Đầu những năm 1990, bóng đá Anh khủng hoảng rơi vào nghiêm trọng. Các sân vận động xuống cấp, hooligan đầy rẫy, các CLB Anh bị cấm thi đấu 5 năm ở cúp châu Âu vì thảm họa Heysel (1985). Giải đấu cao nhất xứ sương mù, Football League First Division, chứng kiến các ngôi sao Paul Gascoigne, David Platt tháo chạy ra nước ngoài.
Nhóm Big Five (5 CLB lớn nhất gồm Arsenal, M.U, Tottenham, Liverpool, Everton) đã manh nha ý tưởng về một cuộc cách mạng. Đứng đầu là David Dein, phó chủ tịch Arsenal. “Nếu có một người tạo ra Premier League thì đó là David Dein”, cựu GĐĐH Greg Dyke của kênh truyền hình London Weekend Television đồng thời là chủ tịch ITV Sport nhớ lại. “Trong ngành công nghiệp mà chẳng có ai nhìn về phía trước, David chính là người tiên phong”, Dyke nhận xét.
Greg Dyke và David Dein quen biết nhau từ năm 1988. Họ cùng chung ý tưởng thay đổi diện mạo bóng đá Anh. Dein muốn giải vô địch Anh hấp dẫn hơn, còn Dyke nhìn thấy “miếng bánh” từ bản quyền truyền hình. Dyke thông qua Dein tổ chức một bữa tối với 5 đại diện của Big Five: David Dein (Arsenal), Martin Edwards (Manchester United) Irving Scholar (Tottenham), Noel White (Liverpool), Philip Carter (Everton).
Trong kỷ nguyên Premier League, Man Utd đăng quang nhiều nhất với 13 lần
Trong cuộc gặp kín tổ chức ở văn phòng London Weekend Television vào tháng 10/1990, Gred Dyke với tư cách chủ nhà đề xuất mua bản quyền truyền hình của Big Five với giá cao, và phát sóng trên ITV. Tất cả đồng thuận về việc tách ra một giải đấu riêng. Nhưng 5 CLB thì chưa đủ, họ phân công nhau mỗi người lôi kéo thêm một đội tham dự gồm: Aston Villa, Newcastle, Nottingham Forest, Sheffield Wednesday và West Ham. Khi có đủ 10 CLB, những đội khác sẽ phải làm theo.
Tuy nhiên, các CLB biết rằng kế hoạch sẽ thất bại nếu không có sự ủng hộ của LĐBĐ Anh (FA). Vì vậy, David Dein và Noel White được giao nhiệm vụ làm thuyết khách khi đến gặp Sir Bert Millichip, chủ tịch FA thời bấy giờ. Phải mất 7 tháng đàm phán để FA chấp nhận một cuộc họp với các CLB ly khai vào ngày 8/5/1991. Ở đó, tất cả đã hình dung khá rõ về một giải đấu mang tên FA Premier League với 22 đội, chơi vòng tròn 2 lượt đi về. Giờ nghỉ giữa 2 hiệp sẽ tăng từ 10 lên 15 phút và áo đấu sẽ in cả tên lẫn số áo trên lưng cầu thủ. Những thay đổi mang tính lịch sử.
Ngày 13/06/1991, 22 CLB ký thỏa thuận thành viên sáng lập Premier League. Như vậy là chỉ 8 tháng sau bữa tối giữa Greg Dyke và các đại diện nhóm Big Five, Premier League đã thành hình với Rick Parry được bầu làm GĐĐH. Mùa giải đầu tiên 1992/93 có 22 đội bóng, và giảm xuống còn 20 kể từ mùa 1995/96. “Greg Dyke là chất xúc tác cho tất cả”, Parry nói về người khởi xướng ý tưởng một giải đấu riêng biệt.
Nếu David Dein và Greg Dyke là những nhà tiên phong cải cách thì Rick Parry góp công biến Premier League thành một giải đấu thành công. Cựu GĐĐH với cái đầu lọc lõi của một cử nhân kế toán đã mang về cho Premier League thuở sơ khai bản quyền truyền hình kỷ lục lên tới 304 triệu bảng/năm với hai nhà đài BSkyB và BBC. Ông được xem là một nhà lãnh đạo tài năng với nhiều ý tưởng phát triển Premier League, trong đó có việc hỗ trợ các CLB nâng cấp SVĐ và lôi kéo ngày càng nhiều các ngôi sao nước ngoài.
Sau 25 năm, Premier League giờ đã bành trướng thành giải vô địch có doanh thu và lượng khán giả lớn nhất thế giới. Tất cả bắt đầu từ bữa tối lịch sử bên dòng sông Thames 27 năm về trước.
Những con số trong kỷ nguyên Premier League 9.746 Đã có 9.746 trận đấu diễn ra 25.679 Số bàn thắng được ghi 47 Số đội bóng khác nhau tham dự 3.835 Số cầu thủ thi đấu ít nhất một trận 113 Số quốc tịch khác nhau từng xuất hiện ở Premier League 632 Ryan Giggs là cầu thủ thi đấu nhiều nhất, với 632 trận 260 Alan Shearer là tay săn bàn vĩ đại nhất, với 260 bàn 162 Ryan Giggs là cầu thủ kiến tạo nhiều nhất, với 162 lần 190 Petr Cech giữ sạch lưới nhiều nhất, với 190 trận Những nhà sáng lập Premier League năm xưa giờ ra sao? David Dein: Cựu Phó chủ tịch Arsenal rời ghế năm 2007, hiện là đại sứ Premier League, thường xuyên tổ chức các cuộc nói chuyện truyền cảm hứng tại các trường học và nhà tù ở trong và ngoài nước Anh. Rick Parry: Cựu GĐĐH đầu tiên của Premier League hiện là tư vấn viên cho các dự án bóng đá quốc tế cũng như tại Ủy ban Luật công bằng tài chính của UEFA. Greg Dyke: Người thuyết phục Big Five tách riêng năm xưa sau này ngồi vào ghế Chủ tịch FA giai đoạn 2013-2016 và hiện đã nghỉ hưu ở tuổi 70. Mùa 2017/18 chỉ còn 9 “nguyên lão” Trong 22 đội tham dự mùa đầu tiên của kỷ nguyên Premier League (1992/93), chỉ có 9 đội vẫn góp mặt ở giải đấu số một nước Anh. Đó là Arsenal, Chelsea, Crystal Palace, Everton, Liverpool, Man City, Man United, Southampton và Tottenham. Đội tụt sâu nhất trong 22 “nguyên lão” này là Coventry City, đang thi đấu ở League Two, tiếp theo là bộ ba Blackburn, Wimbledon (giờ mang tên MK Dons) và Oldham ở League One. “Trảm” HLV trở thành mốt Mùa đầu tiên 1992/93 của Premier League chỉ chứng kiến 1 HLV bị sa thải. Đó là Ian Porterfield (ảnh), chiến lược gia bị Chelsea tiễn ra đường sau vòng 29. Nhưng sau đó, sa thải HLV dần trở thành mốt của Premier League. Dù chưa đạt đến kỷ lục 15 ông thầy ra đường của mùa 1994/95, nhưng tính từ mùa 2006/07 đến giờ, Premier League luôn có ít nhất 9 HLV mất việc mỗi mùa. Cầu thủ ngoại tăng gần 9 lần Thuở ban sơ, Premier League vẫn còn là sân chơi của người Anh. Ở vòng đấu đầu tiên của mùa khai mạc 1992/93, chỉ có tổng cộng 13 cầu thủ nước ngoài ra sân tại giải đấu số 1 nước Anh. Sau 1/4 thế kỷ, con số này đã tăng lên gấp gần 9 lần. Ở vòng đấu cuối cùng của mùa 2016/17, có tới 112 “ngoại binh” ra sân tại Premier League. |