Bóng Đá Plus trên MXH

Với Van Gaal, không ai còn nhận ra M.U
MINH KIỆT • 11:08 ngày 03/09/2015
Ngoài bộ trang phục màu đỏ truyền thống và sân nhà Old Trafford, Man United có lẽ chả còn lại gì so với mùa bóng cuối cùng mà Sir Alex Ferguson ngồi trên ghế huấn luyện. Đấy là một M.U thật sự xa lạ, từ con người cho đến triết lý bóng đá.
    NHIỀU ĐẶC QUYỀN, KẾT QUẢ VẪN VẬY
    Man United đã sa thải David Moyes sau 51 trận đấu chỉ vì thành tích mà họ kỳ vọng ở HLV người Scotland này không như ý. Bây giờ, khi Louis van Gaal chuẩn bị bước vào trận đấu thứ 51 tại Man United, người ta giật mình nhận ra tỷ lệ chiến thắng của Van Gaal cũng chẳng hơn gì người tiền nhiệm. Sau 50 trận đấu, cả Van Gaal lẫn Moyes đều giành chiến thắng đúng 27 trận.

    Thậm chí nếu đặt lên bàn cân, ta sẽ thấy những điểm... thụt lùi. Bởi vì nếu như David Moyes chỉ mua có 2 tân binh là Marouane Fellaini và Juan Mata với tổng chi phí 66 triệu bảng thì Van Gaal chi đến hơn 230 triệu bảng. Quan trọng không phải là chi bao nhiêu mà chi như thế nào. Moyes bị chỉ trích là quá ù lì trong chuyển nhượng, khiến M.U không có được những viện binh cần thiết trong khi Van Gaal lại bị chỉ trích là mua người quá vô tội vạ. 

    Chẳng hạn như cách đây 1 năm, Van Gaal mua tổng cộng 6 tân binh. Chỉ sau một mùa, Di Maria và Falcao đã phải rời Old Trafford. Ander Herrera phải cam phận dự bị vì M.U lại rước về thêm 2 tiền vệ trung tâm nữa, khiến cuộc cạnh tranh ở giữa sân thêm chật chội. Một cầu thủ khác - Marcos Rojo - thời gian gần đây không còn được nghe tên nữa. Nghe đâu Van Gaal cảm thấy bực bội với cầu thủ này vì vấn đề hộ chiếu. Việc này khiến Rojo không thể cùng M.U dự tour du đấu hồi mùa hè.


    Có thể thấy so với Moyes, uy quyền của Van Gaal là điều có thể cảm nhận một cách rõ ràng hơn. Nhưng cũng từ đó, có nhiều luồng suy nghĩ cho rằng Ban lãnh đạo M.U đã quá nuông chiều Van Gaal. Phải chăng vì ông là một cái tên “hàng hiệu” đến từ nước ngoài, có CV lẫy lừng hơn nên được trao nhiều thời gian và cơ hội hơn?

    M.U QUÁ NUÔNG CHIỀU VAN GAAL?
    Cách mua sắm bất cập của Van Gaal khiến M.U rơi vào cảnh hỗn loạn. Trong vòng 2 năm sau khi Sir Alex rời khỏi ghế huấn luyện, M.U đã lần lượt đón tiếp và tiễn đi 50 con người, ở đây chỉ tính cầu thủ đội một và có ít nhất 1 lần khoác áo M.U. Còn dạng cầu thủ trẻ và dự bị thì chưa kể đến. Tức là đội hình lần cuối vô địch Premier League cùng Sir Alex Ferguson đã tan đàn xẻ nghé gần hết.

    Không chỉ thay đổi về nhân sự, M.U còn thay đổi cả về triết lý bóng đá. Nếu như David Moyes cố giữ lại hình ảnh ngày nào của M.U (và thất bại) thì Van Gaal tiến hành cách mạng, gột rửa tất cả những gì gọi là tinh hoa của Quỷ đỏ. Giờ M.U đá chậm chạp đến buồn ngủ, không hề ra dáng một đội bóng đã từng làm ngấy ngây giới mộ điệu toàn cầu. 

    Bạn còn nhớ trận đấu chót của Sir Alex trên ghế huấn luyện M.U? Đấy cũng là trận đấu thứ 1.500 của ông trong nghề cầm quân: West Brom - Man United 5-5. Sir Alex gọi đó là tiêu biểu cho phong cách của Man United: Tuyệt vời, giải trí và mãnh liệt. M.U là như thế. Anh ghi vào lưới tôi một bàn, tôi gỡ lại một bàn và tìm cách đánh bại anh. Anh ghi 5 bàn thì tôi bồi lại 5 bàn và khiến anh mệt mỏi vì cuộc rượt đuổi tỷ số. Vậy nhưng bây giờ, chỉ còn một M.U thong dong đến nhàm chán. 


    LỜI CỦA NHỮNG NGƯỜI RA ĐI
    Cầu thủ của M.U khi xưa luôn đá như thể đấy là trận đấu cuối cùng của họ. Bây giờ, ngoài Wayne Rooney, không ai thấy cái khí khái quên mình ấy. Cách Van Gaal đối xử với các cầu thủ cũng quá hà khắc và độc đoán, không khiến họ khâm phục. Chicharito sau khi sang Leverkusen đã bảo anh cảm thấy mình được “yêu mến” trở lại. Sau khi sang Fenerbahce, Robin van Persie chỉ trích Van Gaal là nỗi ác mộng của các tiền đạo.

    Angel di Maria thì bảo anh không thể nào cảm được triết lý bóng đá của Van Gaal. Rafael da Silva thì bảo Van Gaal có vấn đề với những cầu thủ Brazil. Tức là như Hristo Stoichkov nói, Van Gaal có vẻ “đang phá M.U nhiều hơn là xây dựng”. 

    Rất có thể các cầu thủ M.U rồi sẽ thấm nhuần triết lý khó hiểu của Louis van Gaal và M.U sẽ lại vươn lên thành một thế lực tại Premier League hay cả châu Âu. Nhưng đó là một M.U đã chết và tái sinh trong hình hài khác. Còn với những ai yêu lối đá rực lửa dưới thời Sir Alex Ferguson, yêu cách chơi như không còn có ngày mai, yêu cái tinh thần mãnh liệt ăn thua đủ trong mọi trận đấu thì Quỷ đỏ quả thực đã chết.

    Và Ban lãnh đạo Man United, điển hình là những người như Ed Woodward, chính là người đưa đao để Van Gaal làm việc ấy.

    5 TỘI LỖI CỦA VAN GAAL

    Lạnh nhạt với cầu thủ tự đào tạo


    Sir Alex Ferguson từng bảo linh hồn của M.U luôn phải là những cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo của CLB. Thế nhưng sau hơn 1 năm tại Manchester, Van Gaal lần lượt để cho những cầu thủ “cây nhà lá vườn” ra đi, không bán thì cũng cho mượn, từ dạng cựu binh như Jonny Evans, Danny Welbeck (ảnh), Darren Fletcher, Rafael da Silva cho đến những nhân vật mới như Tyler Blackett, Adnan Januzaj. 

    Phản bội lại triết lý M.U


    Van Gaal đang cố gò M.U chơi bóng theo triết lý của mình cho dù cách chơi ấy đi ngược lại hoàn toàn với truyền thống của Quỷ đỏ. Từ một đội bóng tấn công, gây sức ép liên tục và sử dụng những miếng đánh ở cánh, bây giờ M.U lại đá chậm rãi đến buồn ngủ, lấy kiểm soát bóng làm chủ đạo và đá bó vào trung lộ. Chính cách chơi này khiến các CĐV M.U cảm thấy thất vọng chứ không phải kết quả trên sân.

    Mua đắt, bán rẻ


    Van Gaal mua người rất dễ và bán đi cũng rất dễ. Chỉ sau một mùa, ông dễ dàng để Di Maria - bản hợp đồng kỷ lục của CLB - sang PSG với giá lỗ 15,3 triệu bảng. Ông cũng gật đầu để M.U mua sao mai Anthony Martial với cái giá không một ai hiểu nổi. Ngoài ra, những cầu thủ mà Van Gaal không cần, ông cũng để cho họ ra đi một cách dễ dàng mà không quan tâm mấy đến chuyện kinh tế. Tổng số tiền bán Chicharito, Jonny Evans, Van Persie (ảnh), Nani và Rafael chỉ là 25 triệu bảng.

    Làm không khí căng thẳng


    Van Gaal không bảo vệ cầu thủ của mình, trái lại còn mang họ ra làm mồi cho truyền thông. Cách Van Gaal đối xử với Radamel Falcao (ảnh) kiến Diego Maradona phải gọi ông là “quỷ dữ”. Ông chỉ trích Victor Valdes kém chuyên nghiệp và tố De Gea không còn muốn chơi cho Man United nữa. Không lạ khi các cầu thủ sau khi đã rời đồi đều quay lại chỉ trích HLV người Hà Lan.

    Khiến đội bóng không ổn định


    Mùa Hè nào cũng chi hơn 100 triệu bảng cho chuyển nhượng, bán đi và mang về mấy chục con người chỉ trong vòng 1 năm, rõ ràng M.U thiếu sự ổn định cần thiết. Cách Van Gaal dùng nhân sự cũng khiến cho cầu thủ rất khó ổn định. Wayne Rooney từ tiền vệ tót lên đá trung phong, Daley Blind từ tiền vệ trung tâm lui về đá trung vệ, Memphis Depay tưởng đá hộ công giờ “chết” luôn ở cánh trái...

    THAY ĐỔI NHÂN SỰ THỜI HẬU FERGUSON
    Tổng cộng đã có 17 tân binh gia nhập Man United và 33 người rời Old Trafford trong 5 kỳ chuyển nhượng gần nhất sau sự ra đi của Sir Alex Ferguson, chưa kể Tyler Blackett, Adnan Januzaj ra đi theo dạng cho mượn. Danh sách này chỉ tính những người đã đá ít nhất 1 trận cho M.U và có giá chuyển nhượng tính từ tiền triệu trở lên.

    Mùa Hè 2013
    Đến: Marouane Fellaini, Guillermo Varela, Saidy Janko
    Đi: Scott Wootton

    Tháng 1/2014
    Đến: Juan Mata
    Đi: Fabio Da Silva, Ryan Tunnicliffe, Larnell Cole

    Mùa Hè 2014
    Đến: Ander Herrera, Luke Shaw, Daley Blind, Marcos Rojo, Ángel Di María, Radamel Falcao
    Đi: Nemanja Vidic, Rio Ferdinand, Patrice Evra, Danny Welbeck, Shinji Kagawa, Alexander Buttner, Bebe, Federico Macheda, Michael Keane, Tom Lawrence, Ryan Giggs (giải nghệ)

    Tháng 1/2015
    Đến: Victor Valdes
    Đi: Anderson, Darren Fletcher, Wilfried Zaha, Marnick Vermijl

    Mùa Hè 2015
    Đến: Memphis Depay, Matteo Darmian, Morgan Schneiderlin, Bastian Schweinsteiger, Sergio Romero, Anthony Martial
    Đi: Angel Di Maria, Robin van Persie, Javier Hernandez, Nani, Jonny Evans, Rafael Da Silva, Tom Cleverley, Anders Lindegaard, Ben Amos, Saidy Janko, Reece James, Tom Thorpe, Angelo Henriquez, Radamel Falcao, 
    Bình luận

    Đón đọc Đặc san EURO 2024 DUY NHẤT TẠI VIỆT NAM.
    Với 116 trang, thiết kế sang trọng, in 4 màu CHẤT LƯỢNG CAO.

    • Tất cả thông tin bạn đọc cần biết về EURO 2024.
    • Những nội dung đặc sắc, bài viết độc quyền của nhà báo thường trú tại châu Âu và các cây viết thể thao hàng đầu ở Việt Nam.
    • ĐẶC BIỆT: Tặng kèm Lịch thi đấu EURO 2024 khổ lớn.
    • Giá: 98.000 đồng.

    ĐẶT MUA NGAY
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội