Họ cũng đã thủ hòa Liverpool trong tháng trước, khiến đội bóng của Juergen Klopp thất thế trước Man City ở cuộc đua vô địch. Ole Gunner Solskjaer biết rõ đội bóng của ông không thể xem thường một đối thủ như vậy.
Vâng, cái thua của M.U, khi không có yếu tố “khinh địch”, thì đấy chính là thua về khả năng, và cả tinh thần. Đấy là một M.U thụ động trong phòng ngự, bế tắc trong tấn công, và xem ra chẳng có một chút tinh thần thi đấu nào, kể cả khi đứng trước hoàn cảnh lẽ ra phải rất hưng phấn vì chút cơ hội lọt vào Top 4 (nếu thắng, theo lý thuyết).
Tương phản hoàn toàn với hình ảnh M.U là một Everton kiểm soát tốt mọi chuyện, làm gì cũng hợp lý, khi nào cũng sớm hơn, chuẩn hơn, nhanh hơn. Tất nhiên, vì bóng đá là môn đối kháng, và trong nhiều trường hợp thì cái dở của đội này đồng nghĩa với cái hay của đội kia.
Đội bóng của Solskjaer rời sân trong giờ giải lao với nhiều kỷ lục không muốn có. Đấy là lần đầu tiên kể từ khi Solskjaer huấn luyện, M.U không sút được quả nào đúng hướng khung thành trong suốt hiệp 1 (gần hết trận, vẫn chẳng có quả nào). Đấy cũng là lần đầu tiên trong kỷ nguyên Premier League, M.U thủng lưới trên 45 bàn trong một mùa bóng, dù mùa này vẫn chưa khép lại.
Dè bỉu M.U trong trận vừa qua thì quá đơn giản, và dĩ nhiên không sai. Nhưng, sao Louis Van Gaal không chê M.U “chẳng khác thời Mourinho giai đoạn cuối” lúc Solskjaer thắng như chẻ tre? Cũng vậy, đâu thấy ai bảo hợp đồng chính thức với Solskjaer là sai lầm lớn, khi M.U loại PSG ở Champions League.
Cửa vào Champions League mùa tới gần như đã đóng sầm trước M.U, sau trận thua này. Nhưng trong cái nhìn toàn cục thì Solskjaer không thất bại, M.U cũng chẳng mất gì. Sự thật thì đấy đã là một M.U hoàn toàn không có hy vọng, ở cả Premier League lẫn Champions League, do Mourinho để lại. Solskjaer xuất hiện và biến tình trạng “không có gì” thành chỗ “có cơ hội”.
Ngày xưa, danh thủ Hà Lan là Rob Rensenbrink sút bóng dội cột ở phút 88, khi trận chung kết World Cup 1978 đang có tỷ số hòa. Quả ấy mà vào thì Hà Lan đã vô địch World Cup? Nói cách khác, Rensenbrink đã bỏ lỡ một cơ hội để đời?
Sau này, người ta phát hiện Rensenbrink, khi ông đã “ẩn dật” suốt một thời gian dài. Cơ hội để đời kia được khơi lại. Và thiên hạ ngã ngửa: Rensenbrink xa rời thế giới bóng đá vì ông quá chán ngán kiểu bình luận vô nghĩa như vậy. Rensenbrink nói: “Không có cơ hội nào hết. Tôi biến một pha bóng coi như đã chết thành một cú sút dội cột. Không thể nào hơn được nữa”.
M.U của Solskjaer chính là như vậy. Bây giờ mà người ta còn đang bàn, rằng Quỷ đỏ không thể vào Top 4 nữa, thì đấy đã là những gì Solskjaer đã làm được. Đáng lẽ đội bóng vốn là của Mourinho đã chìm nghỉm ở đâu đó giữa bảng xếp hạng rồi chứ. Đáng lẽ thiên hạ đâu có đề tài gì về M.U trong giai đoạn này.
Vấn đề trong trận vừa qua là Solskjaer có thể làm gì trong giờ giải lao hay không. Câu trả lời dĩ nhiên là “không”. Có thể, những gì Solskjaer làm được thì ông đã làm hết từ trước khi bóng lăn rồi. Cũng có thể, các cầu thủ M.U đã thấy rõ khả năng của chính họ từ trước khi nhập cuộc rồi. Họ đã, cùng Solskjaer, làm cho cuộc đua Top 4 tưng bừng lên trong thoáng chốc. Và họ đã trở lại với hiện thực từ trận thua Wolverhampton, chứ không phải ở trận này.
Solskjaer không hay, cũng chẳng dở. Và do vậy, cũng chưa thể kết luận gì về bản hợp đồng của ông. Việc sắp tới là M.U cần tìm giám đốc kỹ thuật, hoặc Solskjaer cần tìm trợ lý giỏi. Họ sẽ có cuộc chơi mới, thế thôi!