Hiện thời, chỉ có 3 HLV người Anh chuẩn bị bước vào vòng đấu khai mạc ở Premier League 2016/17, không ai trong số đó có hy vọng tranh chấp các vị trí cao. Họ là Alan Pardew (Crystal Palace), Sean Dyche (Burnley) và Eddie Howe (Bournemouth). Burnley mà không thăng hạng thì Premier League chỉ còn Pardew và Howe!
Vì tiền, đấy là nguyên nhân dễ hiểu và là một nguyên nhân lớn. Các HLV nổi tiếng nhất thế giới tấp nập kéo đến Premier League trước tiên vì lương quá cao. Cần lưu ý: Premier League có thể không mời được Lionel Messi bởi những siêu sao hàng đầu thế giới vẫn còn quyền lựa chọn “sân khấu” phù hợp với họ. HLV thì khác. Lương cao đã đành, công việc lại quá tốt. Premier League chính là giải đấu, là môi trường mà các HLV nổi tiếng thích nhất.
Ở Đức, HLV của Bayern khi nào cũng dưới quyền Karl-Heinz Rummenigge và Mathias Sammer trong lĩnh vực chuyên môn. Trước đây, họ còn bị đè nén cỡ nào khi phải làm việc dưới trướng Uli Hoeness hoặc Franz Beckenbauer? Các đội bóng khác cũng vậy. Luôn có những cựu danh thủ cỡ “cây đa cây đề” làm giám đốc kỹ thuật và chỉ đạo HLV trưởng.
HLV trưởng của Ajax (Hà Lan) hoặc Barcelona (Tây Ban Nha) thì phải gò mình vào cái gọi là triết lý của các đội ấy, chứ chẳng phải muốn huấn luyện thế nào tùy ý. Ở Real Madrid (Tây Ban Nha), cứ phải dè chừng quyền lực của giám đốc kỹ thuật rồi cả ông chủ lạm quyền Florentino Perez. Ở Pháp, bạn có thể mang tiếng phân biệt chủng tộc nếu ruồng rẫy các ngôi sao da đen, dù chỉ vì quan điểm chuyên môn thuần túy!
Không đâu “sướng” bằng Premier League, nơi người ta gọi HLV trưởng là “manager”. HLV trưởng ở Premier League có quyền hạn rất lớn, kiểm soát cả việc sinh hoạt hàng ngày, toàn quyền quyết định các vụ chuyển nhượng... Đã vậy, giới bóng đá Anh lại có truyền thống kiên nhẫn với HLV trưởng. Dân Anh chẳng bao giờ có suy nghĩ “thay tướng để đổi vận” như dân Đức.
Câu chuyện còn khẳng định một vấn đề quan trọng khác: HLV bản xứ của Anh thật sự kém cỏi nên họ mới bị lấn lướt như thế. Thất thế ở Premier League đã đành, nhưng các HLV Anh cũng không thể dạt sang Pháp, Tây Ban Nha, Đức hoặc Italia - nơi người ta trả lương cho HLV rẻ hơn ở Anh. Ở Serie A, nơi có tỷ lệ HLV nội cao nhất trong 5 giải lớn, vẫn có các nhà cầm quân người Bồ Đào Nha hoặc Serbia. Bundesliga có HLV Italia, Thụy Sĩ, Croatia. Tây Ban Nha có HLV Argentina, Uruguay. Điểm chung: nơi nào HLV “nội” cũng chiếm đa số (2/3 số đội trở lên), và nơi nào cũng tuyệt nhiên không có HLV Anh.
Cứ xem bình luận của giới bóng đá Anh là đủ hiểu đẳng cấp chuyên môn của họ như thế nào. Gary Lineker “nhai đi nhai lại” rằng, Leicester làm sao vô địch Premier League - chứ không giải thích câu nào! Gary Neville thì thất bại nhục nhã ngay lần đầu tiên cầm quân, ở Valencia.
Ở Anh, HLV Roy Hodgson chỉ biết giải thích rằng trung phong Harry Kane tạt bóng rất nguy hiểm nên để anh đá phạt góc, chứ ông rõ ràng là không “thông” cái lập luận cơ bản rằng Kane phải giữ nhiệm vụ ghi bàn chứ không phải tạt bóng; rằng một đội bóng chỉ có một trung phong trong khi có nhiều người giỏi tạt bóng.
Hồi năm 2008, có 19 HLV ngoại cầm quân ở Anh. Bây giờ cũng chỉ là 19! Khác biệt ở chỗ: có đến 9 HLV “nội” ở Premier League cách đây 8 năm, giờ chỉ còn 3. Sân chơi cho giới HLV Anh bây giờ là các giải có đẳng cấp thấp trong nước, chứ họ còn đi đâu được nữa!