Bóng Đá Plus trên MXH

Việt Nam học được gì từ sự vô đối của bắn cung Hàn Quốc?
Việt Nhật Nhà báo
19:58 ngày 01/08/2024
Độc giả chắc sẽ không biết "bắn cung" là từ khóa xuất hiện nhiều trong các nghiên cứu khoa học cấp độ thế giới. Phần lớn chủ nhân của các nghiên cứu này là người Hàn Quốc. 

1. Cũng khá dễ hiểu vì Hàn Quốc đang là cường quốc số một ở bộ môn này tại đấu trường Olympic. Kể từ khi tham gia thi đấu bắn cung tại Olympic Los Angeles 1984, người Hàn đến lúc này đã giành 29 HCV bắn cung trong lịch sử Thế vận hội. Tại Olympic Paris, Hàn Quốc vẫn duy trì sức mạnh áp đảo với 2/2 HCV.

Chìa khóa trong thành công của Hàn Quốc ở bộ môn bắn cung nằm cả ở tâm lý. Kim Young-sook, chuyên gia tâm lý của ĐT bắn cung Hàn Quốc và đang công tác tại Viện khoa học thể thao nước này từng nhấn mạnh, tâm lý chiếm 20-30% thành công ở các bộ môn khác, nhưng riêng với bắn cung, nó chiếm tới 80%.

Khán giả thông thường có thể nghĩ kiểm soát tâm lý thì cần bác sĩ là xong. Thực tế không đơn giản như vậy. Người Hàn tiếp xúc bóc tách vấn đề tâm lý theo cách khoa học nhất có thể.

Đầu tiên, họ xác định ra một chỉ số để đo lường khả năng biến thiên trong tâm lý của VĐV, để từ đó điều chỉnh. Đấy là nhịp tim. 

Người Hàn sử dụng hệ thống theo dõi nhịp tim không tiếp xúc dựa trên video để ghi lại hình ảnh trong các cuộc tập luyện của VĐV trước khi rút ra kết luận: Khi đối diện với căng thẳng, VĐV có xu hướng tăng nhịp tim, huyết áp cũng tăng, từ đó lo ngại bắn hỏng kéo theo việc trực tiếp mắc sai lầm.

Tại Olympic Tokyo, công nghệ này được áp dụng vào 122 trong số 124 VĐV bắn cung thi đấu tại giải trước khi rút ra được kết luận: Tăng 1 nhịp tim tương đương với giảm 0,004 điểm số. VĐV có nhịp tim cao sẽ thấp điểm hơn đối thủ có nhịp tim thấp.

Kiểm soát nhịp tim trở thành nhiệm vụ tối quan trọng để nâng chất lượng bắn cung của các VĐV Hàn Quốc. Các chuyên gia từ xứ sở kim chi áp dụng hai phương pháp để thay đổi chỉ số này.

Ở bên trong, họ để VĐV tập thiền như một liệu pháp duy trì sự tập trung. Hành động này được dựa trên cơ sở khoa học khi vỏ não trước trán và vỏ não vành trước được tác động mạnh nhờ thiền. Các VĐV sẽ kiểm soát được lo lắng trong quá trình thi đấu nhờ thiền, đồng thời bình tĩnh hơn. Người Hàn thậm chí làm hẳn thí nghiệm để tìm ra câu trả lời. Họ gom 11 cung thủ ưu tú của quốc gia và thực hành thí nghiệp trong 8 tuần. Kết quả: phiên bản sau thiền của các VĐV có điểm số vượt trội so với trước lúc thiền định.

Bên ngoài, liên đoàn bắn cung Hàn Quốc tác động vào chuyện kiểm soát nhịp tim bằng cách đưa ra những biện pháp tập luyện cực đoan được mô tả bằng cụm từ "thử thách sợ hãi" để giúp VĐV tăng khả năng chịu đựng căng thẳng. Các VĐV sẽ phải nhìn chằm chằm vào thi thể trong lò hỏa táng, bắt rắn sống bằng tay không, đi qua những ngôi nhà ma ám, dọn dẹp nước thải trong thành phố hay leo núi dốc... 

2. Nhìn chuyện Hàn Quốc coi trọng và hành động để giải quyết vấn đề về tâm lý thi đấu cho VĐV khiến tôi nghĩ nhiều về thể thao Việt Nam. Chúng ta vẫn đang coi tâm lý là chuyện có thể giải quyết chỉ bằng việc thuê bác sĩ, trong vài tháng.
Ở sân chơi Olympic, nhiều VĐV tài năng của Việt Nam từng gục ngã trước sức ép và không thể hiện được năng lực của chính mình. Kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên theo tôi là trường hợp đáng tiếc hơn cả. 

Trong một cuộc phỏng vấn với truyền thông năm 2021, Ánh Viên từng chia sẻ bị ám ảnh bởi câu nói "phải luôn cố gắng, kể cả trong giấc ngủ cũng phải tập trung nghĩ đến việc mình đang thi đấu" của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh. "Tiểu tiên cá" cũng tiết lộ bản thân gặp vấn đề về tâm lý, mắc chứng trầm cảm trong thời gian dài.

Sự căng thẳng liên tục thậm chí độc hại ấy không thể là nền tảng để bất kỳ VĐV nào vượt qua chính mình.

Giờ thì Ánh Viên đã giải nghệ. Những hình ảnh gần đây cho thấy kỷ lục gia bơi lội ngày nào của Việt Nam không còn trầm cảm nữa¬. Viên cười nhiều hơn, ăn diện, dạy bơi cho trẻ em, lập kênh tiktok giao lưu, bơi sông Hồng cùng những người bình thường tại bãi giữa cầu Long Biên... "Tiểu tiên cá" không còn ám ảnh bởi việc phải thi đấu nữa.

Tôi đặt câu hỏi nếu Ánh Viên duy trì được tâm lý bình tĩnh cùng nhịp tim bình thường ấy trong suốt quá trình tập luyện cũng như thi đấu, thành tích của cô tại sân chơi Olympic có thay đổi không? 

Công tác huấn luyện thể thao đỉnh cao của Việt Nam rõ ràng đang gặp những lỗ hổng nhất định trong công đoạn hỗ trợ tâm lý cho VĐV. Đây không thể là việc được giải quyết chỉ bằng việc thuê một chuyên gia tâm lý. Hành trình ấy đòi hỏi nhiều hơn, với sự cam kết của các bên liên quan, sự đồng hành của HLV, và sự rộng lượng của chính những khán giả.

Dĩ nhiên, rất khó để Việt Nam có nhà tài trợ kéo dài hơn 40 năm như Hyundai với môn bắn cung tại Hàn Quốc. Song tôi tin rằng, nếu xác định được vấn đề và tìm cách cải thiện dựa trên khoa học cùng phương hướng đầu tư rõ ràng và minh bạch, các VĐV sẽ tốt hơn chính mình của ngày hôm qua. Lúc đó, chúng ta thật sự có thể mơ tới Olympic.

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay