Bị đuổi lên khán đài trong trận M.U hòa West Ham 1-1 cách đây hai tuần, Jose Mourinho đã nâng tổng số lần bị truất quyền chỉ đạo trong sự nghiệp lên con số 14. Và một lần nữa, ông nhượng lại trách nhiệm trả lời truyền thông sau đó cho trợ lý Rui Faria.
Cái tên Faria quá quen thuộc với người hâm mộ trên tư cách là cánh tay phải của Mourinho. Ông đã làm công việc hiện tại suốt 15 năm. Ngay từ khi Mourinho chập chững ở Leiria tại quê hương Bồ Đào Nha, Faria đã ở đó. HLV thủ môn Silvino Louro cũng đã làm việc với Mourinho ngay từ những ngày đầu.
Thật khó tin là ban bệ huấn luyện của Mourinho có thể sát cánh với nhau lâu đến thế dù ông đã chuyển CLB 6 lần qua 4 quốc gia khác nhau. Mourinho bảo trái tim ông luôn dành trọn cho CLB mà ông làm việc. Trên thực tế, Mourinho trung thành với cộng sự hơn là đội bóng. Trung thành tất nhiên là một điều tốt. Alex Ferguson viết trong hồi ký: “Trung thành là phẩm chất mà tôi thích nhất ở một con người”. Nhưng trong sự nghiệp, Ferguson chưa từng làm việc với một trợ lý nào lâu như Mourinho làm với Faria hay Louro.
Ferguson có tổng cộng 7 trợ lý trong 27 năm làm việc ở Man United. Brian Kidd là ở lại lâu nhất, từ 1991 đến 1998. Người giàu ảnh hưởng nhất là Carlos Queiroz, làm việc trong hai thời kỳ khác nhau từ 2002 đến 2008, gián đoạn bởi một năm Queiroz cầm quân cho Real Madrid. Ferguson chưa từng gắn bó với Queiroz ở bất kỳ vai trò gì trước khi bổ nhiệm ông này vào một chân trợ lý. Thành tích nổi bật nhất của Queiroz thời điểm ấy là hai chức vô địch thế giới với đội U20 Bồ Đào Nha.
Khi Queiroz đến, M.U vẫn rất thành công ở Premier League nhưng không thể hiện được sự thống trị ấy ở châu Âu. Sau chức vô địch năm 1999, M.U không còn tiến xa ở Champions League nữa. Ferguson biết đội bóng cần một sự cách tân về chiến thuật, để thay cho sơ đồ 4-4-2 đã lỗi thời. Queiroz được bổ nhiệm để mang đến sự thay đổi ấy. Khi Roy Keane mâu thuẫn với Queiroz, Ferguson quyết định hy sinh thủ quân chứ không thay trợ lý.
Kết quả đến sau đó chứng tỏ Ferguson sáng suốt. Với một sự lột xác về lối chơi, M.U đã 3 lần vào chung kết Champions League trong giai đoạn 2006 - 2011 bên cạnh 4 chức vô địch Premier League. Đây là giai đoạn M.U thường xuyên ra sân mà không có trung phong thực thụ, khi ấy hãy còn là một cách chơi cực kỳ mới mẻ.
Vậy mà bây giờ, một M.U từng là lá cờ đầu của bóng đá Anh bỗng trở thành tập thể lỗi thời. Và Mourinho, “thuyền trưởng” của con tàu ấy, cũng lỗi thời không kém. Con thuyền đang tròng trành trong cơn bão cần một luồng gió mới, nhưng Mourinho và đội ngũ trợ lý quen thuộc của ông không mang đến sự tươi mới.
M.U quả nhiên đang rất xui xẻo, nhưng sự bất biến ở Mourinho trong cách vận hành chiến thuật là điều mà rất nhiều người thấy. Bao năm qua, ông vẫn đầy thận trọng ở những trận cầu lớn, vẫn thích phản công hơn là chủ động áp đặt thế trận và vẫn sử dụng trọng tài như một phần của thuyết âm mưu. Ông luôn cho người ta cảm giác là tất cả đều chống lại mình. Nhưng bao giờ thì Mourinho nhận ra: chính sự bất biến của ông đang chống lại chính ông.