Nếu so đo chuyện câu chữ, thì không thể nói Goetze hoặc Eder, trong tình huống họ ghi bàn, là cầu thủ “dự bị”, đơn giản vì luật bóng đá chỉ gọi những cầu thủ đang ngồi bên ngoài là “cầu thủ dự bị”. Khi đã vào sân thì họ còn dự bị cho ai nữa! Nhưng về bản chất, hãy đơn giản hóa mọi chuyện bằng cách gọi đấy là những cầu thủ dự bị - bởi chúng ta đang nói về chuyện khác, quan trọng hơn: vai trò của những cầu thủ dự bị trong bóng đá đỉnh cao.
20 năm trước, huyền thoại Alex Ferguson làm báo giới phải nhíu mày: “Cầu thủ dự bị ư? Xin lỗi, chúng tôi không có”. Ferguson là HLV tiên phong trong việc mở ra một quan điểm mới mẻ trong bóng đá đỉnh cao: mỗi vị trí trong sơ đồ của M.U phải có hai cầu thủ ngang nhau về mặt đẳng cấp (xin nhắc lại, chúng ta đang nói về thứ bóng đá đỉnh cao cách nay những 20 năm).
Đừng nghĩ Ferguson làm được như thế chẳng qua vì đội M.U của ông quá giàu. Real Madrid cũng giàu chẳng kém, nhưng Real dùng sự giàu có vào việc quy tụ hẳn một đội hình chính gồm toàn siêu sao. Đấy là cách làm khác hẳn. Đâu là “siêu sao” tại Old Trafford? Không có. Nói thẳng ra thì David Beckham, Ryan Giggs, Roy Keane, Paul Scholes, Ruud van Nistelrooy sau này hoặc cả Eric Cantona trước đó, đều hiếm khi có hy vọng tranh chấp Quả bóng vàng châu Âu. Ngược lại, nhìn vào khả năng ra sân thi đấu thì M.U của Ferguson có số lượng hảo thủ nhiều gấp đôi so với cái gọi là “Galacticos” ở Real.
Những gì đang diễn ra tại Premier League cho thấy rất rõ, Sir Alex đã đi trước thời đại như thế nào. Trên bề mặt, cuộc đua giữa các ứng cử viên vô địch Premier League có vẻ là cuộc so đọ giữa những Alvaro Morata (Chelsea), Romelu Lukaku (M.U), Sergio Aguero và Gabriel Jesus (Man City), Harry Kane (Tottenham), Alexandre Lacazette (Arsenal), hoặc cả hàng tiền đạo Liverpool. Tất nhiên, đấy chỉ là chi tiết cụ thể. Người ta cũng có thể so sánh sự vững chắc của các hàng thủ hoặc sức sáng tạo của các tiền vệ khi bàn về hy vọng đăng quang của các đội mạnh. Tất cả, suy cho cùng, cũng đều chỉ là chi tiết cụ thể. Vấn đề ở đây là: giả sử M.U của Jose Mourinho đăng quang vào cuối mùa bóng, có khi nguyên nhân quan trọng nhất không phải là Lukaku ghi bao nhiêu bàn, mà là M.U ghi bao nhiêu bàn trong hoàn cảnh không có Lukaku - vì bất cứ lý do gì!
Chúng ta đang nói về nguyên tắc của Ferguson: sức mạnh của một đội bóng nằm ở danh sách cầu thủ, chứ không nằm ở đội hình chính. Chelsea lập tức phải loay hoay khi Morata chấn thương, rời sân ngay trong hiệp 1. Man City hoặc M.U thì lại khác hẳn, khi họ gần như không chịu ảnh hưởng đáng kể từ sự vắng mặt của Aguero hoặc Paul Pogba. Đấy là khác biệt then chốt? Trước mắt chính là vậy.
Tất nhiên, chúng ta chỉ đang nói về “tinh thần Ferguson”. Nói đến M.U trong thập niên 1990 là phải nói đến cặp tiền đạo Dwight Yorke - Andy Cole. Nhưng trong chiến thắng oanh liệt ở trận chung kết Champions League 1999, cặp tiền đạo ghi liền 2 bàn trong những phút chót để thắng ngược lại là Ole Gunnar Solskjaer - Teddy Sheringham. Bây giờ, khi các đội mạnh ở Premier League thay người trong trận hoặc “xoay tua” đội hình chính, thì họ thay cả lối chơi nếu cần. Đấy là sự phát triển, chứ không rập khuôn.
Không thể hoặc không cần vận dụng tuyệt chiêu mà vẫn cứ thắng, đấy mới là cao thủ đích thực.