"Bạn có thể thấy chúng tôi hiếm khi chơi được ở đẳng cấp như vậy trong một thời gian dài", chia sẻ của HLV Ole Gunnar Solskjaer sau chiến thắng ngoạn mục trước PSG ở vòng 1/8 Champions League là sự miêu tả chính xác nhất về hình ảnh của một đế chế từng thống trị châu Âu.
Kể từ khi Sir Alex Ferguson nghỉ hưu năm 2013, M.U chưa bao giờ vô địch Ngoại hạng Anh hay Champions League. Nhưng trong thời gian đó, doanh thu của Quỷ đỏ tăng từ 363,2 triệu bảng lên thành 590 triệu bảng vào năm ngoái, chỉ sau Real Madrid và Barcelona trên toàn thế giới.
Những người thân cận với M.U đều nhận ra một sự thật là kinh doanh thể thao không còn ràng buộc với kết quả trên sân. Nhưng liệu M.U có tiếp tục trở thành đội bóng có lợi nhuận và được kính trọng nhất thế giới nếu không chinh phục các đấu trường lớn nhất?
"Chúng tôi vẫn phải thắng", trưởng phòng tài chính Cliff Baty của M.U cho biết. "Vấn đề là chúng tôi không cần thắng chỉ để thành công trên thương trường, chúng tôi cần thắng bởi vì đó là bản ngã của trò chơi này".
Những người có chức trách của M.U đang làm việc cật lực để mở rộng các hoạt động thương mại, khai thác công nghệ để thu hút fan trẻ tuổi và đại tu các chiến lược tài trợ. Những việc này nhằm để kiếm tiền, rốt cuộc vẫn là để tái đầu tư vào bóng đá.
Văn hóa giành chiến thắng luôn đúng kể cả bên ngoài sân cỏ. Như Sir Alex từng nói: "Chúng tôi không bao giờ bị đánh bại, đôi khi chúng tôi lỗi thời thôi". Và M.U đã lỗi thời trên sân cỏ nhưng chưa bao giờ bị đánh bại trên lĩnh vực kinh doanh.
"Tôi nghĩ M.U là một trong số ít những đội bóng có thương hiệu mạnh và sức hấp dẫn đủ để chịu đựng được sự xuống cấp về phong độ trong một thời gian dài", Nigel Currie - nhà sáng lập công ty tư vấn thể thao NC Partnership cho hay. "Nhưng, đương nhiên, không phải là mãi mãi".
PCT kiêm GĐĐH Ed Woodward, người có thể coi là nhân vật quyền lực số 1 của M.U, khẳng định: "Màn thể hiện trên sân không thực sự tác động tới những thứ chúng tôi có thể làm ở lĩnh vực kinh doanh".
Theo Woodward, bất chấp những biến số trong chuyên môn, khả năng kinh doanh của M.U có thể dự báo được. Tức là những nguồn lợi nhuận của M.U có thể biết trước. Ví dụ như Quỷ đỏ ước tính được sẽ có doanh thủ kỷ lục dao động trong khoảng 615 - 630 triệu bảng trong năm nay, gần gấp đôi so với một thập kỷ trước.
1/3 doanh thu của M.U đến từ bản quyền truyền hình, đặc biệt từ khoản chia sẻ trong gói 8 tỷ bảng của Ngoại hạng Anh ký với các hãng truyền hình. M.U cũng thu về hơn 18% doanh thu từ bán vé trận đấu ở Old Trafford. Sân vận động có sức chứa hơn 75.000 chỗ ngồi này gần như bao giờ cũng chật cứng.
Hoạt động thương mại, chủ yếu là các hợp đồng tài trợ chiếm tới hơn 50% tổng doanh thu. Những nhà tài trợ chính vẫn còn giao kèo tới nhiều năm nữa. Ví dụ như năm 2015, M.U ký hợp đồng một thập kỷ tài trợ trang phục thi đấu với Adidas trị giá 750 triệu bảng. Nhà tài trợ chính của M.U, tập đoàn xe Chevrolet Motor cũng cam kết cung cấp 420 triệu bảng theo hợp đồng 7 năm kéo dài tới 2022. Thỏa thuận này được xác nhận dựa trên khả năng tiếp cận của M.U với thị trường Trung Quốc - nơi đội bóng tuyên bố có hơn 100 triệu người hâm mộ.
Theo thời gian, cách làm việc của M.U chuyển biến theo hướng các hợp đồng tài trợ ít hơn nhưng quy mô thì lớn hơn. Phòng thu hút tài trợ của M.U có khoảng 100 người, lớn hơn rất nhiều mọi đội bóng khác. Phần lớn trong số họ là những chuyên gia phân tích chuyên thu thập dữ liệu công nghiệp, gửi cho nhân viên bán hàng để giúp chốt hợp đồng.
Việc nghiên cứu chuyên sâu này giúp M.U tìm kiếm các hợp đồng tiếp thị ở xa hơn, đến giờ là hơn một tá nhà tài trợ trên toàn thế giới. Trong đó bao gồm Chi - đối tác đồ uống thể thao chính thức ở Nigeria, Manda Fermentation - đối tác thực phẩm dinh dưỡng ở Nhật Bản. Mô hình này đã bị hàng loạt đối thủ sao chép.
Nhưng đến thời điểm hiện tại, M.U sẵn sàng cho phép một vài hợp đồng kiểu đó ra đi để chú trọng vào một nhóm nhỏ hơn nhưng có tính toàn cầu và có thể chi nhiều tiền hơn. Một trong số đó là tập đoàn Kohler - nhà tài trợ trên tay áo đầu tiên của M.U.
Chưa dừng lại ở đó, tháng 8 năm ngoái, M.U cho ra mắt ứng dụng trên điện thoại chính thức của mình. Ứng dụng này cung cấp cho người dùng những thông số trực tiếp trong trận đấu, những màn phỏng vấn và nhiều nội dung khác. Mục đích của ứng dụng này là xây dựng mối tương tác trực tiếp với người hâm mộ, và từng người họ là một khách hàng tiềm năng, qua đó thu thập dữ liệu về sở thích của khách hàng. Chỉ trong thời gian ngắn, ứng dụng của M.U trở thành thứ được tải về nhiều nhất ở 70 quốc gia.
Real Madrid vượt qua M.U để trở thành đội bóng giàu nhất thế giới vào năm ngoái phần nhiều là vì khoản bản quyền truyền hình cùng tiền thưởng kếch xù sau 3 chức vô địch Champions League liên tiếp. Tuy nhiên, M.U khẳng định họ ít phụ thuộc vào thành công ở đấu trường châu lục hơn đối thủ nhờ đã xây dựng một chiến lược tài chính phù hợp với mục tiêu "khiêm tốn" thường xuyên là đứng thứ thứ 3 ở Ngoại hạng Anh và vào đến tứ kết Champions League.
Do đó, có thể tin là khi Real mất đi nguồn thu đáng kể với việc bị loại ngay ở vòng 1/8 Champions League mùa này, ngôi vị đội bóng giàu nhất thế giới sẽ trở lại với M.U kể cả khi họ không vô địch cúp châu Âu.
Nhưng nếu những màn thể hiện tồi tệ trở thành đặc trưng của M.U, vấn đề sẽ lớn hơn. Tai hại có thể đến từ những việc ngay trước mắt. Ví dụ như nếu M.U không được tham dự Champions League trong 2 mùa liên tiếp, họ sẽ bị adidas phạt tài trợ ít đi 21 triệu bảng cho mỗi năm không thi đấu cúp châu Âu.
Xa hơn nữa, nếu M.U chẳng bao giờ còn là một ứng viên cho những mặt trận danh giá như Ngoại hạng Anh và Champions League, sự hấp dẫn của họ với thế hệ người hâm mộ mới sẽ giảm sút nghiêm trọng, dẫn tới những hệ lụy về sau.
M.U kiếm tiền không phải chỉ để cất trong ngân hàng, họ đã ném rất nhiều tiền để giải quyết vấn đề của mình. Trong 6 mùa trước khi Sir Alex nghỉ hưu, M.U chỉ là đội có quỹ lương đứng thứ 3 ở Ngoại hạng Anh, trong khi vẫn giành 3 chức vô địch quốc nội và vào tới chung kết Champions League 3 lần, thắng 1 lần.
Đó là một màn thể hiện quá đỗi ấn tượng nếu biết rằng tiêu chí dự đoán thứ hạng ở giải VĐQG chuẩn xác nhất chính là quỹ lương.
Kể từ sau khi Sir Alex nghỉ hưu, M.U đã chi nhiều tiền hơn nhưng không hiệu quả. Trong 5 mùa gần nhất, M.U có quỹ lương cao nhất Ngoai hạng Anh nhưng chưa bao giờ bén mảng tới chức vô địch quốc nội cũng như chỉ vào tới tứ kết Champions League đúng 1 lần.
GĐĐH của hội CĐV M.U, Duncan Drasdo cho rằng: "Những tàn phá đã có từ trước khi Sir Alex nghỉ hưu và nó vẫn chưa được khắc phục". Duncan Drasdo khẳng định M.U đã phải chi ra quá nhiều để khắc phục những vấn đề riêng của nhà Glazers, đặc biệt là thanh toán khoản nợ lên tới 790 triệu bảng để mua lại CLB vào năm 2005, thay vì nâng cấp lực lượng.
"Nếu bạn thực sự muốn tranh chấp chức vô địch với PSG, bạn phải đầu tư như PSG. Rõ ràng đó không phải là điều chúng tôi sẽ làm", Duncan Drasdo chán nản.
Quan điểm của Duncan Drasdo có lẽ hơi phiến diện nếu biết trong 5 mùa vừa qua, số tiền mà M.U bỏ ra để mua cầu thủ (số tiền chuyển nhượng trừ đi số tiền lãi thu về) lên tới hơn 500 triệu bảng.
Rõ ràng, không phải là M.U không có tiền, họ chỉ không biết cách tiêu tiền sao cho hiệu quả chuyên môn. Solskjaer có thể là một người thay thế Sir Alex hoàn hảo. Nhưng thời đại của Solskjaer khác xa với thời đại của Sir Alex. Giờ đây, nhu cầu về một giám đốc kỹ thuật đang bức thiết hơn bao giờ hết.
Những đối thủ trực tiếp như Liverpool, Man City và Tottenham đã có người phụ trách vai trò này để xây dựng đội ngũ phù hợp qua mỗi mùa, chọn lựa tân binh và đào tạo các cầu thủ trẻ. M.U từng đưa vấn đề này ra trước đây nhưng Mourinho một mực phản đối với bất cứ điều gì có thể hạn chế quyền lực của ông.
Thời điểm hiện tại là thời gian phù hợp để M.U trở lại đúng nghĩa của một đội bóng mạnh, không chỉ trong hầu bao mà còn trên sân cỏ. Khả năng chịu đựng việc không có danh hiệu có thể kéo dài thêm vài năm nhưng sự kiên nhẫn của người hâm mộ thì chạm tới giới hạn. Sửa nghịch lý thành hợp lý là việc phải làm, nhất là khi Solskjaer có chung tầm nhìn với Woodward.