Bóng Đá Plus trên MXH

» Châu Âu» Anh
Big story
Phòng thay đồ Arsenal nát như tương vì TIỀN LƯƠNG
 

Phòng thay đồ Arsenal nát như tương vì TIỀN LƯƠNG

Không có gì chia rẽ phòng thay đồ của một CLB bóng đá, ví dụ như Arsenal, mạnh mẽ bằng tiền. Sự độc hại của việc "lương thấp, lương cao" sẽ khiến tình nghĩa đồng đội hoá thành tro.
 
 

Arsenal có lẽ là CLB nhận thức rõ nhất vấn đề không có gì phân chia một phòng thay đồ giống như vấn đề tiền. Ở phòng thay đồ của Pháo thủ, có 13 cầu thủ ủng hộ việc giảm lương và 14 người chống. Phòng thay đồ này giờ như WhatsApp vậy, với những nhóm chát khác nhau, với chủ đề thảo luận về tiền lương trong những ngày này.

Trong một số trường hợp, cầu thủ được yêu cầu đưa quan điểm đồng ý hay không đồng ý bằng ký hiệu. Trong một số trường hợp khác, họ cử ra một người đại diện lấy quan điểm chung, thường là người của PFA hoặc thủ quân của đội bóng.

Nhưng sẽ làm thế nào khi có tới 25 ý kiến khác nhau chỉ ở một phòng thay đồ? Nếu nhận thức được sự khác nhau giữa việc bị chậm lương và bị giảm lương thì quá tốt, cho dù ngay cả việc chấp nhận nhận lương muộn cũng chẳng dễ dàng gì. Mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, do đó, mỗi cầu thủ có cách ứng xử về vấn đề lương khác nhau.

Một số cầu thủ đã cố gắng tìm kiếm một sự tích cực giữa các cuộc đàm phán về chuyện cắt giảm hay chậm lương và đưa ra quan điểm rằng, về cơ bản, bị chậm lương cũng đã là tiết kiệm khối tiền cho CLB rồi. Nhưng những người khác lại không thấy đó là thuyết phục.

Công bằng mà nói, tình hình không đơn giản. Tại các CLB, nơi các khoản thanh toán tiền thưởng cao ngất ngưởng luôn được thực hiện đúng hạn thì việc chậm lương đương nhiên sẽ gây hoài nghi và mất đoàn kết giữa cầu thủ và BLĐ CLB, và giữa các cầu thủ với nhau.

Ví dụ, tại Watford, các cuộc đàm phán về việc chậm lương đã khiến một số cầu thủ phẫn nộ vì dài cổ chờ đợi những khoản tiền thưởng được treo theo kết quả thi đấu thậm chí ở cả mùa trước. Sự nghi ngờ ngày càng lớn khi những lời hứa của lãnh đạo CLB ngày càng giống hươu hoặc vượn.

Hiểm hoạ phân rã xuất hiện ở mọi CLB gặp vấn đề thiếu minh bạch về tiền lương và nhiều HLV đã lo ngại về sự sụp đổ có thể xảy ra khi chứng kiến những màn xì xầm trong các nhóm chát, ngay cả khi các buổi tập và thi đấu lại chưa diễn ra. Tâm lý của cầu thủ trở nên bất an khi họ không được nhận tiền, không biết CLB dùng tiền của mình như thế nào và tương lai sẽ ra sao.

Liệu việc một cầu thủ từ chối hy sinh dù chỉ một xu lương có thể không ảnh hưởng đến tâm tư của đồng đội chăng? Không, đó là điều hoang đường. Và càng tranh luận về tiền trên WhatsApp, càng nhiều bất đồng nảy sinh và làm hỏng sự đoàn kết của tình đồng đội. Điều gì sẽ xảy ra khi một hoặc nhiều cầu thủ bất mãn, không muốn thi đấu khi bóng đá trở lại?

Đấy hoàn toàn không phải những câu hỏi dễ trả lời. Vấn đề khó khăn nhất không phải là việc cầu thủ đồng ý hay không đồng ý với việc chậm lương hay giảm lương mà là CLB sẽ làm thế nào để khiến phòng thay đồ không bị rối loạn. Họ có thể loại bỏ những kẻ cứng đầu nhưng hậu quả của việc đó còn lớn hơn rất nhiều.

Một cầu thủ ở Arsenal giấu tên cho biết ý kiến: "Tôi cho rằng mọi thứ đang tồi tệ đi bởi vì lãnh đạo CLB đã không nhìn thấy trước điều này, không nói chuyện với chúng tôi hằng ngày. Nhưng nếu họ đi sâu đi sát với cầu thủ, cùng chia sẻ buồn vui với chúng tôi, mọi thứ sẽ dễ dàng hơn".

Như thế, chúng ta có thể thấy vai trò rất quan trọng của một thủ lĩnh trong phòng thay đồ, người hiểu được khó khăn của CLB và mong muốn của đồng đội để đưa ra thoả hiệp. Nếu không có một nhân vật như thế, vào những hoàn cảnh này, phòng thay đồ sẽ trở thành một cơn ác mộng.

Đôi khi, các cầu thủ cũng cần ai đó ra lệnh cho mình và những cầu thủ khác phải làm gì và mệnh lệnh đó phải được tôn trọng. Nếu không, sẽ xuất hiện những lời phản đối: "Tôi không nhả dù chỉ một cắc mẻ. Nó là tiền của tôi. Nó được ghi trong hợp đồng. Tại sao tôi lại trả lại cho CLB khi không vi phạm kỷ luật, đi muộn hay gây scandal? Tôi không có lỗi gì mà phải mất tiền".

Về lý thuyết, các cầu thủ chủ chốt nên nắm quyền kiểm soát trong quá trình đàm phán và chăm sóc lợi ích của những đồng đội non trẻ hoặc đang nhận lương thấp hơn trong đội. Đó sẽ là những người thường lo lắng về việc lên tiếng hoặc quá quan tâm đến việc bị ảnh hưởng về lương bổng.

 

Có một vấn đề thú vị khác xuất hiện trong các cuộc đàm phán giữa các cầu thủ và CLB liên quan đến kỳ chuyển nhượng mùa Hè. Cầu thủ, những người sẽ hết hạn hợp đồng vào tháng Sáu tới, sẽ không muốn bị chậm lương, không muốn nhìn cảnh CLB dùng lương của mình để mua tân binh và trả lương cho người mới đến. Thế nên, nhất quyết không chịu chậm lương.

Thật dễ dàng để thấy tại sao các CLB đã đau đầu vì toàn bộ vấn đề này. Đối với nhiều HLV, những người thường dành cả ngày trên sân tập và để lại khâu tài chính cho chủ tịch, giám đốc điều hành hoặc GĐTT quản trị, đây là vấn đề mà các HLV không nắm rõ để có thể thường xuyên thảo luận về việc trả tiền với cầu thủ.

Nhận thức có thể nhanh chóng thay đổi. Một HLV đúc kết như sau: "Về mặt tâm lý của cầu thủ, khi bạn nói đến chuyện tiền nong và lấy tiền của họ, bạn sẽ thấy trước mặt mình là một con thú đang điên cuồng bảo vệ miếng ăn của mình. Một con thú hoàn toàn.

Tôi nghĩ đó là một điểm thực sự thú vị về những gì chúng ta nói về tác động có thể có trong phòng thay đồ. Nó mang tính chất cá nhân trọng việc cầu thủ chấp nhận chậm lương một cách tự nguyện. Bóng đá là một môn thể thao đồng đội, và do đó, nó cần sự đoàn kết của toàn đội trong việc giảm lương hay giành 3 điểm".

Trong khi các cuộc đàm phán tiền lương đang diễn ra tại các CLB, Arsenal là một trường hợp nghiên cứu hấp dẫn. Đến thứ Sáu tuần trước, phần lớn các cầu thủ Arsenal đã đưa ra thỏa thuận bằng văn bản cho đề xuất cắt giảm 12,5%. Arsenal đã hy vọng có sự nhất trí của toàn đội nhưng thỏa thuận này là tự nguyện của số đông và nó sẽ được thực thi cho dù nhóm thiểu số có đồng ý hay không?

Các cuộc đàm phán về tiền lương của Arsenal đã gây ra khá nhiều sự chia rẽ trong nội bộ từ trước đây, cho đến khi HĐQT ra mắt HLV trưởng Mikel Arteta. Sự can thiệp của HLV người Tây Ban Nha đã làm thay đổi cuộc chơi, và từ giờ, HLV sẽ tham gia vào các cuộc đàm phán trả tiền với cầu thủ.

Như thế, quyết định trả lương cho cầu thủ bao nhiêu không còn là một quyết định tài chính đơn thuần. Làm thế nào bạn có thể nhận được lương cao nếu nhân vật đại diện cho giới chủ CLB hiểu được "chuyên môn ngồi dự bị" của bạn, bởi vì ông ta là HLV trưởng?

Mặc dù Arteta đã nói rằng ông sẽ tôn trọng mọi quyết định trong hợp đồng của các cầu thủ, nhưng ông cũng khuyến khích đội của mình chấp nhận cắt giảm lương. Sau khi cuộc gọi nhóm kết thúc, Arteta tiếp tục trò chuyện một đối một với một số cầu thủ. Về cơ bản, màn tâm sự của ông đủ để xoay chuyển tình thế và dẫn đến cam kết giảm lương trên.

Đầu tuần này, Arsenal đã đưa ra một tuyên bố thông báo một thỏa thuận tự nguyện đã đạt được, nhưng những gì thế giới thấy vẫn là nhiều bất ổn và thiếu đoàn kết. Một số lượng cầu thủ đáng kể vẫn không hài lòng về cách thức mà CLB đã thực hiện việc cắt giảm lương của mình.

Arsenal ban đầu truyền đạt đề xuất của họ thông qua Hector Bellerin - đại diện PFA của họ và là người đã chuyển tiếp tin nhắn qua một nhóm WhatsApp. Điều đó ngay lập tức đặt một số cầu thủ vào tình thế "khó chịu" và khiến họ tự hỏi tại sao CLB không trực tiếp làm việc với họ về một vấn đề quan trọng như vậy.

Những người khác tự hỏi liệu có công bằng cho các cầu thủ trẻ - một số vẫn chưa đầy 20 tuổi - khi phải xử lý một tình huống tài chính phức tạp như vậy. Nhiều người thấy rằng, có cảm giác như bị bịt mắt. Những từ ngữ như "bị ép buộc", "bị thao túng", cũng đã được dùng để mô tả cảm nhận của cầu thủ. Song Arsenal vẫn cho đây là những cuộc thảo luận tích cực và mang tính xây dựng.

Những cầu thủ phản đối đều có 1 câu hỏi: Tại sao chúng tôi được yêu cầu cắt giảm trong khi các CLB khác như Southampton chỉ áp dụng cách chậm lương? Doanh thu mới cập nhật của Arsenal cho mùa 2018/19 là 367,5 triệu bảng còn của Southampton là 149,5 triệu bảng.

Vậy số tiền này đi đâu? Có đảm bảo nó sẽ được dùng để bảo vệ các công việc khác? Tại sao phải cắt giảm lương tới 12 tháng khi không ai biết rõ tác động tài chính thực sự của cuộc khủng hoảng COVID-19? Tại sao lại là con số 12,5%? Là chủ sở hữu sẽ bỏ tiền túi ra bao nhiêu?

Trên thực tế, có nhiều câu hỏi hơn câu trả lời. Việc thế giới nằm gọn trong tầm tác hại của đại dịch COVID-19 đã giải thích rất nhiều nhưng không phải là tất cả. Một số người thắc mắc liệu có yếu tố cơ hội nào của CLB "nhân dịp tiện tay dắt dê" này không?

Họ vẫn nhớ lời của Josh Kroenke, con trai của ông chủ Stan, từng phàn nàn rằng: "Arsenal đang phải trả tiền lương Champions League trên ngân sách Europa League". Do đó, cầu thủ Arsenal cho rằng, động cơ thực sự của việc cắt giảm lương không phải vì lý do khó khăn do đại dịch gây ra.

 

Thật thú vị khi nghe những suy nghĩ của Erkut Sogut, người đại diện của Mesut Oezil. Rõ ràng, Sogut đã không nói cụ thể về Arsenal nhưng ai cũng hiểu là thế khi ông ta đề cập đến vấn đề cắt giảm lương và chậm lương.

"CLB không thể đưa ra một đề xuất cho một cầu thủ ở đội một và sau đó yêu cầu anh ta đi gặp toàn bộ phần còn lại để thuyết phục mọi người đồng ý thực hiện. Đó không phải là cách các cuộc đàm phán hợp đồng cá nhân nên diễn ra. CLB thậm chí có thể yêu cầu HLV đội một đàm phán với cầu thủ.

Và điều này chắc chắn ảnh hưởng đến một số người, đặc biệt là những cầu thủ trẻ, hoặc những người chưa có vị trí chính thức vì họ sợ rằng có thể gặp bất lợi cho sự nghiệp nếu lắc đầu. Trong những trường hợp đó, có thể nghi ngờ rằng bất kỳ sự đồng ý nào từ cầu thủ sẽ bị ràng buộc về mặt pháp lý vì một số cầu thủ không ở vị trí tốt để đưa ra sự đồng ý thực sự", Sogut nói.

Chúng ta có thể thấy rõ Oezil là một trong những cầu thủ của Arsenal đã từ chối chấp nhận cắt giảm lương. Arsenal sẽ cố gắng xem liệu tình huống đó có thay đổi hay không, nhằm tiết kiệm từ 25 triệu đến 30 triệu bảng trong việc trả lương cho Oezil mỗi năm. Nhưng với giá nào?

Trên thực tế, Arsenal là CLB Premier League duy nhất tuyên bố cắt giảm lương cho đến nay. Có nghĩa là những gì đạt được trên bảng cân đối kế toán sẽ bị mất trên sân?

Nó sẽ diễn ra như thế nào trong phòng thay đồ và trong suy nghĩ của Arteta, nếu một số cầu thủ không chấp nhận các điều khoản của CLB? Những người chấp nhận có mất tôn trọng với kẻ cứng đầu Oezil hay không ai thèm quan tâm nếu Arsenal vẫn cứ giành 3 điểm?

Chênh lệch tài chính đã là một vấn đề tại Arsenal. Oezil là cầu thủ được trả lương cao nhất CLB với mức lương 350.000 bảng mỗi tuần. Khoản tiền anh ta kiếm được trong 7 ngày nhiều hơn những gì hậu vệ cánh trái tuổi teen Bukayo Saka kiếm trong cả năm.

Không ai trong đội muốn tăng lương cho Saka mặc dù CLB rất muốn thưởng cho sự tiến bộ của cầu thủ 18 tuổi và muốn gia hạn hợp đồng với cầu thủ này (đáo hạn vào Hè 2021). Bởi lẽ sẽ thế nào nếu các cầu thủ cũng đòi tăng lương nếu gia hạn hợp đồng trong 12 tháng tới?

Một tay cò sừng sỏ cho biết BLĐ của Arsenal phụ thuộc rất nhiều vào David Luiz cũng như Bellerin trong các cuộc đàm phán cắt giảm lương. Họ muốn cầu thủ người Brazil này là "chim mồi" ủng hộ đề xuất của CLB ngay từ đầu. Đổi lại, cầu thủ 33 tuổi này sẽ được gia hạn hợp đồng.

Một tay cò khác cũng thừa nhận rằng, ông đã khuyến khích một trong những cầu thủ của mình ở một CLB khác chấp nhận bị chậm lương mà không có thái độ nào để duy trì mối quan hệ tốt với HĐQT trước khi cố gắng đàm phán một thỏa thuận được cải thiện khi bóng đá trở lại.

"Hãy nhịn nhục đến lúc bóng đá trở lại", ông ta khuyên. Nhưng nếu bóng đá không trở lại thì sao? Đó là tình huống nhiều người đã tính tới khi nhìn vào thực trạng của Arsenal. Hầu hết các cò cầu thủ và cầu thủ Arsenal đều cho rằng các cầu thủ bị áp lực phải đồng ý cắt giảm lương vì nhân tố HLV Arteta và vị trí ở đội Một.

Các cầu thủ Arsenal đã sẵn sàng bị chậm lương với một số điều kiện nhất định như muốn được đảm bảo mọi khoản thu nhập bị mất sẽ được trả lại nếu một cầu thủ được bán và tiền của họ sẽ dành cho việc bảo vệ công việc của các nhân viên khác tại CLB.

Nhưng thực tế, các cầu thủ Arsenal không thể nắm bắt được việc các điều kiện của mình có được CLB thực hiện không. Bởi vì không có cầu thủ nào ở cùng nhau vào lúc này, không có trò chuyện hàng ngày trong phòng thay đồ. Họ chỉ nhìn thấy sự oán giận và nghi ngờ, cùng những mảnh vỡ trong tâm tư của họ.

Cầu thủ không biết mình phải làm gì. Họ đang lúng túng giữa việc đồng ý cắt giảm lương vì hợp đồng chỉ còn 1 năm nữa và hy vọng việc gật đầu sẽ khiến CLB hài lòng và đem lại một thoả thuận mới tốt đẹp. Hoặc chống đối tới cùng để "trạng chết, chúa cũng băng hà". Thực sự, kiểu nào cũng chỉ là một ván poker.

Nhiều người tin tưởng mạnh mẽ rằng, rất nhiều CLB ở Premier League và Championship đã có sự hoảng loạn và bắt đầu các cuộc đàm phán tiền lương với cầu thủ. Nhưng viễn cảnh thảm hoạ hơn vẫn có thể còn chưa đến, mà nó sẽ diễn ra vào cuối năm, khi mà dịch bệnh vẫn còn, mùa bóng mới đến lịch mà không một tấm vé mùa nào được mua, cửa SVĐ vẫn bị khoá chặt.

Khi đó, những cỗ máy đốt tiền như Oezil có thể sẽ lại đẩy Arsenal vào một cuộc khủng hoảng mới, khi David Luiz lại đi rỉ tai từng người để thuyết phục giảm lương. Và phòng thay đồ của Arsenal sẽ lại náo loạn vì vấn đề muôn thuở: Tại sao lương tôi thấp mà vẫn phải giảm lương?

 
Thực hiện

Nội dung: Hải An

Đồ họa & Thiết kế: Hữu Anh

Một sản phẩm của Bongdaplusvn.com

 

Bài viết hay? Ấn để tương tác

Bình luận
Thông tin Toà soạn
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Tổng biên tập:
Nguyễn Tùng Điển
Phó Tổng biên tập:
Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
Địa chỉ:
Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Tel:
(84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
Fax:
(84.24) 3553 9898
Email:
Thông tin Liên hệ
Tạp chí Điện tử Bóng Đá
Hotline:
0903 203 412
Email:

Địa chỉ liên hệ:

Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đăng nhập
hoặc

Email:

Mật khẩu:

Quên mật khẩu?


Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay