Trong một thời khắc nào đó ở mùa giải này, có thể sớm nhất là vào tháng 11 tới, Chelsea có thể ra sân với 7 cầu thủ "cây nhà lá vườn" tại đội hình xuất phát. Cho tới thời điểm hiện tại của mùa giải 2019/20, người hâm mộ đã thấy 4 cầu thủ như vậy, gồm Andreas Christensen, Fikayo Tomori ở hàng thủ, Mason Mount ở hàng tiền vệ cùng Tammy Abraham trên hàng công. Và một khi Ruben Loftus-Cheek, Reece James hay Callum Hudson-Odoi sẵn sàng, Chelsea chắc chắn sẽ thi đấu với đội hình mà từ xưa đến nay chẳng fan The Blues nào dám nghĩ tới, đó là một tập thể với toàn "gà nhà".
Việc những CLB nhờ cậy vào các sản phẩm của học viện trẻ chính xác không phải là điều gì mới mẻ. Giới mộ điệu từng được chứng kiến một Barcelona khuynh đảo thế giới dưới bàn tay của Pep Guardiola, nhờ dàn hảo thủ trưởng thành từ lò đào tạo trứ danh La Masia: Lionel Messi, Xavi, Andres Iniesta, Sergio Busquets, Carles Puyol, Gerard Pique, Pedro, Victor Valdes... Hay như Man United cũng từng là bá chủ ở Premier League với "thế hệ 92" thần thánh gồm Ryan Giggs, David Beckham, Nicky Butt, Paul Scholes và anh em nhà Neville. Tất cả họ đều xuất thân từ học viện trẻ của CLB.
Thế nhưng, Chelsea lại là câu chuyện hoàn toàn khác. Nhắc tới Chelsea, người ta sẽ nhớ ngay đến một đội bóng lắm tiền nhiều của, từng vung tay quá trán để đưa về những cầu thủ chất lượng thay vì tin dùng các "măng non" do chính mình sản sinh. Thực tế, Chelsea là một bậc thầy trong khâu đào tạo trẻ, bởi ở mỗi kỳ chuyển nhượng, họ lạ đem hàng loạt cầu thủ tài năng đi cho mượn khắp nơi trên thế giới. Gần như ở bất kỳ nơi nào đều có bóng dáng của cầu thủ Chelsea, và chỉ có cực ít cầu thủ trẻ đủ sức trụ lại CLB, chứ đừng nói đến chuyện thành danh ở Stamford Bridge. Dù vậy, án cấm chuyển nhượng và sự hiện diện của Frank Lampard đã thay đổi tất cả.
Ngoại trừ hậu vệ Christensen, người gia nhập Chelsea năm 16 tuổi, thì 6 cầu thủ trẻ nêu ở đầu câu chuyện (Tomori, Mount, Abraham, Loftus-Cheek, James, Hudson-Odoi) đều cập bến hệ thống đào tạo trẻ của The Blues trước lúc lên 10. Dĩ nhiên, giữa hai lứa cầu thủ này tồn tại một sự khác biệt vô cùng lớn. Trong nhiều trường hợp, khi những CLB tự hào vỗ ngực nói rằng đó là các cầu thủ họ tự "sản xuất", chúng ta cần suy ngẫm một chút. Rõ ràng, việc thu nạp một đứa trẻ mới 8 tuổi, nuôi dưỡng suốt một thời gian dài để anh ta chen chân lên đội một, hoàn toàn khác biệt với việc "nhặt" những tài năng 16 tuổi từ các đội bóng khác, đưa họ vào học viện khoảng 1 đến 2 năm, rồi sau đó khẳng định là sản phẩm của mình đào tạo.
Với Chelsea, họ đã kết hợp cả hai phương pháp trong nhiều năm qua. Ai cũng biết lý do Chelsea phải thi hành án cấm chuyển nhượng hai kỳ từ FIFA là do vi phạm về quy tắc chiêu mộ cầu thủ trẻ từ các quốc gia khác. Ngoại trừ một số trường hợp cụ thể, FIFA quy định rằng các cầu thủ dưới 16 tuổi không được phép mua bán. Tuy nhiên, để sở hữu một cầu thủ trẻ tài năng không phải là chuyện đơn giản. Một đội bóng không thể ngồi chơi xơi nước chờ đợi cầu thủ nào đó bước sang tuổi 16 để ký hợp đồng. Thay vào đó, công sức là không nhỏ bởi cần có trinh sát, theo dõi, đánh giá, liên hệ, đàm phán cho tới mức phí chuyển nhượng.
Từ trước đến nay, Chelsea chưa bao giờ là đội bóng thành công trong khâu chiêu mộ một ngôi sao đình đám, một cầu thủ có thể cống hiến nhiều năm cho CLB. Dù vậy, ở việc tìm tòi, đào tạo "măng non", hiếm có đội bóng nào bì kịp với Chelsea. Bằng chứng là trong 5 năm qua, The Blues đã thu về hơn 60 triệu USD từ việc bán hay phí mượn từ những cầu thủ "cây nhà lá vườn" như Nathan Ake, Gael Kakuta, Tomas Kalas hay Lucas Piazon.
Dĩ nhiên, nói vậy không có nghĩa Chelsea miễn nhiễm với các quyết định sai lầm. Ngoài những Tomori, James, Loftus-Cheek, Hudson-Odoi, Abraham và Mount, Chelsea từng đào thải khá nhiều cầu thủ trẻ mà giờ đây trở thành món hàng được nhiều CLB săn đón. Có thể kể đến trường hợp của Eddie Nketiah, cầu thủ hiện đang khoác áo Leeds United theo dạng mượn từ Arsenal, và Declan Rice, tiền vệ hiện chơi cực hay trong màu áo West Ham. Hai cầu thủ này là minh chứng cho thấy một đội bóng dễ dàng mắc sai lầm ra sao ở việc quyết định nên giữ cầu thủ nào ở lại, và để ai ra đi.
Lúc này, Chelsea sở hữu 10 trung tâm phát triển bóng đá trẻ ở cấp độ đội U7 và U8. Có khoảng 160 đứa trẻ gia nhập hệ thống này, thường là theo lời mời. Hàng năm, họ mời gọi vô số trẻ em từ khắp nơi đến "thử việc". Mọi chuyện cứ thế diễn ra cho tới khi các cầu thủ nhí này gia nhập học viện trẻ vào năm 9 tuổi, và từ đó, luôn tồn tại rủi ro bị thải loại cho tới khi được ký hợp đồng chuyên nghiệp. Nghe qua thôi đã thấy có một sự cạnh tranh khốc liệt, nơi các cầu thủ nhí phải làm mọi cách để được giữ lại CLB. Tất nhiên, Chelsea không làm việc một mình bởi bản thân họ còn phải cạnh tranh kinh khủng với các đối thủ khác như Arsenal, Tottenham, West Ham hay Queens Park Rangers.
Dù thế nào, Chelsea rõ ràng vẫn đang đi đúng hưởng ở cấp độ trẻ. Họ đã vô địch FA Youth Cup 7 lần trong 10 mùa đã qua, cũng như hai lần đăng quang UEFA Youth League, giải đấu tương đương với Champions League thu nhỏ dành cho lứa cầu thủ trẻ. Tuy nhiên, từ cấp độ trẻ lên đến đội một Chelsea là quãng đường rất xa, một quãng đường mà nhiều cầu thủ được đánh giá tài năng từng đi mãi không đến. Chelsea từng bị chỉ trích rất nhiều vì không "mở cửa" cho các măng non, song điều này đã bắt đầu thay đổi nhờ án cấm chuyển nhượng và HLV Lampard.
Việc không được sắm sửa tân binh buộc Chelsea chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài việc khai thác tối đa những cầu thủ sẵn có. Và rất nhanh chóng, tất cả họ đều chứng minh được khả năng và mang đến nguồn năng lượng dồi dào đáng kinh ngạc ở CLB. Dù Chelsea đang tạm thành công theo một cách bất đắc dĩ, song bấy nhiêu thôi cũng là đủ để các cổ động viên cảm thấy mãn nguyện. Chưa bao giờ họ được theo dõi, tận hưởng nhiều "gà nòi" của CLB tỏa sáng đến đến vậy.
Soi KÈO và dự đoán kết quả Chelsea - Liverpool |
---|
ĐANG TẢI VIDEO... Vui lòng chờ trong giây lát. |