CỖ MÁY KIẾM TIỀN
Theo thông tin vừa được công bố, người Anh có thể thu về tới hơn 3 tỷ bảng từ việc bán bản quyền Premier League cho các đối tác nước ngoài (tạm gọi “bản quyền nước ngoài”) trong giai đoạn từ 2016 tới 2019, tương đương với hơn 1 tỷ bảng/năm. Hiện tại, Premier League đang kiếm được 743 triệu bảng từ bản quyền nước ngoài mỗi năm (tổng giá trị của gói 3 năm 2013-2016 là 2,23 tỷ bảng). Tuy nhiên, “chỉ” cần như thế, riêng giá trị của bản quyền nước ngoài của Premier League đã hơn tổng thu nhập từ bản quyền truyền hình (cả trong nước lẫn ngoài nước) của bất kỳ giải đấu lớn nào.
Lúc này vẫn chưa có con số cuối cùng về tổng giá trị gói bản quyền nước ngoài của Premier League trong giai đoạn 2016-2019, do quá trình đàm phán vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi. Tuy nhiên, những tín hiệu ban đầu cho thấy con số cuối cùng có thể vượt xa mốc 1 tỷ bảng, do mức tăng bình quân giữa gói 2016-2019 và gói 2013-2016 ở những hợp đồng đã hoàn tất là quá ấn tượng. Những thị trường lớn như Mỹ, Hong Kong, Bắc Âu đều tăng trên 100%, riêng Brazil tăng tới 231%.
Cộng với số tiền 1,7 tỷ bảng mỗi năm do 2 kênh Sky Sports và BT Sport trả cho thị trường trong nước, Premier League hoàn toàn có thể kiếm được 3 tỷ bảng mỗi năm từ bản quyền truyền hình trong giai đoạn 2016-2019. Xin nhắc lại, là 3 tỷ bảng! “Con quái vật” Premier League đang thâu tóm bóng đá thế giới.
SỨC BẬT CHÂU Á
Thái Lan chính là đối tác lớn nhất của Premier League ở thời điểm này, mang về cho Premier League tới 204 triệu bảng tiền bản quyền giai đoạn 2013-2016. Đứng ngay sau Thái Lan là... Singapore (190,1 triệu bảng). Trong Top 10 thị trường béo bở nhất cho Premier League, còn có tới 5 quốc gia và vùng lãnh thổ châu Á khác, gồm Hong Kong (128 triệu bảng), Malaysia (128), Ấn Độ & Tây Á (92,8), Indonesia (51,2), và Trung Quốc & Macau (32). Nỗ lực “tấn công” thị trường châu Á của Premier League đang mang lại kết quả ấn tượng!
Lý giải cho sự tăng giá chóng mặt của Premier League ở châu Á, các chuyên gia thị trường thường lấy Hong Kong ra làm ví dụ. Đấy là thị trường “nhỏ” về mặt địa lý (chỉ có khoảng 8 triệu dân). Nhưng về độ “cuồng” Premier League thì dường như không đâu sánh bằng. Chính điều đó đã tạo nên sự cạnh tranh quyết liệt giữa các tập đoàn truyền thông, tập đoàn nào cũng sẵn sàng trả giá cao hơn đối thủ để giành quyền phát sóng. Việc khán giả luôn sẵn sàng đổi nhà cung cấp dịch vụ miễn là được xem Premier League càng khiến các nhà đài thêm quyết tâm chạy đua.
Và các nhà đài càng quyết tâm, thì Premier League càng được hưởng lợi. Không chỉ ở Hong Kong...