Liverpool đã bỏ ra nhiều tiền đầu tư cho học viện, từ xây dựng cơ sở vật chất cho tới thuyết phục những tài năng nhí gia nhập đội. Nhưng rồi lần lượt những Robbie Fowler và Steven Gerrard mới đã phải thu dọn đồ đạc rời Kirkby mà chưa một lần chen chân nổi lên đội hình chính. Nhưng đó là chuyện bình thường, vấn đề là phần đa trong số đó ra đi với giá rẻ mạt, thấp hơn cả giá trị thực của họ trên thị trường.
Với một đội bóng lớn, nếu như học viện không phải là nơi cung cấp các cầu thủ trụ cột mang linh hồn đội bóng, thì chí ít cũng nên là một nguồn cung kinh tế. Học viện Liverpool từng không đáp ứng được tiêu chí nào trong đó.
Ít năm qua, điều này đã thay đổi. Các sản phẩm của học viện Liverpool đang cạnh tranh quyết liệt trên đội một, thậm chí chen được chân vào đội hình chính, như Trent Alexander-Arnold hay Rhian Brewster. Điều đó mang lại lợi ích trước hết cho Lữ đoàn Đỏ, và lợi thế đó đang được họ tận dụng một cách trọn vẹn, không chỉ ở khía cạnh chuyên môn mà còn trong lĩnh vực kiếm tiền.
Jordon Ibe, Brad Smith, Danny Ward, Kevin Stewart và Andre Wisdom giúp The Reds thu về tổng cộng 45 triệu bảng tiền chuyển nhượng, thừa đủ cho họ đổi lấy Mohamed Salah từ AS Roma, cộng thêm một khoản chè thuốc cho các tuyển trạch viên.
Ibe không bao giờ vươn tới được đẳng cấp của Sterling
Qua rồi cái thời mà người Liverpool phải nuốt nước mắt vào trong nhìn thần đồng Suso tung tăng ở sân cỏ Milano sau khi thu về vỏn vẹn 1 triệu bảng. Thủ quân của Wolves, Conor Coady cũng là một trường hợp tương tự, với chỉ 500.000 bảng tiền chuyển nhượng sang Huddersfield năm 2014.
Ngày nay, Liverpool ở một vị thế khác. Ben Woodburn, Sheyi Ojo, Taiwo Awoniyi, Ovie Ejaria hay Pedro Chirivella một khi không thể đạt đến tiềm năng như mong đợi, vẫn sẽ là món hàng hot trên TTCN. Nếu Michael Edwards vẫn giỏi đàm phán như ông luôn thế, thì thêm 40 triệu bảng nữa hoàn toàn có thể chảy vào ngân quỹ The Reds chỉ với những cái tên kể trên. Ngay cả khi không thể đóng góp về chuyên môn, họ vẫn đóng góp được về kinh tế cho đội bóng.
Không chỉ những sản phẩm học viện, mà hầu như mọi thương vụ đều được Liverpool thực hiện một cách khôn ngoan. Dominic Solanke là một ví dụ khá điển hình cho khả năng thương lượng tuyệt vời của Edwards. Gia nhập đội bóng thành phố cảng năm 20 tuổi từ Chelsea với phí đào tạo khoảng 3 triệu bảng sau một kỳ U20 World Cup đầy ấn tượng, nhưng Solanke chưa bao giờ đáp ứng được yêu cầu dù được Juergen Klopp trao rất nhiều cơ hội. Chơi 21 trận và chỉ ghi được 1 bàn thắng, số tiền gần 20 triệu bảng thu về từ Bournemouth có thể xem là một món hời.
Thương vụ bán Solanke nhận được rất nhiều lời khen từ CĐV Liverpool
Simon Mignolet hầu như không được ra sân mùa trước bởi chỉ sắm vai dự bị cho Alisson Becker, nên những đóng góp của anh nếu có cũng chỉ về mặt tinh thần. Hè này, Liverpool bán tuyển thủ Bỉ với giá 7 triệu bảng để đem về Adrian theo dạng CNTD. 7 triệu cũng là đủ để Liverpool bù đắp lại số tiền họ đã chi ra trong cả mùa hè qua cho hai cầu thủ tuổi teen Harvey Elliott và Sepp van den Berg. Elliott và Van den Berg có thể còn rất trẻ, nhưng nếu được nuôi dưỡng đúng cách, họ có tiềm năng trở thành những Salah hay Van Dijk mới.
Danny Ings là một thương vụ hời khác của Edwards. Chỉ mất 8 triệu bảng để có được chân sút từng là hay nhất của Burnley, sau 4 mùa bóng không đóng góp được nhiều vì chấn thương, Liverpool bán anh sang Southampton, đổi lại 22 triệu bảng. Dejan Lovren, một trung vệ dự bị, cũng đang được chào giá hơn 20 triệu euro cho Milan và Roma, con số không nhỏ đối với vị thế của anh ở hàng phòng ngự The Reds cũng như độ tuổi đã bước sang ngưỡng 30.
Không có một kỳ chuyển nhượng ồn ào như nhiều đội bóng lớn khác, nhưng không thể phủ nhận tài năng của Edwards sau những vụ bán cầu thủ đầy mưu lược ông thực hiện thời gian qua. Từ một đội bóng ngây thơ, Liverpool lúc này xứng danh “cáo già” trong lĩnh vực bán cầu thủ. Điều này mang lại cho họ nguồn lợi không nhỏ về tài chính, từ đó đang ít nhiều tác động tới chuyên môn, mà bằng chứng dễ thấy nhất là chiếc cúp Champions League vào tháng 5 vừa qua.