Bóng Đá Plus trên MXH

Ngoại hạng Anh & sự hai mặt của... nhiều tiền
Đức Châu • 08:56 ngày 03/09/2016
Năm thứ năm liên tiếp, Premier League tự phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình khi chi ra 1,201 tỷ bảng (theo số liệu của The Times).
    Ngân sách rủng rỉnh khiến các đại gia xứ sương mù “đốt” tiền không ghê tay. Nhưng mặt trái của việc lắm tiền là Premier League đang biến thành “mỏ vàng” cho các giải đấu còn lại. Ngoài ra, các đội bóng cũng đối mặt với không ít hiểm họa...

    LẮM TIỀN TIÊU RẤT SƯỚNG

    1,201 tỷ bảng đã được Premier League chi ra trong “chợ Hè” 2016. Năm thứ 5 liên tiếp, họ tự phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình. Túi tiền rủng rỉnh giúp các đội bóng xứ sương mù thống trị thị trường chuyển nhượng (TTCN). Thậm chí, tổng số tiền chuyển nhượng của 3 giải đấu lớn là Serie A, La Liga và Ligue I cộng lại cũng chỉ là 1,155 tỷ bảng, tức chưa bằng mình Premier League. Chưa hết, xứ sương mù cũng chi nhiều tiền gấp đôi Serie A (590 triệu bảng), dù đó giải đấu “đốt” tiền nhiều thứ hai Hè này. 

    Lắm tiền giúp các CLB ở Premier League dễ dàng cạnh tranh với các người khổng lồ tài chính khác ở châu Âu. Bằng chứng, Man United đã đánh bại đội bóng giàu nhất thế giới là Real Madrid trong cuộc đua giành Paul Pogba. Ngay cả những CLB nhỏ ở xứ sương mù cũng có thể cạnh tranh với các đại gia ở các giải bóng đá khác. Trong đó, có vụ West Ham sẵn sàng chi hơn 20 triệu bảng để mua Carlos Bacca, chân sút số một của Milan. Thậm chí, 2 đội bóng ở Premier League vừa phải xuống hạng mùa trước là Aston Villa và Newcastle cũng đã chi ra 103 triệu bảng trong mùa Hè này, còn nhiều hơn cả tổng số tiền chuyển nhượng của 2 đội lọt vào chung kết Champions League 2015/16 là Real Madrid và Atletico Madrid (tổng 95,4 triệu bảng). Quá khủng khiếp. 


    Cách đây hơn 10 năm, những ngôi sao có số má, mang tính chất biểu tượng như Rio Ferdinand mới có giá chuyển nhượng lên tới cột mốc 30 triệu bảng. Nhưng bây giờ, những thương vụ 20 – 30 triệu bảng trở thành bình thường ở Premier League. Christian Benteke, một kẻ bị thất sủng ở Liverpool, cũng được Crystal Palace rước về với giá 32 triệu bảng trong mùa. Hay Yannick Bolasie, cầu thủ chỉ thuộc dạng trung bình khá, chưa mùa nào ghi được quá 7 bàn trong sự nghiệp, cũng khiến Everton phải móc túi 30 triệu bảng. Tổng cộng, có tới 13 đội bóng ở Premier League tự phá kỷ lục chuyển nhượng của chính mình trong Hè này. 

    Premier League dẫn dắt cuộc chơi. Sức mạnh đồng tiền giúp họ tự đặt ra “luật” trên TTCN. Mà “luật” của xứ sương mù Hè này là các bản hợp đồng kiểu “30 triệu bảng ++”, dù bạn có là ai! 

    HIỂM HỌA CỦA NHIỀU TIỀN

    Tuy nhiên, lắm tiền cũng có kiểu đau đầu của lắm tiền. Túi tiền rủng rỉnh tiêu thì sướng, nhưng nó cũng có hai mặt. 

    Mặt trái đầu tiên là Premier League đang bị biến thành “mỏ vàng” cho phần còn lại. Nói cách khác, nguồn tiền của xứ sương mù “chảy” ra nước ngoài quá nhiều. Theo số liệu của The Times, có tới 582,4 triệu bảng tiền của Premier League chui vào két sắt của các đội bóng nước ngoài, tức chiếm tới 49,5% tổng giá trị chuyển nhượng Hè này của xứ sương mù. Cứ hình dung thế này, các CLB nước ngoài dùng chính tiền nhận được từ Premier League để tăng cường lực lượng, rồi lại đối đầu với các đội bóng Premier League ở cúp châu Âu. Mà thành tích của các đại diện nước Anh tại cúp châu Âu 5 năm gần đây sa sút thế nào thì ai cũng biết. 

    Arsene Wenger, HLV của Arsenal, người có bằng kinh tế của đại học Strasbourg cũng nhìn thấy mặt tiêu cực này: “Ngày nay ở châu Âu có hai thị trường chuyển nhượng, một cho Premier League và một cho phần còn lại. Nếu một đội bóng Anh không hỏi mua thì giá của một cầu thủ chỉ là 5 triệu bảng. Nhưng nếu họ tới và hỏi mua cầu thủ đó thì giá của anh ấy sẽ lên tới 35; 40 thậm chí là 50 triệu bảng”. Rõ ràng các triệu phú nước Anh đã bị biến thành những kẻ tiêu tiền ngu ngốc, bị các CLB nước ngoài “bòn rút”. 

    Một mặt trái nữa là việc hậu mua sắm. Các bản hợp đồng kỷ lục, dĩ nhiên là kèm theo mức lương kỷ lục, nếu chơi thành công thì không sao. Nhưng nếu thất bại thì sẽ là thảm họa. Những cầu thủ tầm tầm nhưng có giá tới 30 - 35 triệu bảng, cộng với mức lương trên trời, là món hàng không thể đẩy đi đâu được, trừ khi chấp nhận bán lỗ sâu. 

    Joe Hart Hè này may lắm mới có Torino rước khỏi Etihad bởi mức lương 135.000 bảng/tuần anh hưởng ở Man City thì không nhiều đội bóng đáp ứng được. Tottenham từng chi 30 triệu bảng cho Roberto Soldado ở Hè 2013. Hai năm sau, họ phải trả Soldado lại La Liga và chấp nhận lỗ khi bán cho Villarreal với giá chỉ 10 triệu bảng. Còn rất nhiều thương vụ đang trên đường đi vào vết xe đổ của Soldado như Eliaquim Mangala, Wilfried Bony…

    Thực tế thì Premier League đã sửa sai bằng cách tăng cường cho mượn cầu thủ. Nhưng đó chắc chắn không phải giải pháp bền vững. Các đội bóng nước Anh vừa là những nhà triệu phú tiêu tiền hoang phí, vừa là những kẻ bán người ngờ nghệch.

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay