Thử tưởng tượng Cristiano Ronaldo bảnh chọe phải ra sân thi đấu trong trang phục quần chẽn gối, hay Lionel Messi phải vất vả đính những miếng da lên đôi giày không đinh chỉ để chống trơn trượt? Manuel Neuer được ngợi ca là một thủ thành thông minh và khéo léo, nhưng anh liệu có hay được như thế nếu phải bắt bóng bằng tay không?
Thế giới bóng đá đầy tinh vi và hấp dẫn của ngày hôm nay đã hình thành từ một môn thể thao giản dị. Trải qua hơn một thế kỉ, những sáng chế mới đã ra đời cùng với sự phát triển của khoa học kỹ thuật. Và dưới đây là những bước ngoặt vĩ đại không thể không đề cập đến.
Bước ngoặt đầu tiên: Bóng da (những năm 1850)
Thuở ban đầu, quần chúng có thể sử dụng bất cứ thứ gì làm bóng, từ bàng quang của cừu cho tới đầu heo. Sau đó, họ nghĩ ra cách bọc bàng quang lợn được bơm hơi trong những miếng da, và đó là bình minh của quả bóng da ngày nay. Cầu thủ phải sống chung với cái bàng quang lợn như thế cho đến tận World Cup 1986, khi FIFA quyết định đưa chất liệu nhựa vào sử dụng.
Bước ngoặt thứ 2: Quần đùi (những năm 1900)
Dưới thời Victoria, người Anh rất ngại khoe da thịt nên FA bắt cầu thủ phải mặc quần dài để che phủ đầu gối. Đầu tiên người ta sử dụng quần dài bình thường, rồi sau đó tới quần chẽn gối. Mãi tới năm 1904, FA mới cho phép giới cầu thủ được mặc quần đùi và đến thời điểm này người ta mới chơi bóng thật sự thoải mái.
Chân dung một cầu thủ ĐT Anh giai đoạn quần chẽn, bóng da lợn
Bước ngoặt thứ 3: Bảo vệ ống đồng (những năm 1960)
Sam Weller Widdowson, một cầu thủ bóng đá người Anh kiêm VĐV khúc côn cầu khu Nottingham là người phát minh ra bảo vệ ống đồng, sau khi cải tiến đôi đệm ống chân dùng cho khúc côn cầu vào năm 1874. Nhờ đó, kích thước miếng bảo vệ ống đồng được thu nhỏ và có thể giấu vào trong bít tất.
Bước ngoặt thứ 4: Găng thủ môn (những năm 1970)
Trước những năm 1970, găng tay là thứ đồ sang chảnh chỉ được đeo khi thời tiết quá xấu. Ngay cả huyền thoại Gordon Banks của ĐT Anh cũng đôi khi phải sử dụng đôi găng làm vườn của mình để bắt bóng. Đến những năm 1980 găng thủ môn mới thực sự là găng bảo vệ ngón tay và chống trơn nước thay vì là những chiếc găng tay thông thường.
Bước ngoặt thứ 5: Đinh giày (những năm 1990)
Luật FA năm 1863 cấm cầu thủ sử dụng những đôi giày có nhiều miếng đính nhô ra, bởi giai đoạn đó người ta thường dùng những miếng da ở đế giày nhằm làm giảm độ trơn trượt. Sau khi đinh ốc không còn được sử dụng vào những năm 1950, cuối cùng thì người ta cũng sáng chế ra đinh giày và cầu thủ không còn phải vất vả hàng giờ nghĩ cách tối ưu hóa đôi giày nữa.
Bước ngoặt thứ 6: Nước uống thể thao (Những năm 2000)
Cầu thủ cần được nạp thêm năng lượng và nước giữa trận đấu. Những sản phẩm nước uống thể thao ngày nay bổ sung nước hiệu quả và đảm bảo thể lực tốt nhất cho họ trong suốt 90 phút thi đấu.