Từ câu chuyện của Sir Alex
Trong cuốn hồi ký của mình, HLV huyền thoại từng giúp Manchester United gặt hái được rất nhiều vinh quang là Sir Alex Ferguson đã nhiều lần nhắc đến thứ được gọi là “các cầu thủ United”. Dưới triều đại Sir Alex, các cầu thủ luôn ý thức được việc phải chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Tất cả đều muốn được vinh danh như một phần không thể thiếu được trong lịch sử CLB.
Còn nhớ sau khi M.U đoạt chức vô địch Premier League năm 1997, Nicky Butt, anh em nhà Neville và Ryan Giggs trong lúc giao lưu với các fan cạnh tượng đài Busby bên ngoài SVĐ Old Trafford từng tuyên bố: “Chúng tôi biết tất cả phải đoàn kết để cùng nhau bước vào ngôi đền của những huyền thoại". Về phần mình, sau 14 năm chia tay M.U, thủ môn nổi tiếng một thời Peter Schmeichel từng chia sẻ trên ITV vào năm 2013 rằng, anh vẫn luôn cảm thấy mình thuộc về Quỷ đỏ. Tuy sinh ra ở Đan Mạch và là cầu thủ trưởng thành từ Bronby, nhưng Schmeichel thường xuyên dùng từ “chúng tôi” khi nói về đội bóng cũ.
Đây chính là từ từng được nhà kinh tế Richard Reich nghiên cứu rất kỹ. Theo Reich, những người lao động sử dụng từ “chúng tôi” để nói về đơn vị chủ quản là những tài sản vô cùng quý giá. Lý do là bởi họ xem nơi mình làm việc như ngôi nhà thứ 2 và luôn cố gắng vun đắp cho ngôi nhà ấy. Ngược lại, những ai dùng từ “họ” thay cho “chúng tôi” lại là những mầm mống mang đến thảm họa.
Thủ thành Schmeichel từng là trò cưng của Sir Alex
HLV Mourinho không đến mức như thế, nhưng trong cuộc họp báo sau trận Chelsea để thua Southampton 1-3 cuối tuần qua, ông đã nhắc đến quá nhiều từ “tôi” chứ không phải “chúng tôi”. Điều đó chứng tỏ HLV Mourinho có cái tôi rất lớn. Ông làm tất cả mọi thứ vì mình mà không quan tâm đến chuyện các học trò suy nghĩ thế nào.
Cái chết được báo trước
Vấn đề của HLV Mourinho là ông không biết tạo ra một tập thể luôn khát khao chiến đấu hết mình vì màu cờ sắc áo. Bí quyết của “người đặc biệt” đơn giản chỉ là ông biết tạo ra sức ép và không từ thủ đoạn nào để đạt được mục đích.
HLV Mourinho đã reo rắc vào đầu cầu thủ của mình thuyết âm mưu, khiến tất cả nhìn vào đâu cũng thấy những mối hiểm họa. Với Mourinho, các trọng tài, BTC Premier League, UEFA, cậu bé nhặt bóng hay thậm chí cả nữ bác sỹ Eva Carneiro đều là kẻ thù. Mục đích của ông là tạo động lực thi đấu cho các cầu thủ để mọi người có thể thi đấu với hơn 100% khả năng.
HLV Mourinho chọc tay vào mắt Tito Vilanova
Trong giai đoạn ngắn thì chiến thuật của ông cũng phạt huy hiệu quả, nhưng về lâu dài thì tất cả lại chán ngấy với các chiêu trò chẳng có gì mới của nhà cầm quân người Bồ Đào Nha. HLV Mourinho từng thất bại ở Real vì lý do tương tự, và chẳng phải vô cớ mà người ta lại có hẳn một khái niệm mang tên “hội chứng mùa giải thứ 3 của HLV Mourinho”. Khái niệm này chỉ ra rằng, HLV Mourinho luôn thất bại ở mùa giải thứ 3 bởi các cầu thủ quá mệt mỏi với văn hóa ứng xử của ông thầy.
Những hành động chẳng đáng mặt đàn ông của HLV Mourinho thì có quá nhiều, đơn cử như việc từng chọc tay vào mắt Tito Vilanova hay tố trọng tài Anders Frisk đã nói chuyện riêng với HLV Frank Rijkaard trong giờ nghỉ trận đấu giữa Barca và Chelsea (trọng tài Frisk sau đó bị dọa giết và buộc phải giải nghệ vì không chịu nổi sức ép). Khi những chiêu trò và lời lẽ ngoa ngoắt đã tạo nên thương hiệu của HLV Mourinho, có lẽ cũng chẳng ai ngạc nhiên khi ông chống chế cho thất bại vừa qua của Chelsea trước Southampton bằng tuyên bố: “Trọng tài đã hèn nhát khi không cho Chelsea được hưởng 2 quả phạt đền”
Được dẫn dắt bởi một HLV hay kêu ca, phàn nàn và đổ lỗi như Mourinho, sẽ rất khó để Chelsea có được thành công bền vững như những gì Sir Alex từng làm được ở M.U. Nếu quả thực HLV Mourinho muốn dẫn dắt Chelsea trong ít nhất 10 năm tới, thì đấy đúng là thảm họa với The Blues. Đơn giản, lịch sử đã chứng minh Mourinho với cá tính đặc trưng là mẫu HLV quá non nớt để có thể xây dựng nên một đế chế hùng mạnh có thể thống trị các sân chơi trong một thời gian dài.