Sau khi giành hai chức vô địch liên tiếp vào các năm 1924 và 1925 cùng Huddersfield, Chapman chuyển sang Arsenal, khi đó còn chưa giành được bất kỳ danh hiệu nào, và lên một kế hoạch xây dựng đội bóng trong 5 năm. Cùng với ông, Arsenal đã giành 2 chức VĐQG và một cúp FA.
“Sau đó, đột nhiên vào tháng 1/1934, Chapman qua đời. Bị cảm lạnh, ông không nghe lời khuyên của bác sĩ, cố đi từ London đến vùng lân cận Surrey để xem đội hạng ba của Arsenal đánh bại Guildford City với tỷ số 4-0. Ngày hôm sau, ông bị viêm phổi. Chapman đã qua đời vào sáng ngày trận đấu của Arsenal gặp Sheffield Wednesday, trận đấu diễn ra đúng lịch. Ông chỉ mới 55 tuổi” - Trích The Atheltic.
Chapman chính là cha đẻ của sơ đồ WM, hệ thống chiến thuật được xem là “phát kiến” vĩ đại bấy giờ. Lần đầu tiên trong lịch sử bóng đá, một đội bóng chơi tấn công theo hình thái thực sự có tính tổ chức. Tức Chapman là một trong những HLV đầu tiên biến bóng đá thành một trò chơi diễn ra có tổ chức, có hệ thống và sự sắp đặt.
Nhưng thật bất ngờ, sự phát triển đó lại làm ông nuối tiếc. Ngay sau khi Chapman qua đời, nhà xuất bản Garrick đã tập hợp một số bài viết của Chapman trên tờ Daily Express biên soạn thành một cuốn sách, và đáng chú ý là trong nhiều bài viết, HLV huyền thoại này đã phản biện mạnh mẽ về việc các hệ thống chiến thuật đang làm lu mờ những cá nhân như thế nào.
Chapman viết rằng một số cầu thủ mà ông ưa thích từ 10 đến 20 năm trước, nếu thi đấu trong những trận đấu của những năm 1930, “sẽ phải thích ứng với việc tính cá nhân ít được coi trọng hơn, và phải nỗ lực vì sự đồng đều hơn so với những gì được cho là cần thiết trong thời đại của họ”.
“Bóng đá ngày nay thiếu vắng những nhân vật giống như 20 hoặc 30 năm trước”, ông viết. “Điều này, tôi nghĩ, là đúng với tất cả các môn thể thao, và lý do chúng xảy ra có thể làm thành một nghiên cứu tâm lý học tuyệt vời. Cuộc sống mà chúng ta đang sống đã thay đổi rất nhiều: nhịp độ, sự thích thú và cảm xúc mà chúng ta khao khát là những yếu tố mới đã gây ảnh hưởng phiền toái. Chúng đã làm sụp đổ tính cân bằng cũ giữa tinh thần và thể chất”.
Premier League đến giờ đã đi rất xa so với thời của Chapman, trở thành giải đấu đáng theo dõi nhất hành tinh, và CLB đang thống trị nó là Man City của Pep Guardiola, một biểu tượng của tính hệ thống và sự hợp lý.
Pep, nói không ngoa, thực sự là một mẫu Chapman mới của bóng đá hiện đại: tôn thờ tính hệ thống, và luôn muốn mang đến những phát kiến mới cho hệ thống. Đội bóng của ông là một hệ thống tiệm cận sự hoàn hảo, và với nó, Man City đã làm được điều mà chưa đội bóng Anh nào làm được trong lịch sử: vô địch Premier League 4 lần liên tiếp.
Điều kỳ lạ là những cuộc thảo luận về việc một trò chơi nên giữ được tính cá nhân hay có tính hệ thống vẫn tạo ra những quan điểm trái chiều hệt như những gì Chapman đã viết gần một thế kỷ trước: có nhiều người đã bình luận vui rằng Pep đã “giết chết” sự sáng tạo trong bóng đá, qua việc phát triển những hệ thống hoàn hảo đến mức các cá nhân không có lựa chọn đáng kể nào khác ngoài việc chấp nhận phục tùng nó.
Tức là cuối cùng thì chúng ta đang trở lại với một cảm giác không mới, nhưng rất con người: dù lý trí đưa chúng ta đi xa đến đâu và đạt được nhiều thành tựu vĩ đại ra sao, thì con người vẫn quan tâm tới cảm xúc, và nuối tiếc những cảm xúc đã có. Trong một giai đoạn mà các triết lý chiến thuật đạt tới độ rực rỡ bậc nhất trong lịch sử, thì người xem lại tiếc nuối tính cá nhân.
Rất khó để phân định đúng sai, và con người một thế kỷ sau sẽ luôn phân vân như vậy. Nhưng hãy trở lại với cái chết của Chapman: ông đang bị cảm lạnh, nhưng cuối cùng lại phớt lờ lời khuyên của bác sĩ để đi xem một trận bóng khá “vô thưởng vô phạt”, rồi cuối cùng mất mạng.
Một con người lý trí mạnh đến nỗi đủ sức tạo ra một cuộc cách mạng về chiến thuật, cuối cùng đã chọn hành động xem cảm xúc, và phải trả một cái giá rất đắt. Một con người vĩ đại cũng có thể kết thúc cuộc đời một cách lạ lùng như thế, chỉ vì một quyết định dựa trên cảm xúc.
Nhưng có lẽ nếu thời gian quay trở lại, Chapman vẫn sẽ lựa chọn đi xem trận đấu ấy thôi, vì nếu không yêu bóng đá đến nhường ấy, ông cũng sẽ chẳng thể đeo đuổi các suy nghĩ về nó để tạo ra một thứ bóng đá giàu lý trí đến vậy.
Rạng sáng mai, Premier League khởi tranh. Chúng ta nhớ về một huyền thoại đã sống bằng lý trí, và chết theo cảm xúc của mình. Bóng đá phát triển nhờ lý trí tột cùng, nhưng bất tử nhờ cảm xúc tột cùng.
Bóng đá Anh đang có tất cả những điều đó. Những bộ óc lớn, và cả những trái tim nhiệt tình, dũng cảm và nồng ấm.