Ông ta không muốn trao quyền, nới bớt một số công việc đang phụ trách hay tìm thêm người hỗ trợ. Theo GĐĐH Ivan Gazidis, Wenger đang gánh vác quá nhiều và luôn muốn tham gia trực tiếp vào mọi thứ. Người quản lý 66 tuổi gắn kết mật thiết với các hoạt động ở CLB và ảnh hưởng lớn tới chiến lược tổng thể. Tiếng nói của ông ta quan trọng đến mức, chính Gazidis cũng phải thừa nhận, tin tưởng đánh giá của Wenger hơn cả chính bản thân.
Chính vì vậy, không ngạc nhiên khi một người bạn của HLV người Pháp tiết lộ, Ban lãnh đạo đã van nài ông ký vào bản gia hạn hợp đồng vào năm 2010 và tiếp tục trao quyền lực tối thượng. Khi ấy, thu nhập đề nghị là 6 triệu bảng, cao hơn bất kỳ cầu thủ nào khác dù Wenger luôn nói rằng, không bao giờ nuông chiều các cầu thủ bằng mức lương cao. Vào mùa Hè 2014, Arsenal lại làm công việc này một lần nữa với hóa đơn tiền lương lên đến 8 triệu bảng và cũng một lần nữa, cao nhất CLB.
Vào năm 2007, Wenger nói rằng cuộc đời ông gắn bó với Arsenal, rằng ông được tin tưởng tuyệt đối, và rằng ông chịu trách nhiệm với người hâm mộ về danh hiệu cũng như khả năng của họ trong cuộc chinh phục đó. Từ đó đến nay, ông đã quên sạch bách cam kết hùng hồn này và cố thủ trong thành trì của mình, bất chấp những tiếng la ó.
HLV người Pháp sử dụng thành công trong quá khứ và sự vững mạnh về mặt tài chính để bào chữa cho các thất bại. Còn về việc bao giờ từ bỏ vị trí của mình, Wenger tuyên bố “cho đến khi Arsenal đạt được vị trí nhất định, kiểu như Barcelona, Bayern hay Real, để HLV sẽ được thừa hưởng di sản từ một người tiền nhiệm xuất sắc”.
Bao giờ Arsenal mới vươn đến cấp độ đó? Trong 5 mùa giải qua (và chuẩn bị cho lần thứ 6) họ đều bị chặn lại ở vòng 1/8 Champions League, 2 lần bởi Bayern và 2 lần bởi Barcelona. Tại nước Anh, ngay cả trong một mùa giải rối ren mà M.U, Liverpool, Chelsea, thậm chí cả Man City không còn là vật cản, Arsenal vẫn rụt rè để bước lên ngôi vị cao nhất.
Trong kỷ nguyên hiện đại, việc đội bóng gắn bó lâu dài với một HLV không hẳn đã tốt. Cuộc sống bóng đá không ngừng vận động, mang theo những luồng tư tưởng mới về chính sách phát triển cũng như hệ thống chiến thuật. Đó là lý do mà Dortmund không kéo dài thời với Klopp, Pep Guardiola nằng nặc rời Barcelona sau 4 năm và Bayern sau 3 năm, Mourinho, Ancelotti, Conte, Allegri hay Capello nay đây mai đó.
Thay đổi HLV liên tục có thể gây phản cảm nhưng đôi khi cũng mang đến nhiều lợi ích. Như Chelsea, 11 lần xáo trộn trên băng ghế huấn luyện trong 12 năm qua nhưng đổi lại, họ thu về 15 chiếc cúp lớn nhỏ. Còn tại Bắc London, kể từ khi The Blues giành danh hiệu đầu tiên cho đến nay, chỉ sở hữu 2 FA Cup với Wenger.
Thời kỳ “độc tài toàn trị” đã qua nhưng Arsenal vẫn chưa sẵn sàng để bước vào cuộc sống mới.