Bóng Đá Plus trên MXH

Tại sao Man City mua Grealish dễ dàng còn Liverpool bó tay?
KHÔI NGUYÊN • 18:16 ngày 06/08/2021
Man City thể hiện ưu thế tiền bạc của mình trước khi mùa giải mới khởi tranh bằng việc mua Jack Grealish với giá 100 triệu bảng dễ dàng trong khi Liverpool đừng mơ đến những thương vụ nặng ví dễ dàng như thế.

    Bất chấp những thách thức lớn về tài chính do đại dịch COVID-19 tác động đến bóng đá và CLB Premier League có thể lỗ tổng cộng 1,5 tỷ bảng, chúng ta vừa được chứng kiến một trong những bản hợp đồng có mức phí cao nhất trong lịch sử bóng đá Anh.  

    Jack Grealish đã hoàn tất việc chuyển từ Aston Villa sang Man City, thương vụ khẳng định tham vọng giữ vững vương miện, vượt qua rào cản để chinh phục Champions League một lần nữa của đội chủ sân Etihad. Rất có thể, cả tiền đạo Harry Kane hay Lionel Messi cũng sẽ đến Etihad trong thời gian tới.  

    Đối với các CĐV của Liverpool, việc chứng đối thủ đáng gờm nhất chi tiêu mạnh tay đến như vậy thật sự là một cú sốc. Vào thời điểm này, Liverpool vẫn tỏ ra im hơi lặng tiếng nhất trong số các đội bóng lớn. Thật khó để đặt niềm tin vào việc khoảng cách giữa Liverpool và Man City sẽ được thu hẹp và The Kop sẽ dễ dàng giành lại được những gì đã mất.  

    Liverpool có thể sẽ ký kết thêm các hợp đồng kinh tế cũng như mất thêm chi phí để gia hạn giao kèo với những ngôi sao hàng đầu sẽ đáo hạn hợp đồng vào năm 2023. Nhưng hiện tại, việc dủng tiền như thế nào cần phải xem xét rất kĩ, bởi Man City đã chi vô cùng bạo tay để dằn mặt đối thủ.  

    Tất nhiên, nói về Man City là nói đến chuyện họ dùng tiền để mua được thành công. Ban đầu, điều đó giúp họ thu hẹp khoảng cách với các đội bóng khác, nhanh chóng trở thành một đội đại gia. Bây giờ Man City đã trở thành một CLB hàng đầu phù hợp với tham vọng của những cầu thủ xuất sắc nhất thế giới.  

    Man City bỏ 100 triệu bảng mua Jack Grealish dễ dàng như Liverpool để Wijnaldum ra đi miễn phí

    Đó là động lực khiến họ sẵn sàng chi ra những khoản tiền lớn và có những chiến lược kinh doanh mạnh mẽ nhằm hỗ trợ cho những gì đang diễn ra tại Etihad. Đây là mô hình kinh doanh mà giới chủ của Man City theo đuổi nhằm giúp CLB đứng vững bằng đôi chân của chính mình trong tương lai.  

    Kiểu mô hình tự duy trì đó rất kém hấp dẫn khi nó đồng nghĩa với việc mọi khoản chi tiêu lớn phải được cân đối bằng cách thu lại tiền từ việc bán cầu thủ hoặc tiền thưởng vô địch và các giao dịch thương mại. Nhưng đó là cách của Liverpool dưới thời Fenway Sports Group. Cách làm này có nhiều người ủng hộ và cũng nhận về không ít những sự dèm pha.  

    Khi nói đến Luật Công bằng Tài chính (FFP), được UEFA đưa ra vào năm 2011, Liverpool hiếm có nguy cơ vi phạm FFP do cách họ vận hành. Mặt khác, Man City đã bị lôi kéo vào một cuộc chiến với UEFA trước đây vì bị cáo buộc thổi phồng giá trị của các giao dịch thương mại nhằm thu lợi và nó vi phạm các điều khoản FFP.  

    Dù Man City đã thoát án treo giò 2 năm của UEFA, nhưng cuộc điều tra của Premier League về vấn đề này vẫn đang được tiến hành. Giữa bối cảnh đó, việc Grealish đến với Man City sẽ tạo ra một số câu hỏi, chưa nói đến khả năng gia nhập của Harry Kane hay Lionel Messi.  

    Làm thế nào để Man City có thể đáp ứng FFP khi dốc hầu bao cho những khoản chi như vậy? Làm thế nào điều này có thể khả thi trong bối cảnh tài chính hiện nay? Đó là nhờ một cơ hội tốt dành cho các CLB nhà giàu mới ở châu Âu xuất hiện vì bối cảnh đại dịch.  

    Thực tế cho thấy với những đội bóng sẵn sàng chi tiêu lớn như PSG, đại dịch không phải là trở ngại lớn để mua được các siêu sao. PSG đã có Gini Wijnaldum, tGianluigi Donnarumma, Achraf Hakimi và Sergio Ramos trong mùa hè này. Nhưng họ mới chỉ chi tiền cho Hakimi với khoản thanh toán được chia thành 5 đợt, trả trong 5 năm. 3 tân binh còn lại là cầu thủ tự do.  

    Chẳng lạ gì nếu Harry Kane đến Etihad bằng những chồng tiền cao ngất của Man City thảy ra

    Do đại dịch mà UEFA đã nới lỏng các quy tắc của FFP, với việc sẽ lùi thời điểm đánh giá tài chính từ 2020 sang 2021, và các CLB được phép chịu lỗ lớn hơn 30 triệu euro so với hiện tại - miễn là chứng minh được khoản lỗ đó là hậu quả của đại dịch.  

    Đây là thời cơ cho những CLB có các ông chủ giàu có, ít phải lo nghĩ về chênh lệch cột lãi - lỗ và chỉ quan tâm đến đối phó với FFP. Đó là Man City hay Chelsea, những đội bóng đang nhắm đến việc bỏ 100 triệu bảng để mua Romelu Lukaku từ Inter. Rất nhiều đại gia châu Âu đang cố gắng ghi dấu ấn cuối cùng trước khi chiếc máy chém sập xuống.  

    Tiến sĩ Dan Plumley, chuyên gia tài chính thể thao tại Đại học Sheffield Hallam đã nói về FFP như thế này: “Ở bất kỳ thị trường nào trên thế giới, các doanh nghiệp lớn cũng có thể tận dụng cơ hội trong một cuộc khủng hoảng, và bạn có thể thấy điều đó một cách rõ ràng ngay tại đây. 

    Mặc dù đại dịch đã gây ra thảm hoạ cho giới bóng đá, phần lớn các CLB đều chịu thiệt hại nặng nề về doanh thu nhưng có những CLB như PSG và Man City vẫn tìm cách trụ được. Giữa các quy định FFP, những CLB này cân nhắc lợi nhuận cuối cùng và thử chơi trò may rủi với niềm tin rằng họ sẽ không có vấn đề gì khi các quy định đã được nới lỏng.  

    Phí chuyển nhượng và tiền lương là hai chi phí riêng biệt và sẽ được xem xét tương ứng theo bất kỳ loại quy định nào của FFP. Rõ ràng, phí chuyển nhượng sẽ được thanh toán trong một lần, trừ khi đạt được thoả thuận để chi trả thành nhiều phần trong vài năm liên tiếp. Tương tự với tiền lương, một CLB cần phải đạt cân bằng giữa cầu thủ đến và cầu thủ đi.  

    Mức chi lương của Man City là 351 triệu bảng so với doanh thu 478 triệu bảng, hoá đơn lương của PSG là 369 triệu bảng so với doanh thu 498 triệu bảng, rõ ràng là không đạt tỉ lệ cân bằng khuyến nghị của UEFA. Việc Sergio Aguero ra đi sẽ giảm bớt độ chênh lệch giữa hai cột mốc đó. Những vụ chuyển nhượng kiểu như vậy đang diễn ra liên tục để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các đội bóng.  

    Premier League không có giới hạn ngân sách như La Liga, thứ khiến Barcelona không thể tái ký hợp đồng với Messi

    Vấn đề thứ ba là cách quản lý giải đấu. Ở Tây Ban Nha, họ cấp giới hạn ngân sách cho các CLB để chi tiêu phù hợp với tình hình tài chính của mỗi đội. Chúng ta chưa bao giờ thấy điều đó ở Premier League và đó là một bất cập. Thị trường đã thay đổi nhưng có rất ít quy định được đặt ra, và việc phí chuyển nhượng tăng lên theo doanh thu của đội bóng là điều dễ hiểu”.  

    Liverpool đã lỗ trước thuế 46 triệu bảng vào tháng 5/2020, và đó mới chỉ là trong vòng ba tháng xảy ra đại dịch. Khi các báo cáo tài chính năm 2021 được công bố, dự kiến Liverpool sẽ mất khoảng 120 triệu bảng khi toàn bộ thiệt hại đã được đánh giá một cách toàn diện.  

    Nhưng quỹ lương của Liverpool thì không nhẹ nhàng chút nào, với mức chi cao thứ hai ở Premier League với 325 triệu bảng, chỉ sau 351 triệu bảng của Man City, dù họ không chơi lớn trên thị trường chuyển nhượng, và The Kop có nguồn tiền chảy ngược vào hầu bao thông qua các vụ bán cầu thủ.  

    Plumley giải thích: “Liverpool rất khôn ngoan và FFP không phải là vấn đề của họ, đừng để các con số đánh lừa bạn. Báo cáo tài chính năm 2020 cho thấy khoản lỗ 46 triệu bảng và hứa hẹn sẽ còn tăng lên vào mùa giải tiếp theo, nhưng cần xem xét đến khoản lợi nhuận 33 triệu bảng, 106 triệu bảng và 39 triệu bảng mà họ đã đạt được trong 3 năm trước đó. Vì vậy, tôi không nghĩ rằng Liverpool gặp khó khăn.  

    Tiền lương là yếu tố rất quan trọng. Năm 2020, tỷ lệ tiền lương trên doanh thu của các CLB là khoảng 72%, nhưng con số này dao dộng ở mức chỉ 57-58% vào 3 năm trước. Mức lương trên doanh thu không phải là thứ được quy định trong FFP, đó là tỷ lệ khuyến nghị mà UEFA cho rằng không nên vượt quá 70%. Đó là một thỏa thuận mềm mà các CLB đăng ký”.  

    UEFA đã nhanh chóng chỉ ra thành công của FFP trong việc ngăn chặn dòng chảy tài chính của bóng đá châu Âu, đặc biệt là khi đối mặt với đại dịch. Báo cáo “Toàn cảnh bóng đá châu Âu” của UEFA năm 2021 được đưa ra, trong đó nêu lên thực tế các CLB trên khắp lục địa có khả năng mất 9 tỷ euro doanh thu do đại dịch.  

    Cán cân sức mạnh giữa 2 nhà vô địch Premier League gần nhất đã lệch về Man City nhờ tiền nhiều và đại dịch

    Chủ tịch UEFA Aleksander Ceferin cho biết: “Trong báo cáo năm ngoái, tôi đã nói rằng bóng đá châu Âu mạnh mẽ, đoàn kết, kiên cường, sẵn sàng đón nhận những thử thách mới, nhưng không ai có thể ngờ rằng chúng ta sẽ phải đối mặt với thách thức lớn nhất đối với bóng đá, thể thao và xã hội thời hiện đại.  

    Báo cáo này cho thấy rõ ràng rằng chúng tôi hiện đang hoạt động trong một thực tế tài chính mới, và rõ ràng là các quy định FFP hiện tại sẽ cần được điều chỉnh và cập nhật. Tính bền vững tài chính sẽ vẫn là mục tiêu hàng đầu, và UEFA cũng như bóng đá châu Âu sẽ hoạt động đoàn kết để trang bị cho môn thể thao này những quy tắc phù hợp với một tương lai mới”.  

    FFP đã góp phần ngăn chặn những tổn thất trên khắp lục địa từ những CLB tìm cách lách luật, chi tiêu quá mức để thu hẹp khoảng cách với các đội xếp trên. Tuy vậy, đã xuất hiện những hậu quả không lường trước và làm trầm trọng thêm sự mất cân bằng cạnh tranh.

    “Đã có những hậu quả không mong muốn của FFP. Ra đời vào năm 2011, FFP mang mục đích tốt đẹp về tính bền vững tài chính, khiến các CLB chi tiêu trong khả năng của họ và bất kỳ ai liên quan trong ngành tài chính sẽ đồng ý rằng đó là một cách tốt để một doanh nghiệp điều hành và các CLB bóng đá chính là doanh nghiệp.  

    Nó đã mang lại một số tác động tích cực về bền vững tài chính nếu chúng ta theo dõi lại những gì đã xảy ra trước năm 2011. Nhưng vấn đề đã xảy ra là FFP tác động đến sự cạnh tranh trên sân cỏ và sự cân bằng của các giải đấu, ai có thể giành được danh hiệu và ai đủ điều kiện dự Champions League…  

    Những gì chúng ta nhận thấy là vì FFP, các giải đấu với sự thống trị của một CLB xuất hiện ngày càng nhiều. Có thể tranh luận rằng những trường hợp như thế tồn tại trong suốt lịch sử nhưng nó đã trở nên phổ biến hơn trong thời kỳ hậu FFP.  

    Khi nhìn vào một số chỉ số về nguyên tắc hòa vốn và chi tiêu trong khả năng và những kẽ hở cho phép CLB vượt qua ranh giới thì đó là một hệ quả tự nhiên. Nó có thể không xảy ra một cách cố ý nhưng đó là hậu quả không lường trước được. Đã 10 năm FFP hoạt động và giờ là lúc chúng ta cần xem xét lại các quy định và cách thức hoạt động của nó”, Plumley giải thích.

    Nhưng chúng ta đang đối diện với thực tế, Man City hay PSG đang thể hiện quyền năng vô đối về tiền bạc trong bối cảnh dịch bệnh để dễ dàng bỏ túi những cầu thủ có giá tới 100 triệu bảng như Jack Grealish, Harry Kane hay Romelu Lukaku trong khi những đội bóng kinh doanh thuần tuý như Liverpool chỉ hài lòng với việc gia hạn hợp đồng với cầu thủ cũ. Cán cân quá lệch cho cuộc đua Premier League 2021/22.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay