NGOẠI BINH TRÀN NGẬP
Vòng đấu vừa qua chứng kiến cuộc chạm trán giữa Man City và Arsenal, 2 ứng viên sáng giá nhất cho chức vô địch Premier League mùa này. Tuy nhiên, trong tổng cộng 28 cầu thủ ra sân (cả chính thức lẫn từ băng ghế dự bị), chỉ có 7 người mang quốc tịch Anh, tương đương 25%. Phần còn lại 75% là người ngoại quốc. Đáng nói hơn, phần lớn các trụ cột của hai đội đều là người nước ngoài.
Man City đặt niềm tin vào một người Argentina (Sergio Aguero), một người Tây Ban Nha (David Silva), một người Bờ Biển Ngà (Yaya Toure). Đó là chưa tính thủ quân người Bỉ Vincent Kompany không thể ra sân vì chấn thương. Arsenal, trong khi đó, đang bay cao trên bộ trục dọc gồm Cech (CH Czech), Ramsey (Xứ Wales), Giroud (Pháp), Oezil (Đức)... Niềm an ủi cho bóng đá Anh là Theo Walcott đã ghi 1 bàn tuyệt đẹp. Nhưng với phong độ cao của Giroud (7 bàn/7 trận gần đây), Walcott khó có cơ hội đá chính thường xuyên nếu HLV Arsene Wenger chọn sơ đồ 1 tiền đạo và Alexis Sanchez trở lại.
Cầu thủ Anh hiếm hoi là trụ cột ở trận đại chiến Arsenal - Man City là thủ môn Joe Hart của Man xanh. Đây là một trong số không nhiều các cầu thủ nội vươn lên và thành công trong môi trường khốc liệt của giải Ngoại hạng. Hart là hình mẫu đẹp nhưng khó nhân rộng vì ngày nay giải Ngoại hạng Anh đã trở thành sân chơi đa quốc gia. Từ những cường quốc bóng đá như Đức, Tây Ban Nha, Pháp, Hà Lan cho đến những quốc gia nhỏ như Benin, Costa Rica hay Gambia, và mới nhất là Burkina Faso (Bertrand Traore của Chelsea) đều có đại diện chơi bóng tại giải đấu đẳng cấp cao nhất tại xứ sương mù.
NGƯỜI ANH LO ÂU
Theo thống kê của tờ Daily Mail, trong số 275 cầu thủ ra sân ở vòng đấu vừa qua thì chỉ có vỏn vẹn 82 cầu thủ là người Anh. Mùa này, tỷ lệ người Anh đá ở Premier League chỉ là 32%. Đó là một con số thấp tới mức đáng báo động nếu so với con số 71,1% ở mùa giải đầu tiên của Premier League (1992/93). Nhưng đó chỉ là một phần của xu thế. Tỉ lệ cầu thủ Anh chơi bóng ở Premier League đã rớt xuống mức dưới 40% từ mùa 2004/05. Mùa giải đáng buồn nhất của người Anh là mùa 2013/14; khi đó, chỉ có 31,3% số cầu thủ ra sân là người bản địa.
Sử dụng cầu thủ nội dường như chỉ còn là chuyện của những đội bóng vừa thăng hạng, như Bournemouth. Tân binh này có 9 cầu thủ người Anh đã ra sân ở vòng đấu vừa rồi. Đứng ngay sau trong danh sách, với 6 người mỗi đội, là Crystal Palace, Everton, Norwich và Sunderland; tuy nhiên đó đều là những đội đang chật vật trụ hạng, hoặc chỉ mong kết thúc mùa giải ở nửa trên của BXH. Những đội hàng đầu như Arsenal (4), Man City (3) đều rất hạn chế dùng cầu thủ nội; cá biệt có Chelsea chỉ tung đúng 1 cầu thủ người Anh vào sân trong trận thắng Sunderland vòng trước.
Sự đa dạng về các quốc gia giúp Premier League thêm tính quảng bá, giải trí rộng khắp thế giới nhưng ngược lại, nó càng khiến người Anh ngày một thất thế ngay trên sân nhà. Chịu thiệt nhiều nhất đương nhiên vẫn là đội tuyển của họ.
CON SỐ
30% Vòng trước, Premier League chỉ có 82 cầu thủ địa phương, chiếm 30%, trong khi có đến 20 người Tây Ban Nha, 19 Pháp, 14 Hà Lan, 13 Bỉ, 11 Ireland, 11 Xứ Wales, 9 Brazil, 9 Argentina, 8 Scotland. Bắc Ireland, Serbia và Senegal mỗi nước 5 người. Ngoài ra còn 65 ngoại binh khác đến từ Đức (3), Benin, Gambia, Costa Rica, Venezuela…
HLV cũng “ngoại hóa” Trong 20 HLV tại Premier League, chỉ có 4 người Anh, chiếm 20%. Hà Lan có 3 HLV, Pháp, Tây Ban Nha, Xứ Wales mỗi nước 2 người. Đức, Italia, Croatia, Argentina, Chile, Scotland mỗi nước 1 HLV. Swansea sau khi thay Garry Monk đang có một HLV tạm quyền là Alan Thomas Curtis (Xứ Wales). |