“Tôi không thể công bằng tuyệt đối. Khi các cầu thủ không được ra sân, họ sẽ thất vọng. Nhưng nếu mang theo sự thất vọng ấy đến sân tập ngày hôm sau, họ sẽ không chơi ở trận kế tiếp” - Thông điệp đanh thép ấy, Pep Guardiola gửi đến các học trò trước đại chiến với Tottenham. Và thông điệp ấy cũng chứng tỏ rằng tại Man City đang có một gã độc tài, nhưng người ấy đang hiện thân cho chiến thắng.
“Qua mặt” Mourinho
Ngày 6/5/2018, Man City của Pep đang dẫn dắt đối đầu với Huddersfield để giành chức vô địch. Cũng vào ngày 6/5 cách đó tròn 1 thập kỷ, Pep Guardiola được bổ nhiệm làm HLV trưởng của Barcelona - một trong những đội bóng hùng mạnh nhất thế giới.
Đó là một quyết định can đảm, đối với tất cả. Mùa giải 2007/08, Barcelona mắc kẹt với Frank Rijkaard. Siêu sao số 1 của đội bóng xứ Catalan khi đó - Ronaldinho, dần đánh mất nguồn cảm hứng chơi bóng. “Rô vẩu” không còn nhảy những khúc Samba mê hoặc, và Nou Camp cũng không vang vọng những bài ca chiến thắng. Thay tướng, đó là câu chuyện bức thiết với BLĐ Barca lúc này.
Soi tỷ lệ và dự đoán kết quả trận Tottenham - Man City |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Thời điểm ấy, người ta tưởng chừng Jose Mourinho sẽ là HLV tiếp theo của Barcelona. Nhà cầm quân người Bồ Đào Nha đang hoàn toàn thảnh thơi sau khi bị Chelsea sa thải vào tháng 9/2007. Dù bị sa thải nhưng đây lại là giai đoạn đỉnh cao danh vọng của “Người đặc biệt”. Ông vô địch Champions League 2003/04 một cách ngoạn mục với Porto. Ông xây dựng một đế chế tưởng chừng bách chiến bách thắng với Chelsea, giành những chức vô địch Ngoại hạng Anh liên tiếp.
Jose Mourinho! Jose Mourinho! Jose Mourinho! Đám đông ở Nou Camp đã gọi tên nhà cầm quân người Bồ Đào Nha sau mỗi lần Barca của Rijkaard thi đấu bết bát. Cần nhớ rằng Mourinho là một người cũ của Barca, từng là trợ lý ngôn ngữ của HLV huyền thoại Bobby Robson trong mùa giải 1996/97.
Thế nhưng, BLĐ Barca lại không nghĩ vậy. Họ có một phương án khác tạo bạo gấp nhiều lần. “Người được chọn” mà Chủ tịch Joan Laporta nhắm đến không phải Jose Mourinho danh tiếng, bởi triết lý của Mourinho là phòng ngự, phòng ngự thậm chí đến mức tiêu cực. Trong khi đó, mạch nguồn bóng đá của Barcelona là tấn công, là kiểm soát bóng - vốn được “thánh” Johan Cruyff đặt nền móng trong nhiều thập kỷ. Vì thế, một cái tên gây bất ngờ nhưng lại là ưu tiên số 1 - Pep Guardiola.
Cậu có phải đàn ông không? Nếu có, hãy dẫn dắt Barca!
Vào lúc ấy, Pep Guardiola có gì? Sau khi từ giã sự nghiệp quần đùi áo số tại đội bóng Mexico là Dorados năm 2006, Pep trở lại Catalan để dẫn dắt Barcelona B. Khi ấy, đội bóng này vừa xuống hạng và phải chơi bóng ở Tercera Division, tương đương giải hạng Tư trong hệ thống giải VĐQG Tây Ban Nha.
Tercera Division đông đảo đến mức, nó được chia ra làm 18 khu vực. Nhiệm vụ của Pep Guardiola là phải đưa Barca B thoát khỏi cuộc đại khủng hoảng, trở lại với những hạng đấu cao hơn. Như chính Pep đã nói với các học trò, đây không phải nơi đội bóng ông thuộc về. Sau này, tất cả mới tin rằng Pep đã làm được, nhưng thời điểm ấy, có cả một núi khó khăn đang chờ đợi nhà cầm quân trẻ tuổi.
Thành quả của mùa giải 2007/08 ấn tượng cùng Barcelona B, đó là Pep Guardiola được BLĐ tin tưởng trao lại chiếc ghế quyền lực của Frank Rijkaard. Tuy nhiên, với bản thân Pep, mọi thứ chỉ vừa bắt đầu. Làm sao một nhà cầm quân mới 37 tuổi, chưa có nổi một mùa giải trọn vẹn với Barca B có thể dẫn dắt đội 1 thi đấu ở những đấu trường đỉnh cao như La Liga và đặc biệt là Champions League? “Tôi ư? tôi nghĩ mình không làm được đâu”, Pep đã rụt rè trả lời như thế vào tháng 2/2008, thời điểm Chủ tịch Laporta bắt đầu đặt vấn đề.
Sau 3 tháng miệt mài thuyết phục, cuối cùng BLĐ Barcelona cũng nhận được cái gật đầu từ Pep Guardiola. Nhưng nếu không có nghệ thuật thương thuyết của Chủ tịch Laporta, có thể Pep đã bỏ lỡ cơ hội để mở ra một chương huy hoàng trong cuộc đời.
“Cậu có bi không”, một cách thẳng thừng và thô tục, Chủ tịch Laporta hỏi Guardiola. Sau này, Laporta xác nhận câu hỏi ấy. Và nếu ở một bối cảnh khác, có lẽ Laporta đã lĩnh trọn cú đấm vào mặt cũng nên. “Dĩ nhiên là tôi có” - Guardiola từ tốn trả lời. “Nếu có bi, nếu là một thằng đàn ông đúng nghĩa, cậu hãy dẫn dắt Barcelona”.
Ngày 6/5/2008, tại bệnh viện Barcelona, trong ngày cô con gái út Valentina chào đời, Pep gật đầu. “Tốt thôi, tôi sẽ chiến thắng mọi thứ”. Chỉ 1 năm sau, với cú ăn 6 vô tiền khoáng hậu, Pep Guardiola đã chứng tỏ ông không phải gã mặc váy hay kẻ nói khoác. Với Pep, nói được là làm được!
Mang tư tưởng Cruyff
Đích thân Johan Cruyff đóng vai trò cầu nối trong cuộc bổ nhiệm mở ra một chương mới trong lịch sử bóng đá. Khi Cruyff gặp gỡ Laporta, hai người chỉ mất 30 phút để đi đến thống nhất về Pep Guardiola. Vậy thì, Pep đã làm những gì tại Barca B để khiến những nhân vật hàng đầu phải tin tưởng ông đến nhường vậy?
Marc Valiente, nguyên đội trưởng Barca B, “bản hợp đồng” đầu tiên của Pep, người dự định ra đi nhưng đã được nhà cầm quân người Tây Ban Nha thuyết phục ở lại, nhớ về những ngày tháng ấy: “Tất cả chúng tôi đều bị chỉ ra sai lầm. Ông ấy ngừng buổi tập khi có điều gì đó không đúng, phần lớn là các hậu vệ. Ông ấy luôn làm việc rất nhiều với tư duy phát triển bóng từ hàng phòng ngự, luôn cố gắng tìm ra giải pháp khi đối thủ gây sức ép theo nhiều cách”.
Cố huyền thoại Cruyff tìm thấy bóng dáng của mình nơi Guardiola. Trong cái trận đầu tiên cầm Barca B gặp Premia, Pep nhận được sự cổ vũ của người cha, của cô vợ Cristina, con trai cả Marius, con gái Maria, một số bạn bè như Carles Busquets, bố của Sergio Busquets, một số đồng nghiệp, bao gồm cả lãnh đạo CLB là Laporta và Txiki Begiristain. Dĩ nhiên là có Johan Cruyff. Sau này, Cruyff còn nhiều lần khác nữa dự khán các trận đấu Barca B, và tin tưởng rằng triết lý bóng đá của ông đã có người kế tục xứng đáng.
Dưới sự tư vấn của Cruyff, Pep Guardiola đặt ra một số quy tắc - những ranh giới không được phép vượt qua. Các cầu thủ sẽ bị phạt tiền nếu đến tập muộn, nếu bị đuổi khỏi sân, ở lại quá 11 giờ đêm hoặc khi Guardiola đánh giá rằng họ chưa tập luyện hết sức. Quy tắc ấy đã theo chân Pep Guardiola đến khắp các đội bóng, từ Barcelona, Bayern Munich và giờ là Man City. Nó biến ông thành một gã độc tài. Đổi lại, gã độc tài ấy là hiện thân của chiến thắng. Và 10 năm qua là hành trình từ Pep Guardiola nhút nhát đến gã độc tài kiệt xuất Pep Guardiola.
Đỉnh cao của Pep Guardiola là ở... Bayern ?! Với Bayern Munich, bổ nhiệm Pep Guardiola bị xem là một thất bại. Cho dù vẫn giành những danh hiệu quốc nội, nhưng người Bavaria lại không thể chinh phục Champions League cùng Pep. Nên nhớ rằng khi đó Guardiola thừa hưởng dàn đội hình vừa đoạt cú ăn ba của HLV Jupp Heynckes. Vậy nhưng, tỷ lệ chiến thắng trong sự nghiệp của Pep Guardiola lại cao nhất cùng với Bayern. |