Bóng Đá Plus trên MXH

Làm thế nào hóa giải sơ đồ 3-4-3 ở Ngoại hạng Anh?
Vịnh San • 18:49 ngày 09/08/2017
Từ Chelsea, cơn sốt sử dụng sơ đồ 3-4-3 đã lan sang hầu hết các đội bóng khác ở Premier League. Nó lập tức trở thành xu hướng thời thượng bởi như cựu danh thủ Gary Neville nhận định, là hệ thống rất khó bị phá vỡ. Mặc dù vậy, bất kỳ sơ đồ nào cũng có điểm yếu. 3-4-3 cũng vậy.

    Nhà nhà đều chơi 3 hậu vệ

    Thật ra cơn sốt 3 hậu vệ đã manh nha ở Premier League từ mùa 2014/15. Đó là khi sơ đồ   4-2-3-1 trở nên quá phổ biến và các HLV muốn tạo ra cái gì đó mới mẻ, đặc biệt khi chứng kiến những gì Hà Lan đã thể hiện tại World Cup 2014. 

    Thật không may, những kẻ đi tiên phong, gồm Liverpool, Hull City, Newcastle, West Brom và cả M.U, đội được dẫn dắt bởi Louis Van Gaal, người làm sống lại sơ đồ 3-5-2, đều thất bại thảm hại. Các nhà phân tích dè bỉu hệ thống 3 hậu vệ khó có thể tồn tại ở Anh, nơi các trận đấu diễn ra với tốc độ và cường độ cao, trong khi hầu hết đội bóng lại rất mạnh với những đợt phản công xuống cánh. 

    Chơi với 3 hậu vệ là tự sát. Và các HLV dần bỏ rơi nó. Cho đến khi Antonio Conte xuất hiện tại Cheslea ở mùa giải trước. Bắt đầu từ trận thua Arsenal, việc HLV người Italia chuyển sang chơi 3-4-3 thực sự là bước ngoặt lớn, không chỉ với Chelsea mà cả Premier League. Hàng thủ của The Blues trở nên kiên cố với 3 trung vệ và 2 tiền vệ trung tâm, đồng thời giúp giải phóng Eden Hazard. Dọc hai biên, Victor Moses và Marcos Alonso là vũ khí nguy hiểm, vừa che chắn cho các hậu vệ vừa hỗ trợ đắc lực cho các cầu thủ tấn công. Cùng sơ đồ này, The Blues đi từ vị trí thứ 8 đến ngôi vô địch!

    Thành công của Chelsea đã cám dỗ phần còn lại của Premier League học theo họ. Kết thúc mùa giải, 18/20 đội áp dụng sơ đồ này, đồng thời có tới 135 lần các đội chơi với 3 hậu vệ, nhiều hơn 22 lần mùa trước đó. Ngay cả người bảo thủ như Arsene Wenger, hoặc bị cho là “chậm tiến về chiến thuật” như Jose Mourinho cũng không đứng ngoài xu thế. Ngoại trừ Liverpool còn dè dặt, những đội còn lại trong nhóm Big Six đều đã theo đuổi hệ thống 3 hậu vệ và hứa hẹn tiếp tục phát triển nó trong mùa giải tới. 


    Hai cách để khắc chế 3-4-3

    Bây giờ, câu hỏi được đặt ra là, làm thế nào để ngăn chặn 3-4-3, không lẽ đây thực sự là kết cấu “không thể đánh bại” như Gary Neville nói trên Sky Sports? 

    Cách đầu tiên, cũng phổ biến nhất, chính là “gậy ông đập lưng ông”. Lần đầu tiên Chelsea nhận thất bại với sơ đồ 3-4-3 là trước Tottenham, khi Mauricio Pochettino cũng thiết lập đội hình 3-4-3. Sau đó, Conte tiếp tục nhận trái đắng trước sơ đồ 3-5-2 của Mourinho vào tháng 4, rồi 2 lần bị Wenger qua mặt bằng sơ đồ 3-4-2-1. 

    Rõ ràng ý tưởng này không tồi. Theo cựu cầu thủ Jamie Carragher, sơ đồ 3-4-3 của Chelsea luôn có nhiều khoảng trống xung quanh các hậu vệ công biên, có thể phía trước hoặc sau lưng. Khi họ đẩy cao, các đối thủ sẽ khai thác bằng cách sử dụng những đường chuyền dài và tận dụng “bóng hai”. Ở trận đấu hồi tháng 1, Tottenham đã làm rất tốt chiến thuật này, khi Eriksen phát hiện không gian bên sườn bộ ba trung vệ và câu bóng vào để Dele Alli lập cú đúp. 

    Dĩ nhiên mọi chuyện không chỉ đơn giản như vậy. Các HLV cần phải học hỏi Pochettino trong hoạt động không bóng. Yêu cầu tiên quyết của 3-4-3 là phân phối bóng chính xác đến các cầu thủ tấn công từ sân nhà. Và Spurs đã phá vỡ nhịp điệu này bằng cách liên tục áp sát và gây nhiễu cho hậu tuyến Chelsea. Dưới áp lực quá lớn, cấu trúc tưởng như vững chắc của The Blues vỡ vụn.

    Với Mourinho thì hơi khác một chút. Ông cắt riêng Ander Herrera theo Eden Hazard như hình với bóng. Khi “ngòi nổ” chính bị vô hiệu hóa, Chelsea cũng hết phép. Lần đầu tiên trong một thập kỷ họ không có nổi một cú dứt điểm trúng đích về phía đối phương. Phương pháp này cũng có thể được áp dụng với De Bruyne của Man City hay Alexis Sanchez của Arsenal, khi hai đội này chơi với 3 hậu vệ. 

    Cách thứ 2 được giới thiệu bởi Sam Allardyce. Đầu tháng 4, Crystal Palace của nhà cầm quân này sử dụng sơ đồ 4-2-3-1 truyền thống nhưng thay vì sợ hãi, họ phản công bất cứ khi nào có thể vào khoảng trống phía sau bộ đôi chạy cánh của The Blues, dựa vào tốc độ, sức mạnh và sự ăn ý của bộ ba Benteke, Towsend, Zaha.   

    Tựu trung lại, 3-4-3 là một bước chuyển lớn về chiến thuật ở Premier League. Vận hành và tìm cách hóa giải nó là cuộc rượt đuổi đầy thú vị, khiến giải đấu này càng thêm quyết liệt và hấp dẫn. 

    Thay đổi về quan niệm
    Với việc Chelsea và Tottenham, hai đại diện tiêu biểu của sơ đồ 3-4-3, đứng đầu Premier League 2016/17 về số bàn thắng (85 và 86), rõ ràng hệ thống 3 hậu vệ không chỉ có mục đích phòng thủ. Vào mùa 2014/15, sơ đồ này được các đội bóng nhỏ ưa chuộng vì “lấp đầy lỗ hổng phòng ngự” và “đặc biệt phù hợp khi gặp các đối thủ lớn”. Còn M.U của Louis Van Gaal là sự pha trộn giữa triết lý kiểm soát bóng và chủ nghĩa thực dụng.  


    3-4-2-1 được ưa chuộng nhất
    Theo Whoscored, trong những lần chơi với sơ đồ 3 hậu vệ ở mùa 2016/17, các đội đã ghi được 186 bàn thắng, chiếm 17,5% trong tổng số 1.064 bàn thắng cả mùa. Trong các tùy biến khác nhau, sơ đồ 3-4-2-1 được ưa chuộng nhất khi có 10 đội sử dụng. 3-5-2 xếp sau với 9 đội, còn 3-4-3 và 3-5-1-1 có 8 đội từng sử dụng.   

    Bài viết hay? Ấn để tương tác

    Bình luận
    Thông tin Toà soạn
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Tổng biên tập:
    Nguyễn Tùng Điển
    Phó Tổng biên tập:
    Thạc Thị Thanh Thảo Nguyễn Hà Thanh Nguyễn Trung Kiên Vũ Khắc Sơn
    Địa chỉ:
    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Tel:
    (84.24) 3554 1188 - (84.24) 3554 1199
    Fax:
    (84.24) 3553 9898
    Email:
    Thông tin Liên hệ
    Tạp chí Điện tử Bóng Đá
    Hotline:
    0903 203 412
    Email:

    Địa chỉ liên hệ:

    Tầng 6 tòa nhà Licogi 13
    Số 164 đường Khuất Duy Tiến, quận Thanh Xuân, Hà Nội
    Đăng nhập
    hoặc

    Email:

    Mật khẩu:

    Quên mật khẩu?


    Bạn chưa có tài khoản? Đăng ký ngay