Trần Duy Khôi
Duy Khôi dự kiến sẽ tranh tài các nội dung 100m, 200m, 400m tự do; 200m, 400m hỗn hợp. Tại SEA Games 27, tâm điểm của kình ngư sinh năm 1997 này sẽ là 200m và 400m hỗn hợp.
Chuyên trang SEA Games 27 của Bongdaplus