Hai chiến tích quan trọng nhất dĩ nhiên là vô địch Champions League cùng Barcelona (2009, 2011). Ông được FIFA trao giải HLV xuất sắc nhất thế giới năm 2011. UEFA chọn Pep là HLV cho “đội bóng tiêu biểu trong năm” (2009, 2011). Ngoài ra là danh hiệu HLV xuất sắc nhất của Hiệp hội báo chí thể thao châu Âu (UEPS), của tổ chức thống kê bóng đá thế giới IFFHS, và tạp chí World Soccer - đều trong các năm 2009, 2011.
Những mốc thời gian kể trên có nghĩa rằng: ít nhất đã hơn 5 năm trôi qua mà không còn cuộc chinh phục vĩ đại nào mang tên Pep Guardiola. Tất nhiên, ông vẫn đều đặn gặt hái thành tích ở đây đó, từ Bundesliga đến Premier League. Nhưng, khi bàn về những sự vĩ đại, những điều lớn lao có thể làm nên giá trị tượng đài, người ta không mấy xem trọng kiểu thành tích như vô địch Bundesliga hoặc Premier League - dù là vô địch với vài kỷ lục đi kèm. Suy cho cùng, Premier League thì năm nào chẳng có một nhà vô địch, và chẳng lẽ đấy đều là những tượng đài?
Rồi cũng sẽ đến một ngày, Guardiola rơi vào hoàn cảnh của đồng nghiệp Jose Mourinho, đối diện với cái thực tế hết sức phũ phàng: rồi ai cũng phải... hết thời.
Vì quá giàu, các đội bóng lớn ở Premier League dễ dàng mời về các HLV nổi tiếng nhất thế giới. Chỉ mới cách đây không lâu (đầu mùa 2016/17), thiên hạ phải choáng ngợp, thay nhau bàn về “bộ sưu tập HLV siêu sao” của Premier League. Đấy là lúc Antonio Conte, Mauricio Pochettino, Arsene Wenger, Jose Mourinho, Pep Guardiola, Juergen Klopp, Claudio Ranieri chen chúc ở sàn diễn trung tâm. Đấy là chưa kể Sam Allardyce, Slaven Bilic, Ronald Koeman đều có lúc được tung hô ở chi tiết này hoặc khác. Và đấy là lúc Louis van Gaal, Guus Hiddink, Manuel Pellegrini chỉ vừa chia tay. Không có nơi nào khác trong thế giới bóng đá hiện thời quy tụ được một lực lượng huấn luyện nổi tiếng như thế.
Nhưng, đây là khác biệt quan trọng: “nổi tiếng” và “thành công” là hai chuyện khác nhau. Trong nhiều trường hợp, người ta chỉ nổi tiếng sau khi đã thành công, và không lặp lại được thành công sau khi đã nổi tiếng.
Nhiều người có thể giãy nảy lên, phản đối trước một nhận định kiểu như “Pep chỉ đến thế”. Sẽ chẳng bao giờ Pep Guardiola chinh phục được Champions League lần nữa. Tất nhiên, nhận định ấy có thể đúng hoặc sai ở tính chất dự đoán. Nhưng cần lưu ý: người ta đã nói như thế không phải một lần. Khoan nói chuyện vô địch, Pep thậm chí chưa hề trở lại được trận chung kết Champions League suốt 7 năm qua. Có thể nói: Pep đã... thất bại, so với cái tiêu chuẩn “thần thánh” mà người ta nghĩ về ông, hoặc so với cái tư thế của một siêu HLV từng “ăn sáu” hồi năm nào? Nói chung là Pep thất bại so với sự nổi tiếng của chính mình.
Vấn đề của các đội nhà giàu ở Pemier League là họ trở thành nô lệ của sự nổi tiếng. Họ không thể, không thích, càng không dám chọn một HLV mà không xét đến mức độ nổi tiếng (tức thành tích quá khứ) của ông ta. Chelsea dùng Sarri, kể ra là đã can đảm lắm rồi. Nhưng nói thẳng, nếu là Sarri cách đây 3 năm thì không bao giờ. Một phần nguyên nhân có thể nằm ngoài lĩnh vực chuyên môn. Chẳng hạn M.U mà dùng một HLV chưa có danh tiếng đáng kể, thì dù HLV ấy tài giỏi tới trời đi nữa, vẫn chẳng bảo đảm được thành tích cụ thể nào (vì đây là bóng đá). Trong khi đó, cổ phiếu rớt giá lại là cái điều chắc chắn. Và đấy là điều có khi còn quan trọng hơn thành tích. Dù muốn hay không, cứ phải nhìn vào thành tích cũ để chọn HLV, là vì vậy.
Lực lượng HLV ở Premier League hiện vẫn là nổi tiếng vô cùng. Họ từng là lực lượng giỏi nhất thế giới. Họ có “đang giỏi” hay không, liệu sắp tới sẽ thành công nữa hay không - đấy lại là chuyện khác.