Một nhà báo Italia từng ví von Sarri giống như Mourinho khi mượn câu nói vị thuyền trưởng M.U từng chia sẻ trong quá khứ "Chi sa solo di Calcio, non sa niente di Calcio" (tạm dịch: Bạn biết bóng đá, nhưng chưa bao giờ chơi bóng đá). Hiểu theo cách nói của Mourinho, việc "chơi bóng đá" ở đây có thể hiểu là những danh hiệu đạt được trong sự nghiệp cầu thủ. Điều này đúng với Mourinho và cả Sarri.
Đó là điểm giống nhau đầu tiên. Mourinho từng chơi vị trí tiền vệ khi còn xỏ giầy ra sân nhưng chẳng có bất kỳ ấn tượng gì đáng để nói tới. Trong khi đó, trung vệ Sarri lại chỉ quanh quẩn với... Figline, một CLB Italia ít người biết đến.
Tiếp theo, cả hai đều nổi tiếng về khả năng tự học, mầy mò chiến thuật từ khi mới khởi nghiệp. Nhưng Mourinho lại may mắn hơn Sarri ở chỗ, ông đi lên từ vai trò trợ lý ngôn ngữ, được học hỏi từ những HLV hàng đầu thế giới như Bobby Robson và Louis van Gaal.
Cả Sarri và Mourinho đều khởi nghiệp HLV từ những CLB ít tên tuổi. Trong khi Mourinho bắt đầu với Benfica, rồi tới União de Leiria, Porto, Chelsea (2 lần), Inter Milan, Real Madrid và M.U. Còn Sarri, ông kiên trì huấn luyện từ những đội bóng vô danh Stia, Faellese, Cavriglia, Antella, Valdema, Tegoleto... cao hơn một chút là Verona, Perugia, Empoli; cao thêm chút nữa là Napoli và bây giờ đến Chelsea.
Ngoài ra, cả hai đều là mẫu HLV luôn theo đuổi nghệ thuật quản lý. Tuy vậy, Sarri có vẻ "thuận buồm xuôi gió" hơn người đồng nghiệp tới từ Bồ Đào Nha. Như Mourinho, ông tự học phương pháp quản lý từ kinh nghiệm bản thân, còn Sarri, nhờ khởi nghiệp ngành... ngân hàng, sở hữu những kinh nghiệm quản lý thực tế hơn. Đó là điểm khác biệt lớn nhất giữa 2 ông thầy.
Nói về quãng thời gian làm ở ngân hàng, Sarri cho rằng những gì học được đã giúp ông rất nhiều khi chuyển nghề: "Kinh nghiệm ngân hàng là một giá trị rất đặc biệt. Tôi học được giá trị của tính tổ chức và năng lực giải quyết vấn đề".
Đó là yếu tố quan trọng giúp Sarri nhận được sự tôn trọng học trò trong thời buổi các HLV chỉ làm việc thuần túy về chuyên môn chứ không phải là manager (nhà quản lý) như Sir Alex Ferguson ngày xưa. Khi Napoli và giờ là Chelsea thi đấu không tốt, Sarri luôn là người đứng mũi chịu sào. Ông ôm hết trách nhiệm về mình, động viên cầu thủ. Bên cạnh đó, ông còn là tấm gương sáng cho các học trò nhờ tinh thần ham học hỏi.
Ông được gọi với biệt danh "Mr33" bởi thói quen ghi chép 33 tình huống đá phạt điển hình vào cuốn sổ tay trong thời gian cầm quân ở Sansovino. Nhưng làm sao một người tay ngang như ông có thể thành công? Sarri giải thích như sau: "Sự học hỏi. Một HLV thành công phải có 3 yếu tố: Cá tính, khả năng truyền đạt qua câu nói và kiến thức. Để có kiến thức phải không ngừng học hỏi. Tôi học 13 tiếng mỗi ngày đấy".
Khi đánh giá về Sarri, huyền thoại Arrigo Sacchi từng so sánh ông với HLV thành công nhất hiện nay Pep Guardiola: "Bóng đá là loại âm nhạc dành riêng cho họ, một phong cách nghệ thuật đặc biệt. Họ là 2 thiên tài, những người làm tăng chỉ số tiến hóa của thể thao đẹp".
Ngược lại, Mourinho bây giờ đang ở "chế độ" trì trệ về tư duy và chiến thuật. Sau nhiều năm, chiến thuật gia người Bồ Đào Nha dù đến bất kỳ CLB nào cũng luôn thích 1 trung phong độc lập tác chiến tốt (như McCarthy ở Porto, Drogba ở Chelsea hay Milito ở Inter); một tiền vệ trung tâm kiểu Makelele (Chelsea), Sneijder (Inter)... hơn là sử dụng những quân bài/chiến thuật một cách linh hoạt.
Đặc biệt hơn, ông được cung cấp đủ thứ để thành công (tiền bạc, cầu thủ) cũng như sự ủng hộ từ BLĐ nhưng luôn lấy ra đủ lý do để biện minh cho thất bại. Năm xưa, Mourinho hay có chiêu khích tướng các học trò và thành công ở Chelsea (giai đoạn 1) lẫn Inter Milan.
Nhưng sau đó, các cầu thủ cảm thấy nhàm chán vì bị ông thầy chỉ trích đủ thứ. Điều đấy làm cho họ không còn muốn cống hiến và hết lòng vì người chủ tướng. Chẳng trách, bây giờ ở M.U có hẳn "FC phản thầy" vì cách hành xử của Mourinho. Rõ ràng, điểm khác biệt lớn nhất trong cách quản lý cầu thủ đang giúp Sarri thành công hơn "Người đặc biệt".