Phần còn lại của câu chuyện thì mọi người đã biết. Tuyệt đại đa số công chúng còn chưa biết Abramovich là ai, khi cái tin tỷ phú người Nga mua lại Chelsea trong mùa Hè 2003 được chính thức xác nhận. Khi ấy, dĩ nhiên M.U mới là đội đang được rao bán. Gia đình Glazer, người Mỹ, nâng dần cổ phần từ 3,17% lên 15% trong năm 2003. Trong vòng 2 năm, họ sẽ hoàn tất chiến dịch mua đứt M.U, trong sự phản đối đến một mức độ... biểu tình của giới hâm mộ.
Hàng ngàn cổ động viên cực đoan tại Old Trafford thất vọng đến nỗi họ tuyên bố cắt đứt quan hệ với M.U, tự thành lập đội FC United Of Manchester vào năm 2005, “khởi nghiệp” ở bảng hạng Nhì của giải North West Counties Football League, gọi nôm na là đẳng cấp... hạng Mười của bóng đá Anh. FC United Of Manchester leo dần 4 bậc, và giờ đây đang ổn định ở National League North - tức đẳng cấp hạng Sáu trên quê hương bóng đá.
Tiền nhiều để làm gì? Với hàng ngàn cổ động viên tự cho là “chân chính nhất” từng gắn bó với M.U, họ thậm chí còn phải hỏi tiếp: thành tích hoặc danh tiếng để làm gì? FC United Of Manchester tự hào là đội bóng... lớn nhất trong số các đội do cổ động viên sở hữu ở Anh hiện nay.
Các trận sân nhà của họ khi nào cũng đông nườm nượp. Mỗi thành viên có thẻ đều sở hữu một cổ phiếu và có quyền bầu cử ngang nhau. Sân nhà Broadhurst Park của FC United Of Manchester thậm chí cũng là do các cổ động viên góp tiền (50%) xây dựng.
Bây giờ, cơn cuồng tín tạm gọi là “tinh thần M.U” đã nguội lạnh. Đâu đó trong giới hâm mộ chắc đã có người cảm nhận: hóa ra việc “từng là cầu thủ M.U” chẳng ăn nhập gì với khả năng huấn luyện của Ole Gunnar Solskjaer.
Có thể M.U của Solskjaer sẽ chỉ kết thúc mùa bóng ở vị trí số 6 Premier League (dù, nói thẳng ra, đấy cũng không bao giờ là thất bại đối với nửa mùa bóng đầu tiên dẫn dắt M.U của Solskjaer).
“Tinh thần M.U” thật ra đang nằm ở cái giải đấu hạng Sáu của đội FC United Of Manchester kia, chứ còn đâu nữa ở cái đội bóng của các ông chủ người Mỹ, vốn mua lại M.U chỉ để kinh doanh.
Không thắng được Chelsea trong trận “đại chiến” cuối cùng của Premier League mùa này, thì M.U coi như yên phận. Còn nếu M.U thắng, Premier League sẽ có đoạn kết hấp dẫn nhất xưa nay, đặc biệt là trong trường hợp Arsenal chỉ hòa hoặc thua trên sân Leicester, vài giờ trước khi bóng lăn ở trận M.U - Chelsea.
Rút cuộc thì ai sẽ thắng? Mọi kết quả đều có thể xảy ra, dĩ nhiên. Vấn đề là cuộc đụng độ M.U - Chelsea kỳ này (hoặc mở rộng hơn là cả cuộc đua giữa họ với Arsenal đến tận cuối mùa) gợi lại câu chuyện nghe có vẻ “hoang đường” hồi năm 2003. Abramovich sang Anh để mua M.U, rút cuộc lại sở hữu đội Chelsea “nào đấy”.
Sẽ có một bất ngờ đậm tính ngẫu nhiên, giống hệt những cuộc mua bán ngày xưa? Rút cuộc thì suất cuối cùng dự Champions League thuộc về đội nào thì cũng bất ngờ vào giờ chót, như chuyện Abramovich sẽ mua đội nào hồi năm 2003?
Từ lúc Abramovich sở hữu Chelsea, đội này và M.U luôn ganh đua quyết liệt, và cho đến bây giờ thì mỗi bên có đúng 5 lần vô địch Premier League - so kè chẳng kém gì cuộc đua của chính họ ở Premier League ngay thời điểm này. Và so kè chẳng kém gì loạt sút 11m luân lưu đầy kịch tính giữa M.U với Chelsea trong trận chung kết Champions League 2008. Định mệnh khiến cho M.U và Chelsea luôn là như vậy?