TIỀN ĐẠO NGHIỆP DƯ, THỢ XÂY CHUYÊN NGHIỆP
Ngay trong trận ra mắt Southampton vào cuối tuần trước, Charlie Austin đã gây ấn tượng mạnh khi đánh đầu tung mành lưới M.U ngay tại Old Trafford, mang về 3 điểm cho The Saints. Nhưng từ mùa giải năm ngoái, Charlie Austin đã được nhắc đến trong màu áo QPR, thậm chí nhiều người còn so sánh anh với Lionel Messi và Cristiano Ronaldo.
Dĩ nhiên chàng tân binh của Southampton còn lâu với sánh ngang hàng với hai ngôi sao số 1 thế giới hiện nay. Tuy vậy, tiền đạo 26 tuổi người Anh cũng không giấu được niềm tự hào: “Để được nhắc tới với Messi và Ronaldo trong một thời gian ngắn là không thể tin được với một anh thợ xây như tôi. Họ là những cầu thủ đẳng cấp thế giới”.
Charlie Austin ăn tập ở lò đào trẻ của Reading năm 2005. Một năm sau thì anh lần lượt thi đấu cho những đội bóng nghiệp dư hoặc bán chuyên nghiệp là Kintbury Rangers, Hungerford Town, Thatcham Town và Poole Town. Mức lương cao nhất ở các đội bóng nghiệp dư mà Austin nhận được là 100 bảng/tuần. Để tồn tại, cũng như bao cầu thủ nghiệp dư khác, Austin buộc phải có nghề khác để kiếm sống.
Austin chẳng phải đi xin việc đâu xa. Cha anh, ông Fred Austin sở hữu một công ty xây dựng nhỏ mang tên Austin Brickworks ở Shinfield, sau đó dời đến Basingstoke. Austin Brickworks là một công ty nhỏ, toán thợ chỉ 10 người, do ông Fred làm thợ cả, chỉ nhận những công trình nhỏ. Từ năm 2007, tiền đạo nghiệp dư Austin đã là thợ xây chuyên nghiệp của công ty xây dựng của gia đình.
Austin nói: “Tôi hạnh phúc với công việc hằng ngày của mình. Tôi được trả lương xây dựng vào thứ Sáu. Chiều thứ Bảy tôi thi đấu, nhận lương bóng đá và đi chơi vào buổi tối hôm đó. Chủ nhật tôi nghỉ xem bóng đá, thứ Hai lại bắt đầu làm việc”.
VỆT XI MĂNG TRÊN ÁO ĐẤU
Cách đây hơn 5 mùa bóng, Austin hạnh phúc với công việc mình làm nhưng thợ xây ở đâu cũng vậy, đó là một ngành nghề gian nan và cực nhọc. 7h30 phút sáng, công việc của Austin bắt đầu nhưng anh phải dậy từ 5h30 phút để ăn sáng, sau đó là chở khoảng 10 công nhân khác từ Bournemouth vượt quãng đường 82km đến các công trình ở Basingstoke làm việc.
Austin cho biết: “Công việc của chúng tôi rất nặng nhọc. Không chỉ xây và lát, chúng tôi phải làm từ khuân gạch, xách hồ, đào đất, đãi đá, xếp vật liệu… Nhưng khổ nhất vẫn là mùa Đông. Chúng tôi phải làm việc trong cái lạnh buốt với tuyết và đôi khi là mưa đá”.
Tuy là con trai của ông chủ Fred, Austin vẫn phải làm việc bình đẳng như các thợ xây khác. Ngôi sao Southampton tiết lộ: “Cha tôi chỉ cho phép tôi nghỉ việc sớm hơn nửa giờ vào buổi chiều ngày có lịch thi đấu. Trên chiếc xe tải màu xanh của mình, tôi luôn để sẵn áo đấu. Vậy nên, áo thi đấu của tôi luôn dính xi măng”.
2008 là năm cực nhọc bậc nhất trong cuộc đời của Charlie Austin. Anh kể rằng vào một buổi chiều thứ Tư của tháng 12 năm đó, Austin rời công trường xây dựng, sau một ngày vất vả lát gạch. Anh lái xe đến Lymington ở bờ biển phía Nam, sau đó cùng đồng đội qua phà lên đảo Wight để thi đấu với Brading Town.
Tại trận đấu này, Austin lập hat-trick giúp Poole thắng 4-2, qua đó giúp Poole Town tiếp tục duy trì vị trí đầu bảng Premier Division Wessex - giải hạng 9 theo hệ thống thi đấu của bóng đá Anh. Sau trận, Austin lại qua phà lúc 11h30 đêm, tự lái xe về nhà ở Bournemouth lúc 1 giờ sáng và 5h30 phút sáng, Austin thức giấc bắt đầu cho một ngày làm việc mới.
Mọi cầu thủ trẻ khởi nghiệp tại những đội bóng nhỏ đều có tham vọng vươn lên. Vậy Austin, anh có tham vọng gì trong những ngày tháng vừa đá bóng nghiệp dư, vừa làm thợ xây chuyên nghiệp?
Cựu tiền đạo QPR thẳng thắn chia sẻ: “Bóng đá là niềm đam mê lớn nhất của tôi nhưng thú thật, khi còn thi đấu cho Poole Town, tôi chẳng mơ mộng và có tham vọng thăng tiến gì. Bạn thử tưởng tượng xem, có ai quan tâm đến một đội bóng nghiệp dư ở… hạng 9? Ai quan tâm tới tôi và tạo cho tôi cơ hội? Nhưng tôi không nản, tôi tập trung cho công việc nuôi sống mình là thợ xây. Bóng đá với tôi khi đó chỉ là đam mê, giúp tôi vui sau một ngày lao động cực nhọc”.
BỎ BÓNG ĐÁ, LẬP TỐP THỢ RIÊNG CỦA MÌNH
Nhưng rốt cuộc thì vào tháng 9/2009, cuộc đời Austin bắt đầu thay đổi khi anh lọt vào tầm ngắm của Ken Ryder, chuyên viên săn tài năng cho CLB chuyên nghiệp Swindon Town, đội bóng đang chơi tại League Two.
Thời còn thi đấu ở giải nghiệp dư, trận đấu nào… căng nhất cũng chỉ hút 700 khán giả và Austin đã choáng váng khi tại Swindon Town ở League Two, đội bóng hạng 4, có những trận đấu hút tới 10.000 khán giả và đặc biệt trong trận play-off thăng hạng với Millwall tại Wembley, Austin được thi đấu dưới sự chứng kiến của 73.000 khán giả. Từ thời điểm đó, Austin mới mơ tới… Premier League.
Mùa Hè năm 2011, Austin tiến thêm một bước nữa trong sự nghiệp khi anh gia nhập Burnley và trở thành cây săn bàn nhạy bén bậc nhất tại Championship. Đến mùa Hè 2013, giấc mơ Premier League đã rất gần Austin khi anh được Hull City liên hệ.
Tuy nhiên, thật không may cho Austin hay cũng có thể nói là không may cho Hull, khi chàng tiền đạo này lại không vượt qua được đợt kiểm tra y tế tại KC. Thời điểm này, Austin nản thực sự. Anh cho biết: “Thành thực mà nói, tôi rất thất vọng, chẳng còn động lực nào nữa và muốn từ bỏ luôn bóng đá. Tôi không muốn thi đấu nữa”.
Chán nản vì bị Hull City cự tuyệt đường lên Premier League, Austin định giải nghệ và đã nghĩ đến việc trở lại Basingstoke thành lập một toán thợ xây. Nhưng đúng vào thời điểm đó, Austin lại nhận được lời mời từ QPR. Tại Loftus Road mùa giải 2013/14, Austin tỏa sáng đưa QPR thăng hạng Premier League bằng đường Play-off. Các CĐV đội bóng Tây London thường hô vang: “Anh xây tường, anh lát gạch và giờ anh ghi bàn, Charlie Austin của chúng tôi”.
Mùa giải năm ngoái, QPR xuống hạng nhưng cá nhân Austin vẫn ghi dấu ấn ở sân chơi cao nhất nước Anh với 18 pha lập công. Nhưng tuần trước, Austin đã trở lại Premier League, với màn ra mắt Southampton không thể ấn tượng hơn tại Old Trafford. Và giờ đây, tham vọng của anh thợ xây Basingstoke là ĐT Anh và EURO 2016…
Anh phụ hồ Javier Zanetti Con đường đến với bóng đá chuyên nghiệp của Charlie Austin rất giống với đàn anh Javier Zanetti, khi cả hai đều theo cha đi làm xây dựng để mưu sinh. Tuy nhiên, huyền thoại Inter Milan cực nhọc và vất vả hơn đàn em Austin rất nhiều, khi mà năm mới lên 12 tuổi, cựu ngôi sao sinh năm 1973 người Argentina đã phải đi làm phụ hồ cho cha cùng tốp thợ xây của ông. Javier Zanetti sinh ra và lớn lên tại Dock Sud, một quận ngoại ô thủ đô Buenos Aires. Anh yêu bóng đá từ nhỏ và mê CLB Independiente. Nhưng do gia đình quá nghèo, năm Zanetti lên 12 tuổi thì cha anh, ông Rodolfo Ignacio bắt anh đi theo mình ra công trường xây dựng để phụ ông. Nhưng một cậu nhóc 12 tuổi thì làm được việc gì? Trong cuốn “Thi đấu như một người đàn ông”, huyền thoại Inter kể: “12 tuổi tôi đã theo cha cùng tốp thợ đi xây dựng nhà cửa, công trình, cầu cống… ở Buenos Aires và các tỉnh lân cận. Trong toán thợ của cha, tôi chỉ phụ ông ấy những công việc lặt vặt. Tuy nhiên, những công việc đó cũng rất cực với một cậu bé đang tuổi lớn như tôi”. Một năm sau, nhận thấy tình yêu bóng đá quá lớn của con trai, ông Rodolfo mới cho Janetti nghỉ việc ở công trường để vào trung tâm đào tạo trẻ của Independiente. Nhưng buồn cho Zanetti khi vào năm 1989, anh bị Independiente sa thải vì thể hình quá mỏng manh, ốm yếu và bị BHL trẻ đánh giá là không có khả năng phát triển. Thế là Zanetti phải trở lại với nghề phụ hồ, thợ xây thêm 3 năm nữa cùng cha để kiếm sống, cho đến khi CLB Talleres thu nhận anh. Trên sân cỏ Serie A, Zanetti được mệnh danh là “El Tractor” (Máy kéo) và vẫn duy trì được thể lực phi phàm ở tuổi 40. Vậy đâu là bí quyết của nhà vô địch Champions League 2010? Zanetti từng cho biết: “Tôi yêu công việc của cha tôi và những trải nghiệm về đời thợ hồ của tôi. Chính nghề này đã rèn luyện tôi, tích lũy thể lực cho tôi từ thời trai trẻ. Xây nhà từ móng, chứ không phải từ nóc. Tôi thích cách so sánh ẩn dụ này, bởi nó cũng là triết lý của cuộc đời tôi kể từ khi làm nghề phụ hồ: từ đáy vươn lên đỉnh cao”. |