“Họ đang chơi thứ bóng đá hay nhất trong lịch sử Premier League”. Nhận xét của bình luận viên Garth Crooks trên BBC như lọt thỏm giữa hàng trăm lời khen tương tự mà bạn phải đọc đến mỏi mắt mỗi khi đội bóng của Pep Guardiola thi đấu trong những ngày này. HLV Claude Puel của Leicester khẳng định Man City hiện là đội bóng số 1 châu Âu. Martin Keown gọi các cầu thủ Man City là “một chuỗi nghệ sĩ”. Keown có vinh dự là thành viên của đội Arsenal “Invincibles” - đội bóng duy nhất xưa nay từng có mùa bóng bất bại ở Ngoại hạng Anh. Anh nói: “Tôi rất mong Man City không lặp lại được thành tích lịch sử của Arsenal. Nhưng tôi tin rằng họ sẽ làm được như thế”.
Ngẫm kỹ, Leicester không đến nỗi tồi. Họ cũng tự tin chơi bóng, đầy sáng tạo, luôn thể hiện rõ sự tập trung và quyết tâm cao độ. Nhưng, tất cả cũng chỉ dẫn đến tình trạng lực bất tòng tâm. Chỉ có 19% thời gian bóng lăn trên phần sân Man City - dù đây là đội khách. Và riêng trong khoảng thời gian ấy, lại có đến 80% thời gian bóng lăn giữa các đôi chân của cầu thủ Man City. Triết lý của Pep Guardiola: nếu như quả bóng luôn thuộc về bạn, đối phương biết tìm đâu ra cơ hội ghi bàn?
Man City đang “mượn” các đối thủ ở Premier League để trình diễn thứ bóng đá của riêng mình
Trận này, nhà vô địch Ngoại hạng Anh 2015/16 giữ bóng 25%, chỉ cố sút được 2 quả và không có quả nào đúng hướng khung thành. Khi Man City làm khách trên sân nhà vô địch Ngoại hạng Anh 2016/17 (Chelsea) thì đối phương giữ bóng 38% và chỉ có 2 cú sút đúng hướng khung thành. Ngược lại, một khi cỗ máy tiqui-taca phiên bản Man City đã đi vào guồng từ lâu, thì việc ghi bàn gần như chỉ là một công đoạn đơn giản và tất yếu, dễ như đẩy một cánh cửa đã mở sẵn. Mới qua 12 vòng đấu, Man City đã có 40 bàn thắng. Hồi Leicester vô địch Ngoại hạng Anh, họ ghi 68 bàn trong cả mùa bóng. Ngay cả Arsenal trong mùa bóng 2003/04 - đội duy nhất trong lịch sử có toàn bộ chiếc cúp vô địch được mạ vàng, để ghi nhận kỳ tích bất bại trong suốt mùa - cũng chỉ có tổng cộng 73 bàn.
Vấn đề là Man City trong những ngày này không chỉ ghi bàn. Bàn thắng của họ dứt khoát phải đẹp. Đã đẹp lắm rồi, nếu David Silva tung cú dứt điểm từ đường chuyền tuyệt vời của Raheem Sterling, sau màn phối hợp thêu hoa dệt gấm giữa Sterling, Silva, Kevin De Bruyne. Nhưng, nếu Silva lại chuyền tiếp để Gabriel Jesus... chuyền vào lưới - như nó đã diễn ra trong pha mở tỷ số - thì càng đẹp hơn! Hoặc bàn thứ 2, đến từ cơ hội phản công khi Harry Maguire (Leicester) sút dội cột và bóng nẩy đến De Bruyne. Ngay lập tức, đường chuyền của De Bruyne đặt Leroy Sane vào tình thế rất thuận lợi. Nhưng, đấy không bao giờ là pha phản công.
Bạn đã bao giờ chứng kiến bàn thắng từ pha phản công mà đối phương có đến 6 cầu thủ trong khu cấm địa, thêm 1 người nữa đứng ngay bên ngoài? Không hề! Sane cố ý trì hoãn tốc độ - yếu tố cốt lõi của tình huống phản công. Và qua đó, anh đánh lừa toàn bộ hàng thủ Leicester, trả bóng để De Bruyne tung cú sút cháy lưới. Đã bảo, cách chơi của Man City trong những ngày này là một thứ bóng đá khác!