Bóng Đá Plus trên MXH

Sir Alex Ferguson vẫn là huyền thoại quái vật ở tuổi 80
Hải An • 15:03 ngày 31/12/2020
Ngày cuối cùng của năm, 31/12, bao giờ cũng là một ngày đặc biệt với những cầu thủ, CĐV của Man United. Bởi đây là ngày sinh của huyền thoại vĩ đại nhất bóng đá Anh, người dù đã bước sang tuổi 80 (tính cả tuổi mụ) vẫn khiến cho đám hậu bối như Jose Mourinho, Pep Guardiola, Juergen Klopp… đứng xa mà bái lậy trước di sản mà Sir Alex để lại.

    SIR ALEX FERGUSON LÀ AI?

    Ở Manchester United, ông là một Đức Chúa. Trong bóng đá, ông là nhà quản lý bóng đá vĩ đại nhất mọi thời đại và có lẽ là chiến lược gia dành nhiều tiền và thời gian cho việc nhai kẹo cao su hơn bất kỳ ai. Cho dù quan điểm thế nào, chúng ta phải thừa nhận, Sir Alex là một “GOAT - Vĩ đại nhất mọi thời đại” tuyệt đối của làng cầm quân Premier League nói riêng và thế giới nói chung.  

    Trong thời đại Sir Alex tại vị và sau khi ông nghỉ hưu, chúng ta đã chứng kiến nhiều HLV thực sự là những nhà chiến thuật giỏi như Massimiliano Allegri, Jupp Heynckes, Pep Guardiola, Jose Mourinho. Chúng ta cũng biết những HLV thuộc mẫu giỏi truyền cảm hứng như Zinedine Zidane, Diego Simeone hay Juergen Kloppp. Song, Sir Alex hội đủ cả 2 phẩm chất đó. Bạn nghi ngờ điều đó? Hãy để tôi đưa ra một minh chứng.

    Trong sự nghiệp của mình, chưa bao giờ Sir Alex được dẫn dắt một đội hình xuất sắc nhất thế giới, cũng như không được cấp nhiều tiền để mua bất cứ siêu sao nào ông thích như những HLV ở Real Madrid, Bayern Munich, Barcelona, Chelsea, Juventus…  Từ năm 1992 đến năm 2013, Man United của Sir Alex chỉ chi khoảng 513 triệu bảng cho việc chuyển nhượng.

    Tuy nhiên, với chừng đó tiền, ông đã tạo ra tối thiểu 3 siêu sao tầm cỡ toàn cầu là David Beckham, Wayne Rooney và Cristiano Ronaldo và 38 danh hiệu lớn nhỏ, trong đó có 13 Cúp Bạc Premier League cùng 2 danh hiệu vô địch Champions League.  

    Alex Ferguson vào thời điểm đến Man United năm 1986

    Ông đã dẫn dắt Man United - chỉ trong kỷ nguyên Premier League - trở thành CLB bóng đá vĩ đại nhất nước Anh, soán ngôi quán quân của Liverpool, CLB từng ngạo nghễ khinh miệt Man United: “Hãy đến đây khi nào có đủ 18 chức vô địch”.

    Thậm chí, đến bây giờ, Sir Alex vẫn là người giúp Man United có số danh hiệu vô địch nước Anh nhiều hơn The Kop - 20 so với 19 bất chấp Liverpool mới có chức vô địch Premier League lần đầu tiên. Người Liverpool đã phải khiêm nhường rất nhiều trước sự trỗi dậy mạnh mẽ trong chu kỳ dài của Man United.

    Chiến thắng của Man United không phải nhờ tiền mà là nhờ khả năng Sir Alex  khai thác rất hiệu quả khi vắt kiệt từng chút tiềm năng và năng lượng của những cầu thủ “dưới mức trung bình” mà ông có trong đội của mình, giúp họ trở nên tốt hơn để họ phục vụ đội bóng.

    Tất nhiên, ông cũng có những siêu sao như Cristiano Ronaldo, Wayne Rooney, Tevez… nhưng còn rất nhiều cầu thủ khác - dưới sự dìu dắt của ông - đã trở thành huyền thoại như Eric Cantona, Ryan Giggs, Ruud Van Nistelrooy, Andy Cole, Dwight Yorke… Có thể nói, những con người này đã nợ Sir Alex cả một sự nghiệp huy hoàng.

    Ngay cả những cái Tôi gai góc nhất như Roy Keane hay Cantona cũng bị con người mạnh mẽ của Sir Alex lôi cuốn. Bạn có thể gạt bỏ Roy Keane khỏi danh sách “người hâm mộ Sir Alex”, nhưng chẳng hề gì, bởi sự tôn kính của huyền thoại đương đại Cristiano Ronaldo đã đủ nói lên tất cả. Nhờ có tài đào luyện tài năng trẻ của Sir Alex mà Ronaldo có được sự nghiệp lẫy lừng cho đến tận ngày hôm nay.

    Sir Alex trở thành Manager của một CLB đang rệu rã, đã nhiều năm không vô địch

     

    NÓNG TÍNH SUỐT 27 NĂM CŨNG LÀ ĐIỀU VĨ ĐẠI

    Không dễ để có 27 năm dẫn dắt CLB thành công nhất nước Anh như Man United. Đó là một công việc căng thẳng, nơi cánh truyền thông liên tục theo dõi mọi lỗi lầm của người đứng mũi chịu sào và tìm ra mọi khuyết điểm.  

    Chúng ta cần nhớ rằng, Sir Alex là mẫu người thẳng thắn, nóng tính. Ông bộc trực trong các cuộc trả lời phỏng vấn, thậm chí nổi giận và chửi bới để bảo vệ cầu thủ và CLB. Ông không thích bất cứ ai tấn công mình hay đội bóng. Để trụ vững trong gần 3 thập kỷ trên cương vị Manager của Man United, ông phải có sự quả cảm của một con bò tót.

    “Vào cuối trận đấu này, Cúp Bạc Champions League sẽ chỉ còn cách các anh 6 bước chân và các anh sẽ không thể chạm vào nó nếu để thua. Đối với nhiều người trong số các anh, đây sẽ là điều kỳ diệu nhất mà các anh từng có được. Các anh không thể quay lại đây nếu không cống hiến hết mình”. Đây là điều khích lệ mà Fergie đã nói với đội bóng của mình vào giờ nghỉ giải lao của trận chung kết Champions League 1999 nổi tiếng và đó là một ví dụ hoàn hảo cho thấy ông giỏi truyền động lực và lên tinh thần - 2 thứ rất quan trọng trong bóng đá.  

    Đội bóng của ông đã để thua 1-0 cho đến phút 90 khi Teddy Sheringham gỡ hoà, và chỉ 2 phút sau, siêu dự bị Ole Gunnar Solskjær đã mang về chiến thắng cho Man United. Sir Alex không thích bỏ cuộc và bất kỳ ai từng bỏ cuộc đều không thể đứng trong đoàn quân của ông.

    Sau 3 năm, cuối cùng Alex Ferguson đã giúp Man United có danh hiệu đầu tiên: FA Cup 1989

    Manager Alex Ferguson chính là vua của các màn lội ngược dòng, thứ cũng làm nên sự nổi tiếng và bản sắc của Man United. Sự điên rồ của ông chính là nền tảng của bản sắc đó. Trong phòng thay đồ, ông là cơn cuồng phong, là máy sấy tóc cuốn phăng và làm khô máu mọi kẻ chùng lòng.  

    Ông không phải mẫu HLV thủ thỉ tâm tình với cầu thủ như Carlo Ancelotti, mà luôn cạo gáy từng sai lầm, nhồi nhét từng ký nhiệt huyết và lòng can đảm vào não cầu thủ như người ta nhồi bánh đúc cho gà vịt. Ông không thích những lời tử tế, uỷ mị, dân tuý mà thường dùng những ngôn từ hừng hực hơi nóng của giận dữ, cho dù đôi khi nó là con dao hai lưỡi.

    “David Beckham đứng cách tôi khoảng 6 mét và văng tục. Tôi bước về phía nó, khi đến gần, tôi đá vào một chiếc giày và chiếc giày bay thẳng vào vùng trên mắt của nó. Nó định nhồng lên phản ứng nhưng các cầu thủ khác đã ngăn cản. Tôi quát to: ‘Mày ngồi xuống thằng kia, mày đã làm cho cả đội thất vọng. Bây giờ mày thích biện minh gì, tao nghe”. Sir Alex kể lại vụ “chiếc giày bay” trong hồi ký của mình và đó là minh hoạ không thể chính xác hơn về bầu máu nóng của người Scotland, cũng như cách ông thống trị phòng thay đồ của Man United khi đó đã đầy rẫy những ngôi sao mới nổi.

    TRƯỚC KHÔNG CÓ AI, SAU CHƯA THẤY AI… NGANG TẦM  

    Khi Sir Alex Ferguson đảm nhận vai trò Manager của Man United, Tổng thống Mỹ Ronald Reagan còn ở Nhà Trắng, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher đang là chủ nhân của số 10 Phố Downing, Đặng Tiểu Bình đang khắc phục hậu quả của cuộc Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc và Cristiano Ronaldo mới rụng răng sữa. Đó là những mốc thời gian quá xa xưa mà có thể nhiều độc giả trẻ của Bongdaplus không thể biết đến.

    Quãng thời gian 27 năm dẫn dắt Man United của Sir Alex vượt xa 14 năm trị vì của Steve Jobs với tư cách là CEO của Apple hay 11 năm của Andy Grove ở cương vị CEO của hãng Intel. Không thể so sánh doanh thu kinh doanh giữa Man United và 2 gã khổng lồ về công nghệ thông tin trên bởi doanh thu của Quỷ Đỏ chỉ bằng 1/3 của 1% doanh thu thường niên của Apple.  

    Tuy nhiên, điều đó càng làm nổi bật sự vĩ đại của Sir Alex trong việc biến một CLB đang thối rữa vào giữa thập niên 1980 thành một nhãn hiệu nhượng quyền thương mại thành công nhất thế giới bóng đá trong suốt 2 thập kỷ. Đây là một kỳ tích mà có rất ít Manager hay CEO nào có thể làm được. Thành tích của hầu hết các HLV có tương quan chặt chẽ với số tiền mà giới chủ CLB đổ vào chuyển nhượng, như chúng ta đã và đang thấy ở Man City, PSG hay RB Leipzig.

    Hầu hết các Manager sẽ hoạt động theo hướng đó, sử dụng tiền của chủ để đem lại thành công.  Nhưng điều này không giống với Sir Alex, người đã lập nên những kỷ lục được tích lũy trong suốt bốn thập kỷ. Những thứ này đã trở thành thánh địa, một vùng đất cấm mà chúng ta khó có thể tìm thấy HLV hay Manager nào có thể chạm tới, chứ không nói là có thể vượt qua.  

    Ông đã nên các huyền thoại sân cỏ như Eric Cantona

    Ferguson đến Old Trafford sau 30 năm là cầu thủ và HLV của 3 CLB bóng đá ở Scotland gồm East Stirlingshire, St Mirren và Aberdeen. Tại thành phố công nghiệp, cảng biển mới của nước Anh, ông bắt đầu thể hiện khả năng lãnh đạo của mình.  

    Khi đến đây, ông được thừa hưởng một đội bóng tan rã và một CLB đã không giành được danh hiệu lớn nào trong nhiều năm. Điểm tích cực duy nhất mà ông có chỉ là lòng kiên nhẫn của những người sở hữu CLB vào thời điểm đó. Họ đã cho ông thời gian để thiết kế đội bóng, thứ đã trở thành xa xỉ với giới chủ hiện nay, những kẻ luôn xáo đổi vị trí Manager nhanh hơn tay ảo thuật xáo bài.

    Thế nhưng, cũng đã có lúc, Sir Alex bị nghi ngờ và đứng trước nguy cơ bị sa thải nếu không có Cúp FA 1989/90, nghĩa là 3 năm sau ngày được bổ nhiệm làm người dẫn dắt Quỷ Đỏ.  Đây là sự kiên nhẫn giá trị nhất thế giới bóng đá, bởi đến thời điểm rửa tay gác kiếm, ông đã đền đáp cho sự kiên nhẫn đó 38 danh hiệu, một SVĐ được mở rộng sức chứa lên 76.000 chỗ ngồi, một di sản huy hoàng, bất khả xâm phạm và một đế chế “Vô Đối” toàn cầu.  

    Ferguson có tính cách cực đoan. Khi còn trẻ và đầy nhiệt huyết, ông từng là lãnh đạo công đoàn, ủng hộ giai cấp công nhân thiên tả và Công Đảng. Ông là bạn thân của cựu Thủ tướng Anh Tony Blair. Nhưng ông cũng đề cao các giá trị bảo thủ của người Anh khi đánh giá phẩm chất một con người, đó là các đức tính chăm chỉ, sẵn sàng và đức trung thành.  

    Beckham trở thành ngôi sao toàn cầu cũng nhờ Sir Alex

    “Tôi là một kẻ khó tính nhưng tôi cũng là một kẻ công bằng”, Alex tự nhận xét về con người mình và đúng như vậy. Lớn lên ở Govan vào thời điểm đây là một trong những công xưởng đóng tàu lớn nhất thế giới, tuổi thơ của Alex trải qua một xã hội khắc nghiệt, khó khăn thời kỳ hậu Thế chiến II.  

    Đó là một xã hội mà các thần dân của Nữ Hoàng Anh vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng, trong nhà không có ti vi hay điện thoại, hoàn toàn khác xa một nước Anh đa chủng tộc ngày nay, nơi mọi cậu bé đều chí ít được sở hữu một đôi giày bóng đá xịn sò và có một tài khoản Facebook.

    Ferguson là một người đàn ông tinh tế và quyến rũ (mặc dù các trọng tài và các quan chức bóng đá không đồng ý lắm với nhận định này bởi họ đã vô số lần phải giơ mặt hứng chịu những cơn sóng thần ngôn ngữ  của Sir Alex, bị khuất phục trước ông, đến nỗi có thuyết âm mưu trọng tài bị thao túng).  


    Ngoài ra, ông là người cực kỳ tò mò, hay nói chuyện phiếm (với rất nhiều câu chuyện được đúc kết từ kinh nghiệm tiếp xúc với các các nhân vật hay ho, luôn tràn ngập testosterone trong cuộc đời). Và ông là một người có lòng tốt.  

    Sở thích của Sir Alex không chỉ gói gọn trong phạm vi bóng đá, mà còn cả ở các lĩnh vực như lịch sử chính trị, nghệ thuật hội hoạ (với hoạ sĩ yêu thích là Stanley Spencer), rượu vang (đặc biệt với một số nhà chưng cất danh tiếng ở Pháp) và nuôi ngựa đua (có thuyết âm mưu cho rằng, vì con ngựa đua Rock of Gibraltar mà ông đã vô tình khiến Man United rơi vào tay nhà Malcom Glazers).  

    Hay thành công nhất là với Cristiano Ronaldo

    NGƯỜI CHA CỦA MỌI NGÔI SAO  

    Giống như tất cả các Manager vĩ đại khác, Ferguson đã phải chấp nhận một cuộc sống bất đối xứng được xây dựng dựa trên khát vọng chiến thắng và sự cứng rắn. Đối với ông, mọi thứ đều xoay quanh bóng đá và đó là cốt lõi hành động quanh năm. Hướng dẫn cầu thủ tập luyện, làm nhiệm vụ trinh sát, chuẩn bị trận đấu, xử lý vấn đề tình cảm của các cầu thủ trẻ (và cha mẹ của họ), đàm phán với các nhà đại diện và tranh luận với báo chí (nhiệm vụ này ngày càng mệt mỏi đối với Ferguson)… là công việc hàng ngày của ông tại Man United.  

    Trong phòng khách ở những khách sạn mà Sir Alex lưu trú, tivi luôn bật kênh bóng đá, và bất kể đang bận làm gì, ông vẫn để mắt đến đối thủ cạnh tranh. Cách chiến thắng của ông không đến trong trận đấu mà là từ những thứ thể hiện tầm nhìn xa khác người của ông. Ông coi yếu tố luôn chuẩn bị sẵn sàng và không ngừng nghỉ dù đang ở trên đỉnh vinh quang là nền tảng tạo nên di sản muôn đời. Không phải ngẫu nhiên mà Sir Alex có niềm yêu thích đặc biệt với những cầu thủ vẫn ở lại tập thêm sau giờ tập chính thức.  

    Dưới thời Ferguson, Man United là một đạo quân cùng nói chung một tiếng nói. Đó là tiếng nói của uy quyền, được đúc kết từ nhiều năm kinh nghiệm. Với trường hợp của Sir Alex, tiếng nói đó được thể hiện qua phong cách bóng đá tấn công và không chịu lùi bước. Nhiều chiến thắng của Man United đến trong những phút cuối của trận đấu ăn miếng trả miếng với các đối thủ lớn và chúng là ví dụ minh hoạ cụ thể cho tiếng nói của Sir Alex, của Man United dưới thời của ông.  

    Trong đời cầm quân của mình, Sir Alex cũng có những thương vụ bom tấn nhưng, ở mặt cốt lõi, ông hiểu rõ rằng, những đội bóng vĩ đại phải được xây dựng tốt từ bên trong. Không phải ngẫu nhiên mà một số huyền thoại xuất sắc nhất của Man United trong 20 năm qua đều được đạo tạo ở đây khi còn tấm bé, điển hình như thế hệ 1992 hay Ryan Giggs, người mà ông ký hợp động khi 14 tuổi và cống hiến toàn bộ 25 năm sự nghiệp cho Quỷ Đỏ.  

    Sir Alex cũng giỏi nhào nặn những cầu thủ bình thường thành ngôi sao như với Ryan Giggs

    Đối với cầu thủ trẻ, Alex Ferguson là Chính Phủ, là Ông Chủ, là Bố Già, là Người Cha Tinh Thần, thậm chí là Ông Bố mà họ chưa từng có. Cách tiếp cận ở Man United hoàn toàn trái ngược với các đại gia khác ở Premier League, nơi các siêu sao được tập hợp bằng những khoản tiền khổng lồ từ các nhà tài phiệt hoặc các tiểu quốc dầu mỏ.  

    Trong khi Ferguson, giống như tất cả các nhà lãnh đạo vĩ đại, là một nhà tâm lý học lão luyện, biết cách xoa dịu những kẻ bất an, biết cách xử lý những kẻ lười biếng, biết cách nâng cao sức mạnh và sự tự trọng của các cầu thủ, chưa bao giờ bối rối trước vấn đề gì mà CLB gặp phải.

    Ông sẵn lòng trục xuất một David Beckham (đã bắt đầu kiêu ngạo và ảo tưởng) cho dù quyết định này khiến Man United bị Real Madrid cướp mất ngôi quán quân về kiếm tiền. Ông cũng thoải mái để Cristiano Ronaldo ra đi theo nguyện vọng và cam kết. Ông rút phép thông công luôn cả Roy Keane, đội trưởng kỳ cựu với 480 lần trận cho CLB chỉ vì mắc phải sai lầm chết người khi đưa ra những nhận xét mang tính xúc phạm một số đồng đội. Wayne Rooney là nạn nhân lớn sau cuối của Sir Alex chỉ vì trót ngạo mạn khi ông già gân vẫn còn đứng đó.

    Hãy tưởng tượng xem, Sir Alex sẽ xử lý Paul Pogba và tay đại diện Mino Raiola như thế nào ở vụ phát ngôn “bố láo, bố lếu” cách đây chưa lâu hay suốt trong 4 năm qua. Chắc chắn đó sẽ là một cú “xúc đất hắt đi” không thèm nghĩ suy lấy 1 giây, y hệt ngày xưa ông hắt hủi thằng nhóc Pogba trẻ trâu ở đội trẻ vậy.  

    Những đóng góp của ông cho bóng đá Anh đã giúp ông được Nữ hoàng Anh phong tước Hiệp Sĩ Hoàng Gia

    KHỐN NẠN NHƯ ÔNG ĐƯỢC MẤY NGƯỜI?  

    Khi Sir Alex Ferguson nằm trong phòng cấp cứu đặc biệt để phẫu thuật chứng xuất huyết não vào hồi tháng 5 năm 2018, có cảm giác ông vẫn không để mất sự kiểm soát, thậm chí còn muốn được đọc trước cáo phó mà báo chí viết về mình, như hồi xưa ông ngồi đọc kỹ từng bài viết về Man United vậy.

    Một phóng viên của tờ The Guardian có mặt trong phòng chăm sóc hậu phẫu sau khi Alex trải qua ca phẫu thuật thập tử nhất sinh còn mô tả rằng trong lúc lơ mơ, cựu HLV của Man United vẫn cố dứ dứ một tờ báo viết không đúng về ông để doạ dẫm phóng viên nào đó trong không trung. Nhiều người lúc đó đã nghĩ đến việc Sir Alex bị Thần Chết khuất phục, nhưng không, 24 giờ sau ca phẫu thuật, ông đã chiến thắng Thần Chết, cũng đúng vào phút 90 bằng một cách nào đó, có thể là mà một nguồn sức mạnh khác hẳn người thường.

    Sức mạnh đó của ông khiến các đối thủ cũng phải kính phục, ví dụ như Jose Mourinho ở thời điểm đang đắc ý tại Chelsea. Chúng ta hãy nhớ rằng, Mourinho đã khóc khi không được Sir Alex chọn là người kế vị, thay vào đó là một người Scotland khác: David Moyes. Cho dù Alex từng coi Mourinho là đối thủ đáng gờm nhất trong sự nghiệp của mình nhưng ở giữa họ vẫn là tôn ti trật tự.

    Khi Mourinho còn tung hoành tại London, trong phòng làm việc của Sir Alex bao giờ cũng có một cặp vang pinot noir hảo hạng, dùng để mời Mourinho mỗi khi Chelsea đến làm khách của Man United. Ông hóm hỉnh: “Chơi vang thế mới chất, chứ uống gì thứ nước đái ngựa nhạt toẹt mà Mourinho mang đến đây”.

    Alex nói điều này khi ông vừa ăn mừng sinh nhật 65 được vài tháng. Ông còn kiêu ngạo nói thêm: “Các anh vẫn chưa ăn được lão già này đâu. Bất kể các anh muốn khiêu chiến bao nhiêu lần đi nữa. Tôi vẫn cứ ở đây và nói những lời cuối cùng để tiễn các anh”.  Thế nên, Sir Alex luôn muốn là người nói lời cuối cùng, kể cả trong cáo phó của mình.

    Ngay cả khi Man United vô địch Champions League tại Camp Nou vào năm 1999, Ferguson vẫn yêu cầu trợ lý phải kiếm được mọi ấn bản báo chí đầu tiên viết về trận đấu đó. Hồi đó, những bài viết đều được thực hiện tại Camp Nou, theo kịch bản Man United thua Bayern để còn kịp gửi về toà soạn. Chúng đầy rẫy những đoạn chắp vá sống sượng để chuyển đổi lại thành sự ca ngợi màn lội ngược dòng của Quỷ Đỏ ở phút 90.  

    Alex rất khoái trá khi phát hiện ra điều đó, nhất là khi ông so sánh với những bài viết muộn hơn tràn ngập những “Glory, glory Man United” với “Siêu phẩm Ole”, “Địa ngục đẫm máu”. Ông không tin lắm vào những gì báo chí viết, đặc biệt là về mình, về bản cáo phó của đời mình.

    Thêm vào đó, có một Ferguson khác, rất khác so với cách ông xuất hiện trên truyền hình hay báo chí. Không phải lúc nào ông cũng như bức tranh biếm họa: nhân vật quyền lực có khuôn mặt bằng đá lửa, nhai kẹo cao su đầy đe doạ, chỉ vào đồng hồ bấm giờ, những luồng khói độc màu đỏ bốc ra từ tai…  Ở phiên bản Ferguson này, bạn bè và đồng nghiệp của ông thường mô tả rằng là có  tính cách mềm mỏng, có khả năng đắc nhân tâm nhờ lòng hào hiệp và sự tử tế.

    Ông thường gọi điện để an ủi và tư vấn một HLV nào đó đang gặp khó khăn hay vừa bị sa thải, thậm chí mời đến làm việc ở Man United. Khi hay tin tay cơ Paul Hunter bị ung thư ở giai đoạn di căn, ông đã gửi một tin nhắn video cho cựu vô địch Snooker này để nói rằng VĐV nên tự hào về tất cả những gì đã đạt được, đồng thời khen ngợi sự dũng cảm của Paul. Đáng nể hơn, Alex chưa bao giờ gặp Paul hay có quan hệ gì cả.  

    Hay như câu chuyện của David Meek, cựu phóng viên của tờ Manchester Evening News. Năm 2003, Meek bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư và phải thông báo với Ferguson rằng anh không thể hoàn thiện nốt bài viết của mình về Alex Ferguson. “Ông ấy muốn biết lý do và tôi nói về việc sắp nhập viện để trị bệnh ung thư. Ông ấy liền nhìn vào mắt tôi và nói những lời tôi thực sự muốn nghe: Này, cậu làm được!

    Khi tôi đến bệnh viện, một bó hoa to tướng đã chờ đợi sẵn ở đó. Một tuần sau, khi tôi đang dưỡng bệnh tại gia, điện thoại reo và một giọng nói gầm gừ ở đầu dây, không cần giới thiệu mình là ai: Con quái vật Scotland đang trên đường tới’. 20 phút sau, ông ta đứng trước cửa nhà tôi”, Meek kể lại.
     
    Nhân tiện, đây không phải là một bức thư tình viết nhân dịp Sir Alex bước sang tuổi 80. Đôi khi, rất khó để so sánh những đặc điểm hấp dẫn và những điểm xấu xí của Alex Ferguson. Ngay cả việc giới thiệu bản thân với ông cũng có những thách thức. Mắt ông nheo lại, lông mày nhăn tít, đưa ra câu hỏi cộc cằn “Anh là ai?” rồi nhìn chằm chằm bằng đôi mắt bé tí, không thể đọc vị.  

    Khi còn dẫn dắt Quỷ Đỏ, Ferguson không bao giờ có đội truyền hình trong các cuộc họp báo của mình. Không có máy ảnh và đó là nguyên tắc, chỉ trừ một vài trường hợp đặc biệt hi hữu. Alex có thể độc tài và thù địch, tính khí khó chịu như tiếng còi báo động ăn trộm xe ô tô, và có lẽ cũng vì thế, Man United trở thành CLB đáng ghét nhất thế giới, ngoài yếu tố thành công.  

    Nhưng Sir Alex vẫn “phớt Ăng-lê” bởi ông biết rằng, mỗi Manager thành công đều có lúc phải là một kẻ khốn nạn. Ông rất giỏi “khốn nạn” khi cần thiết, đưa cánh báo chí, trọng tài, quan chức bóng đá, FA, đối thủ, đồng nghiệp, anti-fan... vào vòng thao túng của mình ở những thời điểm khác nhau.

    Tuy nhiên, ông có đặc quyền để làm chuyện đó, để đứng trên tất cả bởi không một ai vĩ đại như vậy trong nghề HLV. Không ai có thể làm Manager một CLB bóng đá ở đỉnh cao lâu như ông. Không ai đánh bại được cả hệ thống như cách ông đã làm trong 27 năm của mình tại Old Trafford. Alex Ferguson đã tồn tại chừng đó năm, ngày nào cũng bắt đầu làm việc từ 6 giờ sáng đến đêm khuya, ngủ ít đến khó tin và giành được nhiều danh hiệu đến mức có thể phủ kín Old Trafford bằng những món đồ bạc rỗng lòng đầy kiêu hãnh.

    Một đời Manager của Alex Ferguson lâu hơn 24 HLV ở Real Madrid, 18 HLV ở Chelsea và 14 HV ở Man City. Ông đã chứng kiến 5 đời Thủ tướng Anh đến và đi gồm Margaret Thatcher, John Major, Tony Blair, Gordon Brown và David Cameron.

    Cố huyền thoại Matt Busby đã 62 tuổi khi rời Old Trafford. Bill Shankly rời Liverpool ở tuổi 60. Bob Paisley gắn bó với Anfield cho đến năm 64 tuổi. Brian Clough 58 tuổi khi khép lại triều đại của mình tại Nottingham Forest. Nhưng tất cả vẫn thua xa Alex Ferguson, người rời Old Trafford khi 72 tuổi, với một chiếc máy trợ tim trong lồng ngực và một xương hông đã bị thay thế. Tờ Daily Telegraph từng gọi ông là Người - Đàn - Ông - Không - Thể - Nghỉ - Hưu.

    Để đổi lại, sự nghiệp HLV của Sir Alex chứng kiến 49 danh hiệu vô địch, trong đó có 13 Cúp Bạc Premier League (bằng số danh hiệu vô địch nước Anh của Arsenal trong suốt lịch sử 134 năm của mình), 2 Champions League, 2 Cúp Liên Lục Địa, 1 Cúp C3 châu Âu, 5 FA Cup, 4 Cúp Liên đoàn, 1 Siêu Cúp châu Âu và 10 Community Shield.  

    Sir Alex cũng 10 lần được bầu chọn là Manager xuất sắc nhất năm, 27 lần là Manager xuất sắc nhất tháng. Đôi khi, chúng ta thấy các danh hiệu này nhiều đến lố bịch. Tuy nhiên, thành công của Sir Alex trong bóng đá còn vượt xa những thứ vừa kể trên. Không nghi ngờ gì nữa, ông là nhân vật quan trọng nhất và có ảnh hưởng nhất trong kỷ nguyên Premier League, người đã giành chức vô địch đầu tiên của thể thức này khi nó xuất hiện và giành được nhiều chức vô địch Premier League nhất có lẽ trong cả... 100 năm nữa.  

    Chúc mừng sinh nhật 80 của ông già gân Alex Ferguson

    Năm 1986, ông đã tiếp quản một CLB thất bại, không biết vô địch là gì từ năm 1967. 3 năm sau, Man United vẫn trắng tay và CĐV đã giương băng rôn chết giễu: “3 năm vứt đi, Man United vẫn tào lao bí đao. Fergie hãy ra đi”. Khi Alex nghỉ hưu, một biểu ngữ khác lại xuất hiện tại Old Trafford: “23 năm vô địch, chúng ta vẫn trên đỉnh. Fergie đã ra đi”. Đúng vậy, cụm từ “Ta-ra” đã trở thành huyền thoại. Ta-ra là ra đi nhưng không phải với Sir Alex Ferguson.

    Bởi đây là huyền thoại vĩ đại nhất nước Anh, là Manager thành công nhất trong lịch sử bóng đá Anh. Sự vĩ đại của con người vào hôm nay 31/12/2020 bước sang tuổi 80 này đủ để che lấp những Pep Guardiola, Juergen Klopp đang đắc thắng tại Premier League. Ở ngưỡng “bát tuần”, Sir Alex trông vẫn khoẻ mạnh, da hồng hào, cho dù mái tóc màu hạt dẻ khi mới đến Old Trafford giờ đã bạc trắng như mây. Ông vẫn quan tâm đến Man United nhưng như một CLB để cổ vũ chứ không phải sự đau đáu khi xưa. Ông già gân vẫn cứ rất gân!

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay