Cái tên Chelsea đã đọng mãi trong dòng trôi của lịch sử bóng đá Anh, với những cú chuyển nhượng - hoặc các sự kiện liên quan đến chuyển nhượng - độc đáo, mang tính khai phá cho những kỷ nguyên mới mẻ.
Cách nay đúng 35 năm, tỷ phú Ken Bates mua lại Chelsea với giá... 1 bảng. Vâng, đấy chỉ là giá tượng trưng, bởi Bates “lãnh một cục nợ” hơn là mua một tài sản. Đội bóng đang đối diện nguy cơ sập tiệm lập tức hồi sinh nhờ những khoản chi ban đầu của Bates. Chelsea thoát khỏi nguy cơ rớt xuống đẳng cấp hạng Ba. Họ ổn định và tiến bộ dần, rồi thăng hạng. Kể từ khi Premier League ra đời, Chelsea chưa bao giờ vắng mặt ở đẳng cấp cao nhất trong làng bóng Anh.
Bước tiến tiếp theo là những danh hiệu, để rồi Chelsea trở thành một trong những đội mạnh nhất Premier League. Nên nhớ: trước đó, người ta chỉ xem Arsenal và Tottenham là các đội mạnh ở London - Chelsea gần như không có số má gì. Đến năm 2003 thì Bates rời ghế chủ tịch. Ông bán Chelsea cho tỷ phú Nga Roman Abramovich với giá 140 triệu bảng.
Chuyện các tỷ phú Nga, Trung Quốc, Ả Rập (hoặc các tập đoàn của họ) mua lại những đội bóng lớn ở tây Âu bây giờ đã quá quen thuộc. Nhưng chắc chắn, không có vụ nào được lưu ý và có ảnh hưởng to lớn như vụ chuyển nhượng Chelsea, từ tay Bates sang Abramovich. Dưới thời Bates, Chelsea luôn tích cực chuyển nhượng cầu thủ. Càng không phải nhắc lại tình trạng này sau khi Abramovich sở hữu đội bóng. Nhưng cách chuyển nhượng của hai thời kỳ Bates và Abramovich rất khác nhau.
Năm 1999, HLV Gianluca Vialli đã làm cái điều mà quê hương bóng đá chưa bao giờ thấy - thậm chí không dám nghĩ đến - trong hơn trăm năm, với khoảng 150.000 trận đấu trước đó. Ông đưa ra sân một đội hình Chelsea gồm toàn bộ 11 cầu thủ nước ngoài. Trận gặp Southampton ở vòng đấu “Boxing Day” năm ấy đã trở thành một chi tiết lịch sử.
Bản thân Vialli cũng là một trong những cầu thủ ngoại mang tính tiên phong trong việc mở ra kỷ nguyên hùng mạnh cho Chelsea thời Ken Bates. Gianfranco Zola hoặc Ruud Gullit là những gương mặt tiêu biểu khác. Họ đều gia nhập Chelsea khi đã ở tuổi “băm”, và họ đều thành công ngoài dự đoán của giới quan sát. Zola tỏa sáng ở Chelsea đến 7 năm chứ đâu phải ít!
Một thời, Chelsea chính là ngọn cờ đầu của cả châu Âu (chứ không riêng Premier League) về sự nhanh nhẹn trên thị trường chuyển nhượng. Họ mua cầu thủ vào mọi lúc, từ mọi nơi, và đa số là những hợp đồng thành công. “Mọi lúc”? Vâng, dù chính xác thì phải nói là trừ vài tuần cuối cùng của mùa bóng - giai đoạn mà các CLB Anh không được tăng cường cầu thủ.
UEFA chỉ có quy định về “thị trường chuyển nhượng mùa Hè” và “thị trường chuyển nhượng mùa Đông” từ năm 2002. Cũng có thể nói, kỷ nguyên Abramovich bắt đầu cùng lúc với sự ra đời của “mùa chuyển nhượng” trong làng bóng châu Âu. Vậy nên, cách chuyển nhượng của Chelsea thời Abramovich dĩ nhiên phải khác với thời Bates.
Nhưng vẫn vậy: chuyển nhượng luôn là điểm mạnh xuyên suốt, đã trở thành truyền thống của Chelsea rồi. Gần đây, có tình trạng các đội bóng lớn ở Anh luôn thừa mứa cầu thủ. Các tài năng trẻ thường khoác áo đội khác, theo hình thức cho mượn, để có cơ hội thi đấu thường xuyên. Chelsea vẫn luôn dẫn đầu trong lĩnh vực này, và đấy chỉ là một ví dụ nhỏ.
Chuyển nhượng không chỉ đơn giản là mua hoặc bán cầu thủ với giá bao nhiêu, lời lỗ thế nào. Có khi, đẩy được “ngựa chứng” Diego Costa ra khỏi hàng ngũ đã là thành công cho Chelsea rồi.