Đấy là những vấn đề gì, thiên hạ mặc sức mổ xẻ. Người ta nói đúng hay sai, chỉ trích cho bõ ghét hay góp ý mang tính xây dựng, đều tùy vào góc nhìn riêng, mức độ am hiểu riêng, hoặc thậm chí là mục đích riêng của họ. Abramovich không thể cấm đoán và chắc cũng chẳng hề khuyến khích. Vả lại, ông cấm đoán hoặc khuyến khích... để làm gì?
Abramovich có nên lắng nghe những phân tích, bình luận hay không, may ra đấy mới là vấn đề và cùng lắm cũng chỉ là vấn đề nhỏ. Hãy thử hình dung bạn đang có trong tay một đội bóng (hay tài sản, món đồ chơi, công cụ kinh doanh...) trị giá phải tính bằng đơn vị trăm triệu bảng. Khi ấy, bạn phải sáng suốt làm chủ đội bóng của mình hay bạn phụ thuộc vào những phân tích của thiên hạ?
Tóm lại, việc của Abramovich không phải là chờ xem những thống kê về sự khởi đầu tồi tệ mang tính lịch sử của Chelsea, cũng không phải hoang mang về hàng thủ quá lỏng lẻo hoặc HLV Jose Mourinho huấn luyện thế nào để The Blues ra nông nỗi ấy. Đấy là việc của báo giới và người hâm mộ. Việc của Abramovich: cần làm gì trong hoàn cảnh đặc biệt này? Chỉ có ông hiểu rõ câu trả lời, vì câu trả lời ấy trước tiên tùy thuộc vào việc Abramovich sở hữu Chelsea... để làm gì? Nói cách khác là ông cần gì? Dĩ nhiên, bảo vệ thành công chức vô địch Premier League thì quá tốt. Nhưng Abramovich có cần Chelsea đoạt chức vô địch lần nữa (và nếu được thế thì mùa tới lại tiếp tục có thêm lần nữa, vô địch mãi...)? Muốn và cần là hai chuyện khác nhau.
Đúng 10 năm trước, HLV Jose Mourinho ngay mùa đầu tiên cầm quân đã đem về cho Chelsea chức vô địch Premier League với kỷ lục chỉ thủng lưới 15 bàn trong cả mùa (thật trái ngược với những ngày này). Sau đó, Chelsea của Mourinho lại bảo vệ thành công danh hiệu. Lịch sử Chelsea nói riêng cũng như lịch sử bóng đá Anh nói chung thay đổi hẳn từ cột mốc ấy. Vậy mà rút cuộc, Mourinho phải sớm ra đi vào năm 2007, dù theo hình thức nào cũng có thể hiểu là ông bị sa thải. Bây giờ, Abramovich sẽ lại sa thải Mourinho? Xin nhắc lại điều đó tùy vào mục tiêu sắp tới của Abramovich, và mục tiêu ấy có thể đã khác rất xa so với mục tiêu của ông hồi năm 2007, tức chỉ vài năm sau khi mua lại Chelsea một cách đình đám.
Giả sử Abramovich không cần Chelsea bảo vệ thành công danh hiệu vô địch trong mùa bóng này, thế là mọi “vấn đề lớn” mà thế giới bóng đá hối hả phân tích trong những ngày qua trở nên vô nghĩa. Khả năng sa thải Mourinho (Chelsea sẽ tốn một mớ tiền bồi thường hợp đồng) cũng tan biến nốt. Nói đúng hơn, những đề tài hấp dẫn ấy chỉ có ý nghĩa với người ngoài cuộc.
Ngoài chuyện tiền bạc, cũng chẳng phải Abramovich không được lợi gì nếu ông không sa thải Mourinho. Được tiếng tin dùng một con người, hoặc muốn Chelsea có một sự ổn định mà không quá so đo thành tích, chẳng hạn thế. Nói nữa thì cũng chỉ là suy diễn đơn thuần. Điều quan trọng nhất vẫn là: khoan nói đến các thành phần bên ngoài, thậm chí bản thân Mourinho cũng không phải “lăn tăn”.
Làm gì, đấy là việc của Abramovich. Việc nhận định tình hình Chelsea trong lúc này trước tiên phải xuất phát từ chỗ nói cho được (dù chỉ là lý thuyết, sao cho hợp logic) Abramovich cần gì nơi Chelsea?