Trước Arsenal, các đội đứng ngay dưới họ là Liverpool, Man City, Tottenham đều đã liên tục thất bại trong các vòng đấu gần đây. Tính chung 3 trận gần nhất cho mỗi đội, thì nhóm 4 đội mạnh vừa nêu đã thua đến 6 trong 12 trận gần nhất. Tương phản hoàn toàn với phong độ trước đó: cả 4 đội cộng lại đều không hề nếm mùi thất bại trong 40 trận (tính từ vòng 3 đến vòng 12).
Đã có thể bàn về tính chu kỳ trong cuộc đua giành ngôi vô địch? Ai nấy đều biết, Ngoại hạng Anh là một cuộc đua “marathon” gồm đến 38 vòng, trải dài qua 10 tháng. Duy nhất có đúng 1 lần trong lịch sử Premier League, có đội vô địch mà không thua trận nào trong suốt mùa bóng (đó là Arsenal ở mùa 2003/04, đấy cũng là lần duy nhất mà người ta mạ vàng toàn bộ chiếc cúp vô địch để trao thưởng cho kỳ tích của Arsenal).
Ai cũng phải có lúc thua. Tất nhiên, với nhóm đội mạnh có tham vọng tranh hùng thì thật ra số trận thua trong suốt mùa bóng thường không nhiều. Vấn đề là thua ai, và thua như thế nào.
Ngay lập tức, người ta chỉ vào hàng thủ, nơi không có Shkodran Mustafi, để bàn về trận thua của Arsenal trước Everton. Đấy là điểm chung rất đáng lưu ý, có thể liên kết với các trận thua của Man City (thủng lưới 2 bàn chỉ trong 5 phút đầu, trước Leicester), Tottenham (mất bóng giữa sân và gục ngã trước M.U) hoặc Liverpool (thua ngược 3-4 trước Bournemouth). Thêm một điểm chung đáng kể nữa: Bournemouth, Leicester, Everton và M.U (vâng, kể cả M.U) đều không phải là ứng cử viên vô địch, không trực tiếp tranh chấp ngôi đầu bảng với các đối thủ vừa nêu.
Thua vì lỗi phòng ngự và thua các đội không có hy vọng tranh ngôi vô địch - đấy thường là kiểu thua “không đỡ được”. Có người từng cho rằng cuộc đua giành ngôi vô địch Premier League chẳng qua là một cuộc so sánh mức độ ổn định, tỉ mẩn của các “đại gia” trong suốt mùa bóng. Đội nào càng ít để “lọt ra ngoài” số điểm từ các trận đấu mà trên nguyên tắc, họ phải thắng, thì đội ấy sẽ thành công.
Tất nhiên, nhìn từ một khía cạnh khác thì sự so sánh “mạnh, yếu” cũng chỉ có một giá trị tương đối. Ở Premier League, bất cứ đội nào cũng đều có thể thắng nhau, trong một trận đấu cụ thể. Cho nên, duy trì sự ổn định liên tục trong suốt 10 tháng và phải làm sao lấy trọn số điểm tối đa trong các trận đấu tạm gọi là “dễ”, kỳ thực lại là điều khó vô cùng. Điều này không chỉ liên quan đến những kế hoạch lớn, chiến lược lâu dài, mà còn liên quan cả đến những chi tiết nhỏ, như chiến thuật cho từng trận đấu cụ thể, hoặc mỗi buổi tập hàng ngày.
VIDEO: 10 cầu thủ chạy cánh hàng đầu Ngoại hạng Anh |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |
Trên lý thuyết, phòng ngự chắc chắn là điều mà đội nào cũng có thể tập được. Vấn đề chỉ là bài bản ra sao, thái độ tập luyện có nghiêm túc hay không, cách tập có hợp lý hay không mà thôi. Phòng ngự khác hẳn tấn công ở chỗ, nó không phụ thuộc quá nhiều vào đẳng cấp cá nhân. Có tài năng, một ngôi sao tấn công có thể tự mình quyết định toàn cục, trong một khoảnh khắc lóe sáng, theo cách mà không ai nghĩ ra (chứ khoan nói tập) được.
Không giỏi tấn công, bạn rất khó thắng. Nhưng không giỏi phòng ngự, bạn sẽ thua. Và đây là chỗ mấu chốt để phân biệt Man City, Tottenham, Liverpool, Arsenal với đội đầu bảng Chelsea. Một khi bạn còn không thể vượt qua cái điều “có thể tập”, chức vô địch xem ra sẽ là xa vời. Không phải ngẫu nhiên mà mỗi khi một đội mạnh gục ngã vì thua ở hàng thủ, giới chuyên môn đều lập tức mổ xẻ kỹ trước khi bày tỏ sự hoài nghi về khả năng tranh chấp ngôi cao của họ.