Premier League là đất của sao lớn
Cứ mỗi một mùa Premier League kết thúc, LĐBĐ Anh (FA) lại thêm một lần kêu ca về tình trạng các CLB lớn sử dụng quá ít cầu thủ trẻ bản địa. Năm ngoái, để cải thiện tình hình cầu thủ trẻ Anh không có đất diễn trên chính quê nhà, FA đã phải ban bố điều luật yêu cầu các CLB Premier League tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo từ 8 lên thành 12 cầu thủ. Việc đích thân vị chủ tịch FA, ông Greg Dyke, phải gõ cửa từng CLB tha thiết đề nghị giảm số lượng cầu thủ nước ngoài, tăng thêm đất diễn cho nhóm “cây nhà lá vườn” phản ánh quá rõ ràng thực trạng sao trẻ Anh mất tích ngay chính trên quê hương của họ đã ở mức báo động.
Tuy nhiên, kêu là chuyện của kêu. Các đại gia Anh vì áp lực thành tích, vẫn sẽ tiếp tục ưu tiên mua sắm cầu thủ hàng hiệu. Mới đây, Man City đã nổ phát súng đầu tiên trong phiên “chợ Hè” 2017 khi chi 43 triệu bảng mua Bernardo Silva của Monaco.
Phát súng của Man xanh báo hiệu một mùa mua sắm tưng bừng của Premier League. Antonio Conte được Roman Abramovich duyệt chi tới 200 triệu bảng tiền chuyển nhượng. Jose Mourinho sau chức vô địch Europa League chắc chắn cũng có đủ lý do để vòi vĩnh Man United chi ít nhất 100 triệu bảng cho shopping. Arsenal, Liverpool hay Tottenham cũng sẽ tham gia “chạy đua vũ trang”. Và với những quyển séc khổng lồ, tội gì mà nhóm đại gia không mua siêu sao.
Cơ hội cho những Iheanacho hay Loftus-Cheek mùa tới là rất nhỏ
“Sao mai” ơi đi đâu bây giờ?
Vậy là thêm một mùa bóng nữa, những ngôi sao trẻ triển vọng của bóng đá Anh hoặc là phải ra nước ngoài thi đấu để tìm cơ hội đá chính, hoặc là chấp nhận đầu quân những CLB trung bình trong nước. Lý tưởng thì được gia nhập cỡ Everton, West Ham, Southampton, Leicester… là hạnh phúc. Còn tệ hơn thì xuống các hạng đấu thấp hơn.
Bức tranh của đội U21 Anh chuẩn bị tham gia giải U21 châu Âu tại Ba Lan sắp tới sẽ giúp chúng ta hình dung rõ hơn. Trong 24 cầu thủ được HLV Aidy Boothroyd triệu tập, Man United, Liverpool và Tottenham không đóng góp một cầu thủ nào. Arsenal góp 1 (Rob Holding), Chelsea góp 2 (Nathaniel Chalobah và Ruben Loftus-Cheek). Phần còn lại hầu hết đến từ những đội bóng hạng trung ở Anh.
Phải chăng do chất lượng cầu thủ trẻ Anh quá kém nên các ông lớn không thèm sử dụng. Hoàn toàn sai. U23 Man City về nhì tại U23 Premier League mùa này. U18 Man City cũng lọt vào chung kết FA Cup trẻ. Cả 4 năm qua, Chelsea đều vô địch FA Cup trẻ. Rõ ràng là nếu biết đãi cát tìm vàng, The Blues và Man xanh hoàn toàn có thể chắt lọc được những ngôi sao trẻ có chất lượng tốt. Đáng tiếc, họ quá thiếu kiên nhẫn với các cầu thủ trẻ. Thậm chí đến những sân chơi phụ như Cúp Liên đoàn, Cúp FA cũng rất hiếm đất cho “sao mai” tỏa sáng.
Một vòng tròn luẩn quẩn vẫn cứ xoay đều: Cầu thủ trẻ không có đất diễn dẫn tới bóng đá Anh không có thế hệ kế cận và thành tích kém đều ở các giải đấu lớn. FA sẽ lại kêu ca nhưng rồi mọi thứ vẫn sẽ diễn ra như nó vẫn đang diễn ra.
1 Kể từ khi John Terry từ đội trẻ lên đội 1, Chelsea không đào tạo thêm được ngôi sao “cây nhà lá vườn” nào cho đội hình chính thức. 7 Trong 10 năm qua, Southampton đã đưa lên đội 1 được 7 cầu thủ trẻ., nhiều nhất trong các CLB Premier League. 6 trong số đó đã được gọi lên ĐTQG (Bale, Lallana, Chambers, Shaw, Walcott, Oxlade-Chamberlain, Ward-Prowse). 10 năm, vỏn vẹn 57 cầu thủ trẻ lên đội 1 Trong 10 năm qua, người Anh đã đổ tổng cộng 600 triệu bảng vào công tác đào tạo trẻ, nhưng 20 CLB của Premier League mùa này lại chỉ đôn được vỏn vẹn… 57 sao trẻ lên đội 1. Tính chi tiết, người Anh mất trung bình từ 9-12 triệu bảng để đào tạo cầu thủ trẻ, nhưng số tiền này đang bị lãng phí. |