Mối quan hệ giữa CLB Manchester City và HLV Pep Guardiola chứa đựng khá nhiều bí ẩn. Đây là vị chiến lược gia mà Man City khao khát chiêu mộ được kể từ khi gia tộc Sheikh sở hữu Man City năm 2008, và họ đã dùng đủ phương cách để có Pep. Ngược lại, Pep cũng quyết liệt chia tay Bayern Munich, gạt qua sự mời mọc của Man United và nhiều CLB danh tiếng để về Man City.
Gần đây, người ta nói khá nhiều đến khả năng Pep sẽ chia tay Man City để tìm kiếm thử thách mới, nhất là khi CLB gặp "đại hoạ" bị cấm tham dự Champions League 2 mùa hay phát vãng xuống giải hạng Tư. Song, đúng lúc này, Pep đã thể hiện sự "ngu trung" đáng kinh ngạc, khi khẳng định sẽ đi cùng Man City xuống dưới đáy vực tăm tối. Tại sao lại có sự trung thành không ai ngờ này?
Pep Guardiola là một HLV tài năng xuất chúng, thuộc đẳng cấp "siêu sao" hiếm hoi của thế giới. Cầm quân chưa đầy 10 năm, nhưng ông đã thu hoạch đủ vinh quang mà một chiến lược gia cấp CLB mong có thể kiếm được. Ông sớm nhận được sự kính trọng của đồng nghiệp tiền bối lão làng như Alex Ferguson, Carlos Ancelotti, Marcelo Lippi…
Tuy nhiên, Pep là một người không hài lòng với sự nhàm chán, dù đó là vinh quang nhàm chán. Hầu như ông không ở CLB nào quá 4 năm, cho dù đó là Barcelona "chôn rau cắt rốn" hay Bayern Munich "chúa tể vĩnh cửu của Bundesliga". Và tại Man City, ông cũng chuẩn bị bước sang năm thứ tư.
Trước khi đại thảm hoạ PPF - luật Công bằng tài chính của UEFA - diễn ra, nhiều người cũng thiên về quy luật "ra đi sau 4 năm" của Pep Guardiola. Họ cho rằng, Pep đã nhàm chán với Premier League, nhất là khi phải đối mặt với một mùa giải thê thảm trước sự lấn lướt của Liverpool, còn mục tiêu Champions League vẫn quá mơ hồ và khó khăn.
Pep có thể chuyển sang một "đại gia" khác, ở một nền bóng đá khác để bồi đắp thêm hương vị của chuyến phiêu lưu. Bến đỗ thèm khát Pep đâu có thiếu, ví dụ như Juventus hùng mạnh cả thực lực lẫn tài chính, hoặc như PSG "trong nhà chỉ có siêu sao và tiền bạc".
Và khi Man City nhận án phạt của UEFA vì cáo buộc lừa dối có tổ chức, vi phạm nghiêm trọng luật FFP, do đó bị "rút phép thông công" ở mọi đấu trường tại châu Âu trong 2 mùa tới, ai cũng nghĩ "cuộc tháo chạy hàng loạt" của Pep và các cầu thủ sẽ diễn ra sớm hơn, chắc chắn hơn.
Án phạt trên quá tàn khốc, nhưng chưa hết, Man City còn phải đối mặt với những đe doạ trừng phạt từ BTC Premier League. Họ có thể sẽ bị tước chức vô địch Ngoại hạng Anh mùa 2013/14 bởi tăng cường sức mạnh bằng nguồn tiền "bất chính" và thậm chí còn bị đày xuống giải hạng Tư.
Trong trường hợp tất cả những điều tồi tệ kia cùng rơi xuống đầu Man City, nó sẽ là "một quả bom nguyên" tử dội xuống giữa sân Etihad. Không được tham dự Champions League có nghĩa Man City sẽ mất nguồn thu khoảng 100 triệu euro từ UEFA, các cầu thủ chất lượng cao sẽ tháo chạy.
Man City buộc phải bán ngôi sao để vừa có tiền, vừa cắt giảm quỹ lương hòng cân bằng ngân sách thu chi. Các nguồn bơm tiền bất chính từ Trung Đông sang sẽ bị ngắt vòi. Họ sẽ phải dùng cầu thủ trẻ hoặc rẻ tiền để xây dựng một hình gồm 25 người để thi đấu.
Và nếu không còn là thành viên của Premier League, tình hình càng nghiêm trọng hơn. Man City sẽ mất thêm 170 triệu euro từ BTC giải đấu gồm tiền chia bản quyền truyền hình và tiền thưởng. Đó là một con số rất lớn với bất cứ CLB nào. Và họ sẽ phải làm lại từ đầu, xây dựng lại đội bóng trên nền tảng hoang tàn của hạng đấu cực thấp của bóng đá Anh.
Thế nhưng, đúng vào lúc lòng người nao núng nhất, thì Pep đã đứng lên tuyên bố một câu xanh rờn: "Sẽ hoàn tất hợp đồng với Man City cho dù đội bóng có phải xuống hạng Tư, cho dù có phải dùng những cầu thủ "lông gà lông vịt" so với những "đại bàng, chim ưng" hiện tại.
Quả thật, đó là một điều tréo ngoe của Định Mệnh, khi đặt Pep vào tình thế hoặc phải lựa chọn thể hiện sự ngu trung; hoặc phải tự cứu mình bởi lẽ thường: kẻ không biết tự cứu mình thì trời tru đất diệt.
Giả như đây là Barcelona thì người ta cũng dễ hiểu tại sao Pep lại ngu trung đến thế, nhưng đây chỉ là một Man City không ràng buộc bởi "máu mủ ruột rà", thì căn cớ gì khiến Pep lại chọn phương án không ai nghĩ tới vậy? Hãy trở lại quá khứ khi Man City và Pep Guardiola tìm thấy nhau để phần nào tìm được đáp án.
Pep Guardiola có bề ngoài thâm trầm và bình lặng như sông sâu biển rộng. Dường như, khó có ai át vía được ông, nhất là khi ông đã tạo được danh tiếng trong làng HLV thế giới. Con người này dường như không bao giờ đứng yên. Bên đường biên, ông đi đi lại lại, hét lên hướng dẫn các cầu thủ của mình, cổ vũ cuồng nhiệt với sự phấn khích.
Thế nhưng khi gặp Sheikh Mansour bin Zayed Al Nahyan - chủ sở hữu của Man City, Guardiola giống như một người khác. Trong bộ phim tài liệu hào nhoáng "Có tất cả hoặc không có gì", mà các nhà làm phim đã đồng hành cùng Man City trong suốt một năm, Guardiola rất lịch sự, gần như ngượng ngùng, và nói rất nhỏ khi đối thoại với ông chủ.
Người xem không thể thực sự hiểu những gì hai người đang nói, nhưng điều chính là cả hai đều cười và cười. Họ có vẻ thân thiện thực sự, nhưng giữa Pep và Sheikh Mansour có một khoảng cách rất lớn, giống như giữa một vị Hoàng thân và tuỳ tướng của mình.
Pep không gặp vị Hoàng thân quyền lực này nhiều bởi ông ta chẳng mấy khi xuất hiện tại Manchester. Chúng ta đều biết rằng, trong 12 năm sở hữu CLB này, chỉ có 1 lần duy nhất Sheikh Mansour đến sân. Đó là vào tháng 8/2010, ông chủ trẻ này đã dự khán một trận đấu của Man City.
Vị tỷ phú dầu mỏ cười toe toét và vẫy tay chào đám đông trong khi những kẻ dưới quyền trong hộp VIP nhìn ông chủ với sự căng thẳng hiện rõ trên khuôn mặt. Trong số những kẻ lo lắng có cả Khaldoon Al Mubarak, nhân vật được Sheikh Mansour giao cho quản lý Man City thay mình bằng chức danh Chủ tịch CLB. Còn Sheikh Mansour hoàn toàn không can thiệp vào việc quản lý khoản đầu tư của mình.
NHM Man City cũng chỉ biết đến Khaldoon Al Mubarak, cánh tay phải của Sheikh Mansour. Thậm chí họ biết ơn người đàn ông này vì đã biến đổi đội bóng. Hãy đọc những dòng tweet ca ngợi của fan dành cho Khaldoon Al Mubarak: "Thật phúc lành khi có chủ tịch như ngài", "Chủ tịch tốt nhất trên thế giới, rất thông minh, rất khiêm tốn", và "NHM Man City thật may mắn khi có ngài"…
Nhưng người đàn ông này thực sự đại diện cho điều gì? Ông ta quan trọng như thế nào đối với Abu Dhabi, tiểu vương quốc chỉ cố gắng che giấu vai trò thực sự của mình trong việc chuyển đổi Man City thành một CLB hùng mạnh ở châu Âu? Làm thế nào để quản lý bóng theo lệnh của Mans Mansour và điều hành một CLB Premier League?
Câu trả lời là Khaldoon Al Mubarak không làm gì cả, bởi ông cũng không có thời gian để quá quan tâm đến chiến thuật hàng ngày hoặc các chi tiết tài chính. Ông ta còn bận bịu với chức danh người đứng đầu một công ty tên là Mubadala và Cơ quan điều hành (EAA) ở Abu Dhabi.
Đó chính là hai nguồn tài chính tạo nên vụ đầu tư vào Man City: Mubadala là một công ty đầu tư nhà nước UAE, chịu trách nhiệm đầu tư trên khắp thế giới cho tiểu quốc Abu Dhabi có sản lượng hàng tỷ galon dầu mỗi ngày. EAA, trong khi đó, là một nhánh của chính phủ, chỉ đạo chiến lược quốc tế của Abu Dhabi.
Tài liệu mật của Football Leaks cung cấp một cú chấn động đằng sau bức màn tại các hoạt động nội bộ của CLB. Hoàn toàn không giống như trong phim "Có tất cả hoặc không có gì". Có thể nói, Man City là "Chiến lược quyền lực mềm của gia đình cầm quyền", theo định nghĩa của Christopher Davidson, giáo sư chính trị Trung Đông tại Đại học Durham.
Ông coi khoản đầu tư Hoàng gia UAE vào Manchester City là sản phẩm của tính toán chính trị: "Gia đình cầm quyền coi bóng đá Anh là phương tiện để tiếp thị cho Abu Dhabi và cải thiện mối quan hệ giữa tiểu vương quốc và phương Tây".
Nhưng còn về tuyên bố của phía Man City rằng đây chỉ là vụ đầu tư vào sở thích của một người đam mê bóng đá? Davidson nhằm vào nhân vật là chủ tịch của Man City: "Khaldoon Al Mubarak là lãnh đạo trên thực tế của Abu Dhabi".
Vì thế, Khaldoon Al Mubarak phải chịu trách nhiệm quản lý sở thích của Sheikh Mansour, đặc biệt là khi Mansour là Hoàng đệ của Hoàng thái tử Mohammed bin Zayed (viết tắt là MbZ) theo thứ bậc trên dưới của hoàng gia Abu Dhabi?
"Những người có trách nhiệm tại Man City chủ yếu là trợ lý của hoàng tử chứ không phải là của Sheikh Mansour", Davidson nói thêm. Ngoài việc trở thành Hoàng thái tử ở Abu Dhabi, MbZ còn chỉ huy lực lượng vũ trang của Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Rõ ràng, những ông chủ này hoàn khác với ông chủ của Pep tại Bayern Munich là Uli Hoeness hay Joan Laporta tại Barcelona. Và nó cũng giải thích thái độ khép nép, luôn biết điều của HLV này mỗi khi gặp các những người đàn ông quấn khăn trùm đầu đã kể phía trên.
Abu Dhabi không phải là quốc gia vùng Vịnh duy nhất tỏ ra hứng thú với bóng đá trong những năm gần đây. Đối thủ Qatar đang chuẩn bị cho việc tổ chức VCK World Cup 2020 và cũng đã chi gần 2 tỷ euro để đưa PSG lên đỉnh cao của bóng đá châu Âu.
Nhưng sự giàu có của Abu Dhabi, giàu nhất trong số các tiểu vương quốc, giúp họ nhanh chóng gia tầm ảnh hưởng trong những thập kỷ qua. Một thành viên của đội ngũ làm PR cho MbZ là Simon Pearce, một người Australia, cũng là thành viên trong BLĐ Man City và là kênh kết nối quan trọng nhất giữa Abu Dhabi và Manchester. Ông ta hầu như không được công chúng biết đến, nhưng trong nội bộ, Pearce được tất cả sợ hãi và tôn trọng. Ông cũng làm việc cho EAA của Mubarak tại Abu Dhabi.
Từ đó, ông đưa ra các hướng dẫn cho các đồng nghiệp của mình ở Manchester và thông báo cho họ cả về mong muốn của gia đình cầm quyền và các cuộc đàm phán với các nhà tài trợ Ả Rập cho CLB. Khi Man City thực hiện một thỏa thuận giả mạo với một đối tác tiếp thị bù nhìn, Pearce sẽ quan tâm đến các chi tiết liên quan về phía tiểu vương quốc.
Nhưng sau cùng, Pearce vẫn phải xin phép Khaldoon Al Mubarak trước khi thực hiện chuyển khoản nhiều triệu euro. Và thường thì một email ngắn gọn từ chủ vị tịch này là đủ: "OK, làm đi".
Trước khi gia nhập thế giới bóng đá, Pearce đã làm việc cho Burson-Marsteller, một công ty PR chuyên về giải quyết khủng hoảng và kiểm soát hình ảnh riêng biệt cho các khách hàng cực kỳ có ảnh hưởng. Có một câu chế nhạo dành cho Burson- Marsteller: "Nếu ác quỷ cần quan hệ công chúng, nó sẽ gọi Burson-Marsteller từ phím tắt".
Dưới sự chỉ đạo của Pearce, các giám đốc điều hành của Man City đã thể hiện mình là những kẻ gớm mặt đầy âm mưu xảo quyệt. Họ hoạt động bí mật bằng những cái tên đã được mã hoá, trong khi mối xung đột với các cơ quan quản lý bóng đá được giải quyết bằng kênh ngoại giao riêng biệt hoặc bằng cách áp dụng áp lực nội bộ.
Việc thuê Pep Guardiola cũng là một nhiệm vụ bí mật. Đây không những là HLV giỏi nhất thế giới mà còn là mảnh ghép cuối cùng rất cần thiết trong dự án uy tín của Abu Dhabi - một mô hình kết hợp giữa sự xuất sắc của kinh doanh và sự thành công của thể thao.
Hợp đồng Guardiola đã ký với Man City ghi ngày 10/10/2015. Tiền lương và tiền thưởng được đảm bảo ở đẳng cấp thế giới: Trong mùa đầu tiên, Pep đã kiếm được 13,5 triệu bảng, và sẽ tăng lên 16,75 triệu một năm sau đó. Chính mốc thời gian trên khiến cho việc ký hợp đồng trở nên khác thường.
Thời điểm ký hợp đồng, Pep mới bước vào mùa giải mới cùng Bayern Munich được 2 tháng. Nhưng cả Man City và HLV này đều không nói gì về hợp đồng. Tuy hiên, vài tuần sau, một nhà báo của tờ Sunday Mirror đã viết rằng, giám đốc bóng đá của Man City, Txiki Begiristain đã gặp Guardiola ở Barcelona và suy đoán rằng một thỏa thuận đang được thực hiện giữa Pep và Man City.
Tất nhiên, điều đó là không chính xác bởi thỏa thuận thực ra ĐÃ được ký kết. "Tôi sẽ gọi cho thằng cha này và yêu cầu xoá bài", phát ngôn viên Simon Heggie của Man City email cho các quan chức của CLB.
Sau đó, anh ta viết một tin nhắn khác thông báo cho họ rằng bài báo đã được gỡ bỏ. "Tôi sẽ gửi một thông điệp xung quanh vụ này cho các phương tiện truyền thông khác để bảo họ bỏ qua nó". Việc này cho phép Man City kiểm soát thông báo về HLV mới của họ, thứ mà phải hơn 1 tháng sau mới được đưa rùm beng.
Kiểm soát là tất cả, và các quan chức của Man City nhận thức đầy đủ rằng CLB của họ cùng ông chủ người Ả Rập luôn bị xem xét với thái độ hoài nghi. Nhưng với thành công trên sân cỏ và thông qua công việc PR chuyên nghiệp, họ đã tìm cách kiểm soát câu chuyện ở Anh.
Và Vương quốc Anh - một quốc gia tự hào cho rằng mình là nguồn gốc của luật pháp và dân chủ hiện đại - không có gì ngoài những điều tốt đẹp để nói về các quan chức hàng đầu của UAE, những người lãnh đạo một quốc gia áp dụng án tử hình cho tội ngoại tình và các cặp vợ chồng có thể bị tống vào tù vì hôn nhau ở nơi công cộng.
Để chắc chắn rằng mọi thứ trong vòng kiểm soát, các chuyên gia truyền thông ở Manchester kiểm tra các rủi ro tiềm ẩn của từng bước họ thực hiện, chẳng hạn như lựa chọn các nhà tài trợ, và câu hỏi về việc kiếm tiền.
Đầu năm 2014, các giám đốc điều hành đã thảo luận về một thỏa thuận tiềm năng với công ty xây dựng Arabtec có trụ sở tại Dubai. Vào thời điểm đó, công ty được lãnh đạo bởi Hasan Ismaik, chủ sở hữu gây tranh cãi của đội bóng đá 1860 Munich, hàng xóm của Bayern Munich.
Manchester đã ra lệnh tổng hợp một báo cáo rủi ro cho thỏa thuận có thể. Điều này chỉ được nhắc đến trong một thời gian ngắn ngủi trước đó trên báo The Guardian, trong một bài báo viết về các điều kiện khốc liệt ở Abu Dhabi cho người lao động nhập cư.
"Arabtec có liên quan đến câu chuyện này", một nhà phân tích rủi ro nhấn mạnh. Hơn nữa, các công nhân của Arabtec đã đình công vào tháng 5/2013, dẫn đến bạo lực và trục xuất. Và vào năm 2009, BBC đã tiết lộ người Ả Rập đối xử tệ với người làm công của mình như thế nào.
Thật vậy, việc đối xử với người lao động nước ngoài đã trở thành một vấn đề thường trực đối với các quốc gia sa mạc mới giàu có. Abu Dhabi phụ thuộc rất nhiều vào các công nhân từ Ấn Độ, Pakistan và Bangladesh, những người đã xây dựng một số lượng lớn các tòa nhà chọc trời trên sa mạc trong 40 năm qua.
Kết luận của bản báo cáo rủi ro rất rõ ràng: "Sự hợp tác với Arabtec có tiềm năng đáng kể để làm hỏng nhận thức và vị thế của Man City và chủ sở hữu của CLB" Một thỏa thuận như vậy, báo cáo lưu ý, có thể dẫn đến các vấn đề với NHM, phản ứng tiêu cực từ các nhà tài trợ khác hoặc chỉ trích từ các nhà hoạt động nhân quyền.
Vicky Kloss, phát ngôn viên của Man City, đã gửi email đến các giám đốc điều hành để cảnh báo họ tránh thỏa thuận tài trợ với Arabtec. "Tôi nghĩ đó là rủi ro lớn nhất đối với danh tiếng (của chúng ta) mà chúng ta đã phải đối mặt kể từ năm 2008. Khoảng cách giữa những gì chúng ta (MCFC/City) làm và những gì họ (Ả Rập) làm là không thể kiểm soát được", cô viết.
Tuy nhiên, BLĐ Man City đã vượt qua những lo ngại như vậy và quyết định nhận tiền của người Ả Rập: 7 triệu bảng mỗi năm. Nhưng giám đốc điều hành chỉ ký hợp đồng quảng cáo khu vực với công ty xây dựng.
Vào tháng 5/2014, Ferran Soriano, Hasan Ismaik và Khaldoon Al Mubarak đã cùng cầm một chiếc áo Man City màu xanh da trời với chữ "Arabtec" được in trên áo. Họ đứng trước máy quay và công bố thỏa thuận trị giá hàng triệu bảng Anh. Coi như không có gì đủ khả năng xâm hại đến Man City.
Và tất nhiên, một chiến lược gia vốn giỏi cờ vua như Pep Guardiola hiểu rõ hơn ai hết quyền lực của những người đang thao túng Man City. Có thể ông không được kết nạp vào lực lượng cấp cao nhất ở Man City, được chia sẻ những e-mail mánh khoé trong nội bộ lãnh đạo CLB như những gì đã bị hack và tung lên mạng, nhưng ông thừa hiểu nguồn tiền hậu hĩnh mà mình được dùng để mua cầu thủ, mức lương thưởng cao ngất của mình và các cầu thủ nhận từ đâu mà có.
Ông cũng hiểu rằng, tầm ảnh hưởng của quyền lực đó có thể làm những gì để bảo vệ cơ chế dối trá và bất minh mà Man City đã thực hiện từ năm 2008 đến nay. Thế nên ông luôn giữ thái độ "kính nhi viễn chi", cung kính mà không lại gần khi gặp gỡ giới chủ hoặc chí ít phát biểu về tương lai của mình trong hoàn cảnh CLB bị lâm nguy.
Bởi cái giá của sự ngu trung mà Pep Guardiola thể hiện với Man City được bao bọc bởi rất nhiều tiền!