Đấy là “giải vô địch của những nhà vô địch”, khi biên tập viên Gabriel Hanot của tờ L’Équipe thuyết phục được UEFA về ý tưởng của mình. Cúp C1 châu Âu ra đời vào năm 1955, với 16 đội bóng VĐQG tranh tài để chọn ra một nhà vô địch tầm cỡ châu lục.
Vô địch Cúp C1 châu Âu là dễ hay khó? Tùy theo cách nhìn. Năm 1967, Celtic (Scotland) trở thành CLB đầu tiên thuộc Vương quốc Anh đoạt Cúp C1 châu Âu. Toàn cầu thủ nội đã đành, đội bóng vô địch châu Âu khi ấy chỉ là tập hợp của những cầu thủ sinh ra trong vòng bán kính 30 dặm quanh SVĐ Celtic Park.
Họ thắng Zurich (Thụy Sĩ), Nantes (Pháp), Vojvodina (Nam Tư), Dukla Prague (Tiệp Khắc) trên đường lọt vào chung kết. Dukla là đội bóng của quân đội - mô hình phổ biến trong làng bóng đá Đông Âu ngày xưa, đã giải thể cách nay 23 năm. Nếu như số đông chưa từng nghe hoặc biết Vojvodina thì... cũng bình thường. Nantes và Zurich cũng chưa bao giờ là tên tuổi lớn trong làng bóng châu Âu!
Tương tự: Malmo chỉ cần vượt qua Monaco, Dynamo Kiev, Wisla Krakow, Austria Vienna để vào chung kết năm 1979. Họ thua Nottingham Forest trong trận chung kết. Trước khi thắng Malmo ở trận cuối cùng, Nottingham Forest thắng Cologne ở bán kết, Grasshopper ở tứ kết, AEK Athens ở vòng 16 đội!
Xin được nói thêm: Nottingham Forest vươn lên từ giải hạng Nhì và lập tức vô địch Anh mùa bóng 1977/78 (lần duy nhất trong lịch sử CLB). Nhờ đó mà họ dự Cúp C1 châu Âu và vô địch năm 1979. Lại nhờ vô địch mà Nottingham Forest được dự giải lần nữa, và lại... đoạt Cúp C1 lần nữa vào năm 1980!
Quá rõ ràng: bản thân trận địa C1 ngày xưa chẳng có gì là ghê gớm. Cái khó chỉ nằm ở chỗ làm sao để được dự giải. Giờ thì hoàn toàn ngược lại. Như đã nêu trên: 7 trong 8 nhà vô địch Champions League từ năm 2012 đến năm 2019 đều không hề là đội VĐQG trong mùa bóng trước khi họ dự giải.
Khi nói Man City của Pep Guardiola chưa bao giờ làm nên chuyện ở Champions League, thậm chí có thể kết nối điều này với toàn bộ bề dày truyền thống của Man City ở đấu trường châu lục xưa nay, thì hãy lưu ý: xưa khác, nay khác.
Bất kể có vô địch hay không, thầy trò Pep Guardiola vẫn sẽ có suất dự Champions League hàng năm (trừ phi xuất hiện những bất ngờ rất lớn). Pep mà đồng ý ký tiếp hợp đồng 5 năm với Man City (và ông sẽ có... 100 triệu bảng tiền lương), thì điều đó gần như đồng nghĩa: ông sẽ có hẳn 5 mùa liên tiếp để dẫn dắt Man City chinh phục Champions League. Gần như không còn băn khoăn “làm sao để được dự giải” (ở mức độ khó khăn như ngày xưa) nữa, mục tiêu vô địch Champions League của Man City sẽ trở nên rất đơn giản.
Vẫn biết, cách huấn luyện theo triết lý của Pep là cách huấn luyện hướng tới mục tiêu VĐQG. Nó trái ngược hoàn toàn với cách huấn luyện để đối phó với từng đối thủ, hoàn cảnh cụ thể. Cách huấn luyện ấy làm cho việc chinh phục Premier League của Man City trở nên dễ dàng hơn, nhưng đồng thời cũng làm cho trận địa Champions League trở nên khó khăn hơn với họ.
Vấn đề ở đây là nếu ký hẳn một bản hợp đồng lâu dài, Pep sẽ tha hồ chọn lựa mục tiêu. Tất nhiên, cũng có thể việc chọn mục tiêu (thống trị sân cỏ Anh hay tìm kiếm danh hiệu ở châu Âu) là do giới chủ Man City quyết định, hoặc do giới chủ và chính Pep cùng bàn. Họ không phải quá bận tâm với bảng vàng C1/Champions League xưa nay.