Người ta thường gọi những trận đấu quan trọng như thế này là “trận đấu 6 điểm”. Kỳ thực, còn hơn thế nữa. Đấy là “trận đấu 9 điểm”, khi mà đội thắng trong cuộc quyết đấu M.U - Chelsea sẽ có 3 điểm, đồng thời đối thủ trực tiếp trắng tay, và cả đối thủ còn lại trong cuộc đua “3 chọn 1” giành suất chót dự Champions League (Arsenal) cũng trắng tay nốt!
Trớ trêu ở chỗ, trong một trận đấu quan trọng như vậy, khán giả Old Trafford lại phải tận mắt chứng kiến bàn thua không thể chấp nhận của thủ môn David De Gea. Đấy có thể là “tai nạn” thường thấy trong môn bóng đá. Nhưng, xin nhắc lại, đây là “trận đấu 9 điểm”.
Hồi Ole Gunnar Solskjaer tiếp quản ghế HLV trưởng M.U, ông thắng như chẻ tre. Vì lẽ gì? Người ta tỏ ra hào hứng nhất với ý kiến cho rằng Solskjaer là người cũ của M.U (nói là “huyền thoại” thì hơi quá đáng - không có huyền thoại nào lại cam tâm ngồi ghế dự bị, kể cả khi vừa ghi đến 4 bàn trong trận đấu trước đó).
“Người cũ” có nghĩa là Solskjaer hiểu rõ bản chất của M.U, từ đó ông biết cách “đắc nhân tâm”, không chỉ với các thành viên trực tiếp trong đội bóng mà cả với giới hâm mộ trên khán đài!
Thật ra, “bản chất M.U” là như thế nào thì rất khó nói. Hoặc ngược lại, ai muốn nói sao cũng được. Thực tế, có vẻ hơi khó nghe: chẳng có chút liên quan nào giữa những Paul Pogba, David De Gea, thậm chí là Marcus Rashford vốn do chính M.U đào tạo, với các đặc điểm cốt lõi của M.U hồi Solskjaer còn là cầu thủ.
Mặt khác, bóng đá vẫn luôn là môn “thể thao vua” qua hàng trăm năm vì những sự thay đổi, phát triển liên tục. Solskjaer mà huấn luyện M.U theo những gì ông đã hiểu biết về đội bóng này 20 năm trước, thì đấy chỉ có thể là con đường dẫn tới... diệt vong.
Duy có một điều ít thay đổi nhất, trong môn bóng đá nói chung cũng như Premier League nói riêng. Đấy là “công luận”. Quan điểm, chiến thuật, cầu thủ có thể thay đổi không ngừng, khiến M.U (và cả Premier League) bây giờ không còn giống xưa chút nào. Nếu cần xác định một thành phần nào đó có thể vẫn không thay đổi sau 20 năm, thì đấy dứt khoát chỉ có thể là khán giả - mà ở đây chúng ta gọi là “công luận”.
Ở những cường quốc bóng đá, quan điểm thưởng thức của khán giả là điều quan trọng nhất dẫn tới sự hình thành của những trường phái khác nhau.
Vì sao bóng đá Italia tán dương cách chơi nặng về phòng ngự? Vì sao bóng đá Hà Lan xem trọng tính sáng tạo? Đấy là do quan điểm thưởng thức bóng đá của công chúng ở những nơi ấy. Bóng đá Anh xưa nay nổi tiếng với truyền thống fair-play. Đấy là nơi mà những ai liên quan đến một cầu thủ cầu thủ vừa phạm sai sót “tày trời” trước tiên phải an ủi, thay vì chỉ trích sai sót ấy.
Người ta xem trọng việc bảo vệ, trấn an, động viên “tội đồ”, hơn là đổ lỗi, mắng nhiếc, kể cả khi sai sót ấy dẫn đến hậu quả lớn cho toàn đội. Cũng có thể gọi đấy là “văn hóa bóng đá”.
De Gea là thủ môn giỏi, không phải tranh luận nữa. Nhưng pha bắt bóng tồi tệ khiến M.U thủng lưới vừa qua đâu phải là sai sót hiếm hoi của De Gea trong thời gian gần đây! Nguyên nhân có thể nằm ở sự dung dưỡng mang danh fair-play. Cũng như giới hâm mộ Liverpool không hề nguyền rủa Steven Gerrard ngày trước vậy. Hoặc như các fan Chelsea thông cảm cho cú trượt ngã của John Terry trong trận chung kết Champions League.
Đấy mới là chỗ để kết nối việc Solskjaer “thấm đẫm M.U và Premier League”, với việc M.U có thể thủng lưới một cách ngớ ngẩn, trong một trận đấu quan trọng như vậy!