Nhưng trước khi có những thông tin tích cực về khả năng gia hạn hợp đồng với De Gea, đội bóng của HLV Ole Gunnar Solskjaer phải chuẩn bị một danh sách gồm 3 thủ môn mà họ cần mua gấp. Đó là Jan Oblak của Atletico Madrid, Andre Onana của Ajax, Gianluigi Donnarumma của Milan. Toàn hảo thủ!
Một người hâm mộ bình thường khó lòng thoát khỏi cảm giác tự hỏi: vậy 6 ông thủ môn kia để làm gì? Tất nhiên, trên thực tế thì hầu hết họ sẽ bị đẩy sang các đội bóng nhỏ theo hình thức cho mượn. Còn lại 2-3 người cũng chỉ để làm thủ môn dự bị. Dứt khoát cứ phải có một danh thủ trấn giữ khung thành trong các trận đấu quan trọng, nên M.U cần chuẩn bị sẵn các phương án, dự phòng cho trường hợp không giữ được De Gea. Đấy mới là chỗ đáng bàn.
Phải chuẩn bị 3 phương án là để nếu không mua được Oblak thì sẽ cố mua Donnarumma, hoặc đàm phán gấp với Onana. Hoặc cứ đảo ngược các tình huống ấy. Nghe cũng có vẻ hợp lý. Nhưng, bóng đá đỉnh cao không bao giờ là như vậy.
Chuyện về De Gea chỉ là ví dụ cụ thể, tiêu biểu cho rất nhiều câu chuyện khác nói lên chỗ kém cỏi của một đội bóng giàu đến nứt đố đổ vách như M.U. Đứng trước khả năng mất ngôi sao này, họ sẽ tiếp cận một ngôi sao khác để mời về thay chỗ. Không mua được ngôi sao này, họ cũng sẽ mua một ngôi sao khác, ở mức độ tương đương về danh tiếng. Hoặc ít ra, đấy là những giải pháp, kế hoạch.
Vấn đề của bóng đá đỉnh cao là ở chỗ, mỗi ngôi sao đều có đặc điểm riêng và thường chỉ thích hợp với một quan điểm, cách chơi, môi trường cụ thể. Nếu chỉ đơn giản lắp ráp những cái tên nổi bật thành một đội, thì... ai huấn luyện chẳng được. Bóng đá đỉnh cao không bao giờ là như vậy.
Bài học Alexis Sanchez còn đang sờ sờ ra đấy. Henrikh Mkhitaryan chuyển sang Arsenal, và M.U rước Alexis Sanchez theo chiều ngược lại, như một vụ đổi chác thuần túy. Thế rồi, Sanchez trở thành “của nợ” suốt từ đầu năm 2018 đến nay. Không dễ nói về đẳng cấp chuyên môn của Sanchez, bởi anh đã tỏa sáng ở Arsenal, chơi thành công ở Barcelona, thậm chí được xem là báu vật ở đội tuyển Chile. Nhưng tại sao Sanchez lại không thành công ở M.U, thì đấy có khi là một câu hỏi thừa thãi. Chẳng có điều gì đảm bảo rằng Sanchez sẽ không thất bại.
Nghe nói, M.U phải đang tìm cách đàm phán với Sanchez trong những ngày này. Bồi thường một số tiền nhất định để anh chấm dứt hợp đồng. Thậm chí còn có cả giải pháp đền tiền “dưới gầm bàn”. Nghĩa là cũng chẳng “gỡ” được bao nhiêu, nhưng một khi Sanchez “đi phứt” thì M.U sẽ nhẹ nhõm thoát khỏi tình trạng các cầu thủ khác tị nạnh với mức lương (và thưởng) 500.000 bảng/tuần của Sanchez. Sở dĩ đội bóng của Ed Woodward phải điêu đứng với David De Gea suốt 18 tháng gần đây chẳng qua cũng vì De Gea đòi phải được lĩnh lương cao như Sanchez (và đấy là yêu cầu hợp lý).
Lương bổng, suy cho cùng, cũng... chỉ là tiền. Trên thực tế, còn có tình trạng các cầu thủ nhìn vào mức lương của nhau mà đá. Và đấy mới là chỗ nguy hiểm hơn cả. Chê Romelu Lukaku ư? Sao không hỏi Lukaku được trả bao nhiêu tiền, và so sánh với Sanchez? Tất nhiên, chẳng ai bảo Lukaku cố ý sút hỏng chỉ vì đồng đội lĩnh lương cao hơn (và cũng đá dở). Nhưng cái tâm lý vừa nêu là điều, xin nhắc lại, quả có thật trong bóng đá nhà nghề.
Về mặt kinh nghiệm, không ít “người của bóng đá” đã nói về tình trạng này. Họ thà trả phí chuyển nhượng thật cao để mua cầu thủ, đơn giản vì đấy là quy luật thị trường. Như thế còn hơn trả những mức lương điên rồ cho các cầu thủ rẻ mạt hoặc miễn phí.