Từ “quái thú” đến “kẻ giết người hàng loạt”
Harald Schumacher có thể dập tắt điếu thuốc đang cháy bằng cách dúi nó vào… bàn tay mình. Ông thường làm thế chỉ để chứng tỏ với bạn gái khả năng chiến thắng những cơn đau tầm thường về thể xác! Hình ảnh quen thuộc hơn: Schumacher về nhà và đấm liên tục vào bao cát, cho đến khi các khớp xương trên nắm đấm đỏ bừng. Cứ phải như thế thì mới hả giận, sau… mỗi trận thua.
Pha triệt hạ khiến Battiston hãi hùng
Đấy là một gã trai cường tráng, mạnh mẽ từ tinh thần đến thể xác. Từng trải, can trường, và lạnh lùng nữa. Đáng nói hơn, đấy là một thủ môn giỏi – rất giỏi là đằng khác. Còn gì nữa? Đấy là một… con mãnh thú? Sau này, người ta gọi Schumacher là “Con quái thú ở Seville”. Gọi thế dù sao cũng dễ nghe hơn biệt danh “Jack the Ripper của bóng đá” (Jack the Ripper là một… kẻ giết người hàng loạt, đạt đến đẳng cấp… huyền thoại, như một bóng ma ở London hồi cuối thế kỷ 19).
Câu chuyện xảy ra trong trận bán kết Pháp – Đức tại World Cup 1982, cách nay gần đúng 34 năm (ngày 8/7/1982), ở Seville (TBN). Một đường chuyền bổng “đúng chất Michel Platini” ở phút 65 lập tức đặt cầu thủ dự bị Patrick Battiston vào tư thế có thể lao lên ghi bàn. Trước mắt chỉ còn là khoảng trống thênh thang, và Battiston sẽ là cầu thủ đầu tiên tiến được đến điểm rơi của quả bóng. Một thủ môn như Schumacher phải làm gì trước tình huống như thế?
Xuất tướng, hiển nhiên rồi. Nhưng Schumacher không lao lên để tranh chấp hoặc ngăn cản động tác ghi bàn của Battiston. Bằng tất cả những gì đe dọa nhất, dữ dằn nhất, hùng hổ nhất, Schumacher tăng tốc, phóng thẳng vào một Battiston vừa chớm bật nhảy. Như một con thú dữ lao đến vồ mồi, với động tác dứt khoát và không có chút khoan nhượng nào, Schumacher lao cả hai tay lẫn hai chân, trực diện vào Battiston…
“Hãi hùng quá, con ạ”
Hoảng sợ trước thái độ “thượng diệt, hạ tuyệt” của Schumacher, Battiston phân tâm và hất bóng không chính xác. Đa số người xem – gồm cả trọng tài Hà Lan Charles Corver – chỉ mải dõi mắt vào tình huống bóng đi chệch cột mà không biết rằng ngay thời điểm ấy, Battiston đã hoàn toàn bất tỉnh. Hình ảnh Battiston nhắm nghiền mắt, thân mình song song mặt đất và rơi tự do, cho thấy cầu thủ này đã bất tỉnh ngay trong khoảnh khắc “trúng đòn” trên không trung.
... và chấn thương nặng
Nỗi sợ tràn ngập khi các tuyển thủ Pháp vây quanh với nỗ lực vực dậy Battiston. Mạch đã ngừng đập, mặt xanh dờn. Hay là Battiston… đã chết? Người ta làm hết những gì cần làm, phải làm, trước khi cáng Battiston ra khỏi sân, trực chỉ bệnh viện cấp cứu. Các tuyển thủ Pháp chạy theo hôn tay Battiston, vì rất có thể họ chẳng bao giờ có cơ hội nữa.
Ở bệnh viện, Battiston tỉnh ra, rồi lại hôn mê… Ông gãy 3 chiếc răng, rạn nứt 3 xương sườn, thêm vài đốt sống biến dạng. Phải mất 6 tháng chữa chạy và hồi phục, Battiston mới trở lại được như một con người bình thường. Mẹ của Schumacher khi xem lại cảnh tượng cũng đành thốt lên: “Hãi hùng quá, con ạ”!
Hãy trở lại với nhân vật chính, Schumacher làm gì ở thời điểm Battiston rơi xuống đất trong trạng thái bất tỉnh? Ông nhặt bóng, đặt vào vạch 5m50 và bình tĩnh chống nạnh. “Dịch” từ ngôn ngữ cơ thể thì có vẻ như Schumacher đã có lúc sắp hết kiên nhẫn: “Làm ơn giải quyết cho nhanh đi nào, để tôi còn phát bóng lên”! Không hề có chút cảm xúc?
Vâng, Schumacher sau đó đỡ được những cú sút của Didier Six và Maxime Bossis trong loạt luân lưu 11m. Đức thắng Pháp 5-4 ở loạt sút luân lưu 11m đầu tiên trong lịch sử World Cup (đôi bên hòa nhau 1-1 trong 90 phút và 3-3 sau hai hiệp phụ). Phải thật thanh thản, lạnh lùng và… bản lĩnh, người ta mới có thể chơi hay như vậy trong màn “đấu súng” lịch sử?
Càng ngày, chuyện càng tồi tệ
Khi nghe Battiston gãy 3 chiếc răng, Schumacher bình thản: “Nếu quả đúng thế, tôi sẽ trả tiền cho nha sĩ”. Dân Pháp mà không… căm thù Schumacher thì đấy mới là chuyện lạ. Cả xã hội Pháp dấy lên trào lưu “anti” người Đức. Người ta gọi Schumacher là “SS”. Chân dung của Schumacher được vẽ thành một hình hài cục súc, bệnh tật.
Một tờ báo Pháp thăm dò dư luận, xem dân Pháp ghét ai nhất trên đời. Adolf Hitler chỉ về nhì, sau Schumacher. Thủ tướng Đức Helmut Schmidt buộc phải gửi điện cho tổng thống Pháp Francois Mitterrand. Họ cùng ra tuyên bố chung như một nỗ lực… hạ hỏa cho xã hội Pháp!
Schumacher
Những người trung lập nhìn nhận câu chuyện về Schumacher như thế nào? Trong khoảng 20.000 pha phạm lỗi ở 836 trận đấu thuộc 20 kỳ World Cup đã qua, giới nghiên cứu thống nhất gần như tuyệt đối: cú “phóng mình vồ mồi” của Schumacher là pha chơi xấu tồi tệ nhất. Vậy sao ông không bị phạt? Trọng tài Corver giải thích: “Tôi không thấy rõ, vì tôi tập trung nhìn bóng. Trọng tài biên cho rằng đấy là tình huống va chạm ngẫu nhiên nên tôi không phạt Schumacher”. Rõ ràng: bất quá cũng chỉ là lỗi nhận định. Và khi ấy, dù Battiston chỉ trầy xước hay suýt chết, cũng chẳng có khác biệt gì, trên phương diện luật. Những chuyện tiếp theo là việc của FIFA.
Phát biểu của chính Battiston và Schumacher sau đó cũng đáng chú ý. Có lúc, Battiston nói rằng Schumacher đã xin lỗi, rằng ông đã tha thứ, đã quên chuyện cũ. Thế rồi, khi Pháp và Đức tái ngộ tại World Cup 1986, Battiston lại bảo ông sẽ chỉ dám đứng cách Schumacher 40m! Còn Schumacher? Ông nói khá nhiều, đại khái là dù hối hận, dù có lo lắng cho Battiston, cũng chẳng ai tin. Schumacher bảo ông không giỏi về chính trị nên không biết cách ứng xử cho phải phép, lại bảo ông ghét chính trị, nhưng bỗng thấy vì mình mà cả xã hội Pháp bêu rếu nước Đức, cứ như ông đã châm ngòi chiến tranh.
Schumacher bị ghét bỏ, bị ném cà chua, trứng thối, bị la ó, nhục mạ đủ điều khi ông sang Pháp thi đấu – chuyện chẳng phải nói. Chính ông cũng phải sắm vai nạn nhân, của xã hội, trong suốt nhiều năm, nghĩa là cũng đã trả giá? Người ta còn sắp xếp cho ông sang Pháp xin lỗi Battiston, để rồi chính Schumacher đã bị báo chí săn lùng, hành hạ… ngoài kịch bản. Schumacher nói thẳng: ông có cảm giác bị lừa. Nhưng thôi…