Những ứng cử viên được nêu tên đều gây nức lòng NHM, bởi lẽ mỗi sự tồn tại của họ đều gắn liền với tên tuổi của đội bóng. Đấy là Roy Keane (Man United), Steven Gerrard (Liverpool), John Terry (Chelsea) và Patrick Vieira (Arsenal). Kết quả cuối cùng là Keane chiến thắng với 37% lượng phiếu bầu. Sau anh là Gerrard (31%), Terry (20%) và Vieira (12%). Dẫu thế ta phải nói rằng những cái tên như Steven Gerrard, John Terry và Patrick Vieira khi cất lên, họ tạo một cảm giác nhắc đến họ là nhắc đến CLB.
Đấy là những thứ xúc cảm mà những đội trưởng ngày trước tạo được, mà những “captain” hôm nay không ai tạo ra. Hãy nhìn nhóm “Big Six” đi là hiểu, Vincent Kompany đã chia tay Manchester City và nửa xanh Manchester đang vật vã tìm người thay thế, Jordan Henderson chỉ là đội trưởng trên tinh thần còn trình độ của anh ở một mức dưới so với hai chữ “đội trưởng”, Cesar Azpilicueta bị coi là đội trưởng tệ hại nhất lịch sử Chelsea sau khi đứng yên nhìn cảnh Kepa Arrizabalaga “bật” cựu HLV Sarri mùa trước, đội trưởng của Tottenham là thủ môn Hugo Lloris trầm lặng, đội trưởng Arsenal là Laurent Koscielny vừa mới trốn tập hôm trước. Có nghĩa bàn về “caption” của nhóm “Big Six” hôm nay thì phải xin lỗi tình yêu là quá thảm họa, quá tầm thường so với tầm vóc và chẳng gợi nhớ được điều gì?
“Roy Keane không khóc khi không thể có mặt ở trận chung kết. Với Roy Keane không có nước mắt.” Trợ lý Steve McClaren kể lại vai trò của Roy Keane trong mùa giải ăn ba năm 1998/99. Ông còn kể lại một câu chuyện nội bộ như sau: “Chúng tôi gặp Inter Milan và dẫn trước 1-0 sau hiệp 1.
Trong phòng thay đồ, tôi cổ vũ các cầu thủ. Và Roy Keane gầm lên “Im đi Steve, thực sự chúng ta đá không ngửi nổi.” Kết quả, hiệp 2 chúng tôi thắng 2-0.” Tất cả những thành viên năm đó đều nhắc về vai trò thủ lĩnh của Roy Keane như là người anh lớn của cả đội. Roy Keane được Teddy Sheringham miêu tả là người “nếu MU mà gặp nguy hiểm, anh sẽ đá rắn hơn tất cả, còn nếu không, anh ấy sẽ bình tĩnh hơn tất cả.
Bạn có “sướng” không khi mình có một người anh cả như thế lãnh đạo đội? Câu trả lời là sướng vô cùng. Và đó là thứ mà Manchester United năm xưa từng có. Sau này Nemanja Vidic kế thừa tấm băng đó, và trừ phi gặp Fernando Torres, thì anh chưa hề gây thất vọng với 2 chữ “đội trưởng” mà anh mang trên mình. Chiếc băng đội trưởng của Manchester United hôm nay là tệ hại của những tệ hại, Antonio Valencia thì đã chia tay đội bóng, Ashley Young là một thảm họa đúng nghĩa, các cầu thủ khác “sống lâu sinh lão làng” và chẳng ai xứng đáng với hai chữ đội trưởng khi khoác lên mình màu áo của Manchester United lúc này.
Ole Gunnar Solskjær muốn Paul Pogba là đội trưởng ư? Xin lỗi, Jose Mourinho đã thử nghiệm năm ngoái và sau vài trận tương đối ấn tượng, người hâm mộ chỉ có thể thốt lên “Không thể tin được kẻ đó.” David De Gea là một thủ môn, và do đó dù tài năng và có uy tín lớn thì lại quá hạn chế về phạm vi can thiệp các tình huống nóng của trận đấu. Ander Herrera thì đã ra đi, Nemanja Matic xuống quá nhanh về chuyên môn, trong khi Matthijs de Ligt đã là người của Juventus. Có nghĩa, Manchester United lúc này không có thủ lĩnh uy tín từ chuyên môn đến tinh thần, thứ đã khiến họ sống trong hỗn loạn và mất đi phương hướng suốt những năm qua.
Vấn đề của Ole Gunnar Solskjær trong mùa hè này vì thế bên cạnh ai đi ai ở, còn là phải đi tìm người mang quyền trượng trên sân cỏ. Tìm được người đó, thì Solskjær đã có thêm một trợ lý của riêng mình.