Trong bóng đá, có một cuộc tranh luận không bao giờ đến hồi kết, đó là sơ đồ chiến thuật nào tối ưu và hiệu quả nhất. Không có câu trả lời hoàn hảo cho câu hỏi đó. Lịch sử bóng đá đã chứng kiến sự cực thịnh rồi cực suy của nhiều sơ đồ chiến thuật. Việc của các HLV là cố gắng tạo ra những sơ đồ mới mẻ, những phương án chiến thuật độc đáo để giúp đội bóng của mình thống trị giải đấu hay bước lên đỉnh cao thế giới.
Sau đó, những chiến lược gia, những con người tài năng khác lại nghĩ ra cách khắc chế hay phương án mới để hạ bệ sơ đồ đang tung hoành kia. Cuộc “chạy đua vũ trang” không khoan nhượng giữa những bộ óc vĩ đại của thế giới bóng đá đã giúp cho môn thể thao này không ngừng phát triển. Mỗi HLV, mỗi đội bóng sở hữu một “vũ khí” riêng và dưới đây, là một sơ đồ chiến thuật thuộc dạng kinh điển được nhiều CLB áp dụng trong suốt thời gian dài, kể từ khi ra đời đến hiện tại: sơ đồ 4-4-2.
AC Milan dưới thời HLV Arrigo Sacchi có chu kỳ thành công cùng với sơ đồ 4-4-2
TỔNG QUAN
Trong trận bóng đá đầu tiên giữa Anh và Scotland ngày 30/11/1872, Scotland chơi với sơ đồ 2-2-6 với 6 tiền đạo, trong khi Tam sư chơi với 8 tiền đạo theo sơ đồ 1-1-8. Sau đó, sơ đồ như hình kim tự tháp 2-3-5 được sử dụng trong những năm 1880. Ở những năm 20 của thế kỷ XX, sơ đồ 3-2-2-3 (W-M) nổi lên và đến năm 50 thì 4-2-4 thống trị. Những năm 1980, 4-4-2 ra đời và tồn tại đến ngày nay, trở thành hình mẫu thành công cho nhiều đội bóng.
Điển hình nhất là AC Milan dưới thời HLV Arrigo Sacchi (1987-1991) và Fabio Capello sau đó (1991-1996), giành được 3 chiếc cúp C1 và 2 cúp Liên lục địa. 4-4-2 cũng là kim chỉ nam cho thành công của M.U trong suốt 26 năm Sir Alex Ferguson trị vì ở sân Old Trafford. Những năm gần đây, Atletico và Leicester có được thành công vượt xa so với tiềm năng của họ cũng nhờ sơ đồ kinh điển này.
ĐIỂM MẠNH
4-4-2 luôn có 2 tiền đạo thường trực ở bên phía phần sân đối phương, điều đó có nghĩa hàng tiền vệ và hậu vệ luôn có thể đưa bóng lên phía trước mà hoàn toàn yên tâm rằng sẽ có đủ nhân sự đón bóng. Không giống như sơ đồ chỉ có 1 tiền đạo cắm, 4-4-2 cho phép tiền đạo có thể lập tức tấn công về phía khung thành mà không cần đợi sự hỗ trợ của tiền vệ.
Vì lý do này, những tiền đạo xuất chúng thường chơi trong sơ đồ 4-4-2. Nó yêu cầu các tay săn bàn phải có khả năng hoạt động độc lập hoặc tìm kiếm sự ăn ý cùng tiền đạo còn lại để xuyên phá hàng phòng ngự đối phương. Từ đó, những song sát huyền thoại ra đời, như Ruud Gullit cùng Marco van Basten ở AC Milan hay Andy Cole cùng Dwight Yorke của M.U.
Song sát Cole-Yorke của M.U
4-4-2 yêu cầu bộ đôi tiền vệ cánh cũng như hậu vệ cánh chơi rộng, dẫn đến đội bóng có thể đe dọa đối phương với những tình huống căng ngang từ 2 biên. Trong thời đỉnh cao của mình, M.U sở hữu những cơn lốc ở 2 cánh như Kanchelskis, Ryan Giggs, Cristiano Ronaldo hay bộ đôi Beckham-Neville, những người có thể đặt đồng đội vào tư thế ăn bàn mỗi lần vung chân tạt bóng.
Điều đó cũng buộc đối thủ phải điều hậu vệ biên ra sát đường biên dọc để chống lại các mối đe dọa. Từ đó, 2 tiền đạo trong sơ đồ 4-4-2 có thể khai thác khoảng trống giữa trung vệ và hậu vệ biên đối phương.
Một điểm mạnh nữa của 4-4-2 là đơn giản và dễ triển khai. Nhiều đội bóng khi gặp vấn đề với sơ đồ chiến thuật chính sẽ áp dụng một biến thể nào đó của 4-4-2, đặc biệt khi đối phương gây áp lực lớn khiến họ buộc phải lùi sâu về phần sân nhà để phòng ngự. Có 2 tiền đạo ở trên, 4-4-2 rất dễ để chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công, như những gì Atletico đã làm hay Leicester rất nhiều lần thực hiện ở Ngoại hạng Anh mùa này.
ĐIỂM YẾU
Những nhược điểm của 4-4-2 giải thích cho lý do vì sao sơ đồ này dần mất tích ở các đội bóng lớn, đặc biệt kể từ khi 4-2-3-1 lên ngôi. Theo thống kê ở World Cup 2010, 27 trong số 32 đội tuyển góp mặt tại Đức sử dụng sơ đồ 4-2-3-1. Nó khắc chế hoàn toàn 4-4-2, khiến cho giờ đây sơ đồ nổi tiếng một thời chỉ còn lại Atletico và Leicester, 2 đội bóng ưa thích lối chơi phòng ngự phản công sử dụng.
Một trong những bộ óc chiến thuật tài năng nhất thế giới bóng đá, HLV Jose Mourinho đã chỉ ra điểm yếu của 4-4-2: “Nếu tôi có một tam giác ở hàng tiền vệ, tôi luôn luôn có lợi thế để chống lại sơ đồ thuần 4-4-2. Đơn giản vì tôi có hơn một cầu thủ ở giữa sân. Sự khắc chế này khởi nguồn từ những cầu thủ như Claude Makelele”.
Những cầu thủ như Makelele cùng sơ đồ 3 tiền vệ trung tâm khắc chế 4-4-2
“Nếu không có ai gây sức ép cho cậu ấy, Makelele có thời gian để quan sát toàn bộ trận đấu. Nếu anh ấy bận rộn, nghĩa là 1 trong 2 tiền vệ còn lại của tôi được tự do. Nếu cả 3 đều phải hoạt động, có nghĩa là tiền vệ cánh của đối phương bó vào trung lộ và nó tương đương với việc 2 biên của tôi có không gian rộng lớn. 4-4-2 không thể chống lại được điều đó”.
Thêm nữa, việc chỉ có 2 người ở khu vực trung tâm trong sơ đồ 4-4-2 đòi hỏi phải có ít nhất 1 tiền vệ box-to-box hoàn hảo, cầu thủ toàn diện trong cả phòng ngự lẫn tấn công. Họ cần phải giỏi tắc bóng, chuyền dài, chuyền ngắn và sút xa, xâm nhập vòng cấm một cách xuất sắc như Bryan Robson, Paul Scholes hay Steven Gerrard. Bóng đá giờ đây không còn nhiều tiền vệ xuất chúng như thế và hệ quả đi theo nó là khả năng kiểm soát bóng, tấn công và chèn ép đối thủ của 4-4-2 bị triệt tiêu.
Đó cũng là sự khác biệt giữa 4-4-2 thời cực thịnh của AC Milan hay M.U theo trường phái tấn công và 4-4-2 hiện nay. Giờ đây, chỉ có Atletico hay Leicester là đại diện tiêu biểu cho sơ đồ 4-4-2 thực dụng, chơi với đội hình cực thấp, nhường bóng cho đối phương và lợi dụng điểm mạnh dễ chuyển trạng thái từ phòng ngự sang tấn công để ghi bàn từ những tình huống phản công.
ĐỘI BÓNG NÀO SỬ DỤNG NÓ?
Atletico Madrid, Leicester City, Borussia Monchengladbach, AC Milan (1987-1991).