Nguyên tắc làm việc của các cầu thủ Anh là chấp hành mệnh lệnh. Như Sven Goran Eriksson từng thốt lên: “Rất ít tranh luận, các cầu thủ tôn trọng tuyệt đối người quản lý và làm theo những gì được yêu cầu”. Hơi mang màu sắc quân sự nhưng đó gần như truyền thống. Sự chống đối là không thường thấy.
Khi đến Anh, hầu hết các nhà quản lý người Italia đều kinh ngạc trước hiện tượng này. Họ không thích lãnh đạo kiểu độc tài, mà theo xu hướng dân chủ hóa, tạo ra sự gần gũi trong vai một người bạn - không phải ông chủ. HLV vẫn là người có tiếng nói cuối cùng nhưng các cầu thủ được phép thảo luận về chiến thuật và cả phương pháp đào tạo. Ở một số trường hợp, họ còn có thể phản ứng nếu cảm thấy không ổn.
Vào những năm 2000, việc Gianfranco Zola tức giận khi bị thay ra giữa chừng, đi thẳng vào phòng thay đồ, tắm rửa và về nhà thực sự gây sốc ở Anh. Tuy nhiên, Ranieri cảm thấy đó là chuyện thường. Hôm sau anh ta đến và nói lời xin lỗi, sự việc kết thúc.
Hãy thử hình dung, với những người đã quen sống trong không khí trại lính bỗng nhiên được trao quá nhiều quyền hành, điều gì sẽ xảy ra? Họ bắt đầu phá vỡ các quy tắc và sự tôn trọng dần biến mất. Chính vì vậy, dễ hiểu khi các quản lý Italia luôn là nạn nhân của các vụ lật đổ.
Vialli bị chống đối bởi phe cánh Zola, Deschamps và Dan Petrescu (sau này họ đều trở thành HLV); Ancelotti là nạn nhân của nhóm Terry, Lampard, Drogba; Joe Hart, Nasri đâm sau lưng Mancini; Di Canio bị học trò cáo buộc là “tàn bạo và cay độc”; Di Matteo trở thành đối tượng của cuộc binh biến ở West Brom.
Conte là một nhân vật đầy cá tính và khó tránh khỏi những xung đột. Trong nhiều năm qua, Chelsea luôn nổi tiếng với các vụ lật đổ. Chắc chắn không có sự tình cờ khi đội bóng này được quản lý bởi nhiều HLV Italia nhất trong lịch sử giải đấu: 4.