4-4-2 XUẤT HIỆN KHẮP NƠI
Bất cứ sơ đồ nào mà được vận dụng linh hoạt, phù hợp hoàn cảnh, thì đều phát huy giá trị. Nhưng với riêng sơ đồ 4-4-2, và với quê hương bóng đá, đấy càng là câu chuyện hấp dẫn. Một mặt, sơ đồ 4-4-2 chính là một trong những “đặc sản” tuyệt vời nhất của quê hương bóng đá. Mặt khác, đấy lại là sự trở lại tuyệt vời, đúng ngay cột mốc tròn nửa thế kỷ kể từ khi đội tuyển Anh của HLV Alf Ramsey lên ngôi vô địch World Cup 1966, với sơ đồ bóng đá kỳ lạ mang tên “kỳ quan không tiền đạo cánh”.
Giá trị của sơ đồ 4-4-2 đã được phục sinh trên sân cỏ Anh. Nhưng, không như cách chơi cổ điển, 4-4-2 của năm 2016 lại là cách chơi sáng tạo, đa dạng, vô cùng đặc biệt. Nói rằng sơ đồ 4-4-2 đã trở lại “và lợi hại hơn xưa” dĩ nhiên không sai. Nhưng còn có thể gọi đấy là bước tiến mới trong sự phát triển chiến thuật của bóng đá đỉnh cao.
Leicester City vô địch Premier League trong khi Watford trụ hạng xuất sắc. Họ đều chơi 4-4-2. Atletico Madrid tranh ngôi đầu bảng đến tận giờ chót ở La Liga và lọt vào chung kết Champions League, cũng với sơ đồ 4-4-2, cho dù khác với các đội bóng Anh về cách vận hành.
Ngay cả giải đấu lớn nhất trong năm, EURO 2016, cũng đã chứng kiến thành công vang dội của sơ đồ 4-4-2, với chức vô địch lịch sử của đội tuyển Bồ Đào Nha. Phổ biến khắp nơi, với những phiên bản khác nhau, nếu như sơ đồ 4-4-2 trở thành “mốt chủ đạo” của bóng đá đỉnh cao trong mùa bóng này, đấy sẽ không phải là chuyện bất ngờ.
NÊN CHĂNG DÙNG TÊN GỌI KHÁC?
Đặc sắc nhất trong câu chuyện về thành công của 4-4-2 trong năm nay có lẽ là chi tiết đầy... mâu thuẫn: cách chơi bóng của người Anh được tôn vinh ngay trong bối cảnh chưa bao giờ làng HLV Anh thảm hại như bây giờ (Premier League chỉ còn 3 HLV người Anh và chẳng ai trong số đó có hy vọng tranh chấp các vị trí cao). Claudio Ranieri, một con người của nền bóng đá Italia luôn đặc sệt tính chiến thuật, từng bị dân Anh chê cười về chiến thuật với biệt danh “gã thợ hàn”, chính là tác giả của cú bất ngờ vĩ đại mang tên Leicester.
Thật ra, Leicester phòng thủ là chính, khác hẳn tinh thần tấn công, đá để “cống hiến” trong cách chơi 4-4-2 luôn ào ạt của dân Anh ngày xưa. Watford không làm được cú bất ngờ hoành tráng như Leicester nhưng đấy cũng là một trong những đội thành công ở Premier League, và cách chơi của Watford cũng luôn nặng về phòng ngự, như Leicester. Tiền đạo Leicester và Watford thường xuyên đứng dưới quả bóng trong khi hậu vệ của họ thủ sâu đến mức gần như luôn đứng trong vùng cấm địa. Có thể gọi sơ đồ chiến thuật của nhà vô địch Premier League là... 4-4-2-0?
Xin được nhắc lại: đội tuyển Tây Ban Nha từng vô địch EURO 2012 bằng sơ đồ không có tiền đạo. Họ bố trí đến 6 tiền vệ, chia thành 2 tầng, với Cesc Fabregas đứng ở vị trí cao nhất. Giới chuyên môn gọi đấy là sơ đồ 4-3-3-0, chứ đâu ai gọi là 4-6-0!
MẤU CHỐT LÀ ĐÁ KHÔNG BÓNG
Nhiều người vẫn gọi Cristiano Ronaldo và Nani của Bồ Đào Nha là tiền vệ biên, khi họ đá cánh trong sơ đồ 4-2-3-1. Còn trong sơ đồ 4-3-3 thì họ là tiền đạo cánh (và chơi thấp hơn trung phong trong đội hình). Vậy, Ronaldo và Nani là gì khi họ đá cặp, ở vị trí cao nhất trong đội hình Bồ Đào Nha tại EURO 2016? Xin được lưu ý: họ không bao giờ là trung phong đích thực.
Họ là tiền đạo, hoặc “tiền vệ đứng cao nhất” trong cách chơi 4-4-2-0. Từ vị trí “tiền vệ cao nhất”, Ronaldo dễ dàng lao lên ghi bàn, trong hoàn cảnh thường thấy là trung vệ đối phương bó tay vì không hề kèm sát, cũng không thường xuyên kèm anh.
Dù ở đẳng cấp kỹ thuật khá cao như Bồ Đào Nha hoặc bị cho là đội “chiếu dưới” như Leicester, Watford, mấu chốt trong thành công của các đội chơi 4-4-2 là họ luôn tỏ ra hay nhất khi... không có bóng. Những lúc như vậy, họ luôn phòng ngự kín kẽ đồng thời luôn ở tư thế sẵn sàng cho một cơ hội phản công.
Ngày xưa, Johan Cruyff có câu bất hủ: “Mỗi cầu thủ thường chỉ có bóng trong khoảng 3 phút mỗi trận. Những gì anh ta làm trong 87 phút còn lại mới quyết định anh ta có giỏi hay không”. Ngày nay, Jose Mourinho lại nói: “Giữ bóng càng ít, bạn càng ít khi mất bóng, nghĩa là ít khi trả giá cho sai lầm của mình”.
Ngay cả Barcelona với thương hiệu tiqui-taca cũng phải gặp lúc thoái trào. Những đội can đảm sớm quay lưng với “mốt” giữ bóng chính là những đội đang thành công trong năm nay. Suy cho cùng, đấy cũng là quy luật phát triển?
5 đội bóng sử dụng đội hình 4-4-2 LEICESTER Leicester sử dụng sơ đồ 4-4-2 với hàng tiền vệ giăng ngang và mạnh ở 2 cánh với khả năng tham gia tấn công tốt của cả các hậu vệ biên. So với Albrighton thì Mahrez bên cánh phải có xu hướng dâng cao hơn. Trong khi trên hàng công, Okazaki hoạt động lùi và rộng hơn so với Vardy. CHELSEA Chelsea sử dụng 4-4-2 cổ điển với 2 tiền vệ trung tâm và 2 tiền vệ cánh. Ở trung tâm, Kante hoạt động rộng và thu hồi còn Fabregas làm nhiệm vụ phân phối bóng. Sự đột biến trong lối chơi của Chelsea dựa nhiều vào 2 cầu thủ chạy cánh là Hazard và Willian, những người có kỹ thuật và tốc độ. MANCHESTER CITY Với sự xuất hiện của Guendogan, Sane và Nolito trong kỳ chuyển nhượng mùa hè, nhiều khả năng Guardiola sẽ sử dụng đội hình 4-4-2 với hàng tiền vệ hình vuông. Fernandinho và Guendogan đá thấp, trong khi Silva và De Bruyne không dạt cánh mà co vào trung lộ và Man City sẽ sử dụng nhiều những miếng đánh trực diện. WATFORD Watford sử dụng đội hình 4-4-2 cổ điển với 2 cầu thủ chạy cánh giống Chelsea. Mùa này, Watford đã bổ sung tiền vệ phải Success để gia cố lối chơi này. Song, sức mạnh của họ vẫn sẽ dựa nhiều vào cặp tiền đạo Ighalo và Deeney với khả năng độc lập tác chiến cực tốt, điều đã được thể hiện ở mùa giải trước. BURNLEY Với sự xuất hiện của Gudmundsson, nhiều khả năng Burnley sẽ sử dụng đội hình 4-4-2 với hàng tiền vệ hình kim cương. Gudmundsson sẽ là người đã cao nhất trên hàng tiền vệ. Burnley cũng luôn sẵn sàng trở lại với sơ đồ 4 tiền vệ giăng ngang khi cần sự chắc chắn ở khu vực giữa sân. |