Theo tính toán ban đầu thì tổng số tiền mà 20 CLB Premier League thu được từ các hợp đồng tài trợ áo đấu trong mùa giải tới lên đến 281,8 triệu bảng. Như thế, doanh thu từ tài trợ áo đấu của các CLB Premier League đã tăng gấp 3 chỉ trong vòng 7 năm qua, và nhiều hơn doanh thu tương tự của các CLB Bundesliga tới 160 triệu bảng!
Không có gì bất ngờ, M.U vẫn là CLB dẫn đầu, nhờ hợp đồng béo bở mang lại cho họ 47 triệu bảng mỗi mùa với hãng xe Mỹ Chevrolet. Tuy nhiên, Chelsea đang bám khá sát ở phía sau; hợp đồng với hãng lốp xe Nhật Bản Yokohama Tyres mang lại cho họ tới 40 triệu bảng mỗi mùa. Nhìn chung, Top 6 đã thể hiện sự vượt trội về sức hút so với phần còn lại. Cả 6 đội thuộc Top 6 đều có doanh thu từ tài trợ áo đấu trên 30 triệu bảng mỗi mùa.
Mùa này, do hợp đồng của Premier League với Barclays hết hạn, nên các đội bóng còn có cơ hội kiếm thêm một khoản kha khá từ việc “bán đất” trên... tay áo. Man City là đội tỏ ra nhanh nhạy nhất khi ký được hợp đồng trị giá tới 20 triệu bảng với Nexen, một công ty của Hàn Quốc. Các CLB khác cũng đang tích cực tìm kiếm đối tác sẵn sàng mua “mảnh đất” này. Riêng M.U thì không cần, do hợp đồng của họ với Chevrolet bao gồm cả quảng cáo trên tay áo.
Một chi tiết đáng chú ý liên quan tới tài trợ áo đấu ở Premier League là sự trỗi dậy của các hãng cá cược. Có tới 9 CLB, chủ yếu là các CLB hạng trung và thấp hơn, đang được tài trợ bởi các đối tác là những công ty cung cấp dịch vụ cá cược.
TOP 10 PREMIER LEAGUE VỀ TÀI TRỢ ÁO ĐẤU CLB Hãng (nước) Giá trị* Ngành M.U Chevrolet (Mỹ) 47 Xe hơi Chelsea Yokohama (Nhật) 40 Lốp xe Man City Etihad (UAE) 35 Hàng không Tottenham AIA (Trung Quốc) 35 Bảo hiểm Arsenal Fly Emirates (UAE) 30 Hàng không Liverpool Standard Chartered (Anh) 30 Ngân hàng West Ham Betway (Malta) 10 Cá cược Everton SportPesa (Kenya) 9,6 Cá cược C.Palace ManBetX (Philippines) 6,5 Cá cược Newcastle Fun88 (Trung Quốc) 6 Cá cược *: đơn vị triệu bảng, mùa 2017/18 |